Liên quan tới việc Hà Nội đề xuất hạ chuẩn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho 17 chung cư vi phạm không có “khả năng khắc phục”, TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Đối với an toàn PCCC thì không thế có châm trước”.
Đề xuất hạ chuẩn PCCC cho 17 chung cư vi phạm
Mới đây, theo Văn bản Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu gửi Bộ Công an và Bộ Xây dựng cho biết, hiện Hà Nội vẫn còn 17 công trình nhà chung cư cao tầng đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng nhưng vẫn còn các tồn tại, vi phạm quy định về PCCC, không có khả năng khắc phục theo yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về PCCC hiện hành.
Theo giải thích của UBND TP Hà Nội, trước năm 2011, ý thức chấp hành pháp luật PCCC của chủ đầu tư còn yếu kém, việc phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước trong thẩm định, cấp phép xây dựng, thẩm duyệt thiết kế PCCC hạn chế. Nhiều chủ đầu tư đã không thực hiện yêu cầu về giao thông phục vụ chữa cháy, khoảng cách an toàn về PCCC, thiết kế thang bộ thoát nạn, hệ thống chống tụ khói công trình.
Lý giải việc đề xuất giảm bớt và hạ thấp tiêu chuẩn PCCC, UBND TP Hà Nội cho rằng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn phòng cháy có nêu trong một số trường hợp riêng biệt, Bộ Xây dựng cho phép giảm bớt một số quy chuẩn đối với công trình cụ thể, khi có giải pháp thay thế và được sự thẩm duyệt bởi Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an).
Để khắc phục tồn tại về PCCC của những công trình trên, Hà Nội đưa ra 10 nhóm giải pháp, tương ứng với nhóm chung cư có cùng vấn đề phải giải quyết. Hiện đề xuất trên chưa được cơ quan chức năng đồng ý hay bác bỏ.
Dân lo, chuyên gia sợ xảy ra tiền lệ xấu
Theo đại điện Ban Quản trị chung cư BMM (phường Phúc La, Hà Đông) cho biết, cư dân tại đây đang lo lắng về thông tin tòa nhà họ ở nằm trong danh sách 17 công trình được UBND TP Hà Nội đề xuất giảm bớt và hạ thấp tiêu chuẩn PCCC. Chung cư BMM đã bàn giao nhà từ lâu nhưng đến tháng 6/2016 cơ quan chức năng mới phát hiện chung cư này chưa đảm bảo các yêu cầu an toàn về PCCC.
Đại diện Ban Quản trị tòa nhà BMM cho rằng, những vấn đề UBND TP Hà Nội đề nghị hạ tiêu chuẩn đều liên quan đến kết cấu tòa nhà. Tuy nhiên, ngay cả những trang thiết bị cơ bản cũng bị chủ đầu tư bỏ qua. “Từ tầng 5 trở lên tòa nhà không có hệ thống báo khói tự động, cư dân yêu cầu nhiều nhưng chủ đầu tư vẫn ngó lơ. Nên nếu hạ chuẩn PCCC thì sẽ càng nguy hiểm hơn cho cư dân”, đại điện Ban Quản trị lo lắng.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Việc nâng lên hay hạ xuống thì mục đích cuối cùng vẫn phải là để bảo vệ tính mạng người dân. Còn vì không đáp ứng được mà xin hạ là trốn trách nhiệm với người dân”.
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, không riêng 17 chung cư nói trên mà hiện nay ở Hà Nội có rất nhiều chung cư cũ không đảm bảo tiêu chuẩn PCCC, bởi vì trước đây chưa có quy định về tiêu chuẩn. Nhưng cũng không thể vì thế mà buông lỏng quản lý.
Cũng theo T.S Liêm, Hà Nội lấy nguyên nhân: “Trước năm 2011, ý thức chấp hành pháp luật PCCC của chủ đầu tư còn yếu kém...” để hạ chuẩn PCCC là không thỏa đáng. Khi luật PCCC 2001 ra đời, thì trước đó có rất nhiều các văn bản pháp lý liên quan tới quản lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC.
“Đặc biệt giữa Bộ Xây dựng và Sở Nội vụ đã có quy định về PCCC. Và nó còn quan trọng tới mức tách riêng yêu cầu an toàn PCCC tại các khu đô thị đặc thù thành các Cục PCCC. Như vậy, công tác PCCC đã được đặt ra yêu cầu rất cao, đề nghị không vì lý do gì mà giảm bớt quy định PCCC được”, TS. Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với TS. Phạm Sỹ Liêm, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc công ty Luật Minh Bạch) cho biết, khi UBND TP Hà Nội đặt ra vấn đề hạ chuẩn PCCC cho 17 công trình chung cư vi phạm đã thể thiện rõ những bất cập trong quy hoạch, quản lý xây dựng tại nước ta. Quy chuẩn PCCC được áp dụng trên cả nước, trường hợp cơ quan chức năng chấp nhận hạ chuẩn cho các công trình cá biệt trên thì người dân cũng hoàn toàn có thể nghi ngờ sẽ có những trường hợp tương tự tiếp theo.
Việc để xảy ra các công trình chung cư cao tầng vi phạm an toàn PCCC và phải đề xuất hạ chuẩn đã lộ ra công tác quản lý yếu kém của cơ quan chức năng liên quan. “Tại sao quy định an toàn PCCC đã có những chế tài xử phạt rõ ràng nhưng sao không được thực hiện nghiêm? Trường hợp công trình không đủ an toàn PCCC vẫn cho dân vào ở?”, luật sư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đặt thêm giả thiết, Giám đốc công ty Luật Minh Bạch cho rằng, trường hợp đồng ý hạ chuẩn PCCC cho 17 công trình đã nêu, nhưng khi xảy ra cháy nổ, thiệt hại thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm? Cơ quan chức năng hay chủ đầu tư có khẳng định được khi hạ chuẩn sẽ đảm bảo được an toàn cho người dân khi xảy ra cháy nổ hay không? Giải quyết được những câu hỏi trên dư luận, cư dân sống tại 17 công trình trên mới yên tâm.
Theo Danviet