Hai loại vụ án, vụ việc thuộc phạm vi của Ban chỉ đạo Trung ương

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Bộ Chính trị thành lập đã được bổ sung phạm vi chỉ đạo so với quy định trước đây.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định mới (số 32) của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban).

So với quy định trước đây (số 211), Ban được bổ sung thêm nhiệm vụ chỉ đạo công tác phòng, chống tiêu cực.

Ngoài ra, quy định mới cũng bổ sung phạm vi chỉ đạo của Ban. Theo đó, Ban chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong phạm vi cả nước.

Ban cũng trực tiếp chỉ đạo xử lý hai loại vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Thứ nhất là các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng. Thứ hai, các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

13-1632360457.jpg
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Giang Huy

Ban chỉ đạo có 7 nhóm nhiệm vụ và 6 nhóm quyền hạn, bao gồm trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể; kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định hoặc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định khi có căn cứ cho rằng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực...

Ban cũng có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp quản lý thì báo cáo ngay cho Ban chỉ đạo, cấp ủy quản lý cán bộ để kịp thời chỉ đạo xử lý; đồng thời chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ủy ban kiểm tra thuộc cấp ủy quản lý cán bộ để kiểm tra, xử lý.

"Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm thì kịp thời chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền, không chờ đến khi kết thúc mới chuyển", quy định mới nêu rõ...

Ban chỉ đạo làm việc theo chương trình hằng năm, họp thường kỳ 6 tháng một lần, họp bất thường khi cần. Thường trực Ban chỉ đạo họp thường kỳ 3 tháng một lần, họp bất thường khi cần.

Trước đó, ngày 10/9, Bộ Chính trị quyết định bổ sung nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để chỉ đạo phòng chống cả tham nhũng và tiêu cực.

Tháng 2/2013, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; chịu trách nhiệm trước các cấp có thẩm quyền trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trên cả nước. Như vậy, sau 8 năm hoạt động, Ban chỉ đạo thêm chức năng phòng chống tiêu cực.

Theo vnexpress.net

Nguồn bài viết: https://vnexpress.net/hai-loai-vu-an-vu-viec-thuoc-pham-vi-cua-ban-chi-dao-trung-uong-4360408.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin