Góc nhìn chuyên gia luật về “ kiến nghị không phê duyệt, hủy kết quả đấu giá 26 lô đất tại Hà Nội”

(Pháp lý) - Thời gian gần đây hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất ở nhiều nơi xảy ra tình trạng vi phạm quy định về đấu giá, gây thất thoát tài sản của nhà nước, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân, nhiều trường hợp đã bị xử lý, thậm chí nhiều cán bộ đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập. Do đó, để giảm thiểu các vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp.

865274726800-002-1645508349.jpg
Pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập.

Huỷ kết quả và xử phạt công ty đấu giá

Mới đây, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) vừa ban hành Kết luận thanh tra số 05/KL-BTP về việc thanh tra đột xuất việc tổ chức bán đấu giá tài sản của Công ty đấu giá hợp danh Đông Á (trụ sở tại B36 ngõ 74 phố Nguyễn Thị Định, P.Nhân Chính, Q.Thanh Xuân, Hà Nội).

Theo đó, cơ quan này đã làm rõ hàng loạt vi phạm trong việc tổ chức bán đấu giá đối với 48 thửa đất đất tại khu chăn nuôi xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội) với sự tham gia của 76 khách hàng vào cuối tháng 9/2021.

Kết luận thanh tra chỉ ra rằng, Công ty đấu giá hợp danh Đông Á ban hành quy chế cuộc đấu giá có nội dung không đúng; không thông báo công khai ít nhất 2 lần trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có tài sản đấu giá, về việc thay đổi nội dung đấu giá đã được niêm yết, thông báo công khai, vi phạm luật Đấu giá tài sản.

Công ty không trực tiếp bán hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, không trực tiếp thu tiền bán hồ sơ cũng như không tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, vi phạm quy định tại khoản 2 điều 38 luật Đấu giá tài sản.

 

img-bgt-2021-3-1645026415-width2560height1440-1645507891.jpg
Khu đất đang bị "tuýt còi" vì đấu giá sai ở Đan Phượng.

Trong số 48 thửa đất đã trúng đấu giá có 22 thửa thực hiện bán đấu giá theo đúng quy định của pháp luật. Có 22 thửa đất, Công ty đấu giá hợp danh Đông Á đã cho người không đủ điều kiện đấu giá tham gia đấu giá (không có đơn đăng ký tham đấu giá, không nộp tiền đặt trước). Đồng thời, có 4 thửa đất khác không đủ điều kiện đưa ra bán đấu giá do chỉ có hồ sơ của một khách hàng đăng ký tham gia đấu giá.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp đã quyết định xử phạt 35 triệu đồng đối với 3 hành vi vi phạm hành chính của công ty này, gồm: ban hành quy chế cuộc đấu giá không đúng; thông báo khi thay đổi nội dung đấu giá đã thông báo công khai không đúng; bán, tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá không đúng. Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho người không đủ điều kiện tham gia đấu giá tham gia cuộc đấu giá với hình thức xử phạt hành chính 15 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là hủy kết quả đấu giá đối với 10 thửa đất.

Cùng với đó, Cục Bổ trợ tư pháp yêu cầu UBND huyện Đan Phượng có văn bản không công nhận/phê duyệt kết quả đấu giá đối với 16 thửa đất đã được Công ty đấu giá hợp danh Đông Á bán đấu giá không đúng quy định của pháp luật.

Tại kết luận thanh tra, Cục Bổ trợ tư pháp cũng đề nghị UBND huyện Đan Phượng kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng liên quan đến việc ký hợp đồng và thỏa thuận với Công ty đấu giá hợp danh Đông Á có các nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, đồng thời kiến nghị UBND TP.Hà Nội xem xét trách nhiệm của UBND huyện Đan Phượng ban hành phương án đấu giá đất vi phạm quy định luật Đấu giá tài sản.

Hoạt động bán đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều hạn chế, tồn tại

Dưới góc độ pháp lý xung quanh vụ việc trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, đấu giá quyền sử dụng đất là một trong những hình thức xác định giá trị quyền sử dụng đất nhằm giao đất, thực hiện hoạt động chuyển quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật. Tuy nhiên thời gian gần đây hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất ở nhiều nơi xảy ra tình trạng vi phạm quy định về đấu giá, gây thất thoát tài sản của nhà nước, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân, nhiều trường hợp đã bị xử lý, thậm chí nhiều cán bộ đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

274298042-791358018508250-6870946159540782024-n-1645507891.jpg
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Theo vị luật sư, Luật đấu giá tài sản cũng như Luật đất đai đã quy định rõ nguyên tắc đấu giá quyền sử dụng đất phải đảm bảo công khai; khách quan; liên tục; bình đẳng; trung thực; bảo vệ quyền và lợi ích của các bên. Đồng thời phải đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai, đấu giá tài sản theo quy định tại  Thông tư Liên tịch số TTLT 14/2015/TT-BTNMT-BTP về tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, trừ trường hợp thực hiện theo thủ tục rút gọn được phê chuẩn theo luật định.

Nếu không tuân thủ các quy định của luật đấu giá tài sản, của luật đất đai về đấu giá quyền sử dụng đất và các văn bản hướng dẫn thi hành thì rất dễ phát sinh sai phạm, làm thất thoát tài sản của nhà nước, gây ra sự bất bình đẳng trong xã hội. Tiến sĩ Cường nhận định.

Tuy nhiên, trong thực tế thời gian qua, hoạt động đấu giá nói chung, đấu giá đất công nói riêng thường xảy ra nhiều sai phạm chủ yếu như: không công khai minh bạch về thông tin, vi phạm quy định về thông tin thông báo về hoạt động đấu giá, gây khó khăn cho tổ chức cá nhân khi tham gia mua hồ sơ, tham gia đấu giá tài sản. Thông đồng với nhau để dàn xếp cho tổ chức, cá nhân trúng đấu giá; xác định giá khởi điểm không đúng quy định dẫn đến người trúng đấu giá thấp hơn cả giá thị trường...

Nguyên nhân bởi hoạt động bán đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều hạn chế, tồn tại như: định giá tài sản, xác định giá khởi điểm tài sản để đấu giá còn chưa hợp lý, chênh lệch lớn so với giá thị trường, thậm chí kết quả định giá của các tổ chức thẩm định giá đối với cùng một tài sản tại cùng một thời điểm còn chênh lệch nhau nhiều, đặc biệt là giá đất.

Kế đến, là việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá còn chưa khách quan, tình trạng “sân sau” còn phổ biến, thậm chí tổ chức đấu giá có hành vi vi phạm pháp luật vẫn được lựa chọn; việc người có tài sản giám sát quá trình tổ chức đấu giá không thường xuyên, thậm chí là “buông lỏng” nên không kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Cùng với đó còn do năng lực hoạt động của một số đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản còn hạn chế; còn có hiện tượng chạy theo lợi nhuận, “cạnh tranh” không lành mạnh, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.

Đặc biệt còn có tình trạng “, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ” giữa những người tham gia đấu giá, người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản; hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp dưới sự “bảo kê” của băng nhóm “xã hội đen” có hành vi “đe dọa, cưỡng ép” những người tham gia đấu giá nhằm thao túng cuộc đấu giá tuy có giảm nhưng vẫn còn phức tạp, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng an ninh, trật tự tại địa phương.

 

duong-duong-1645507891.jpg
Phiên toà xét xử 4 cán bộ tiếp tay cho vợ Đường Nhuệ thao túng đấu giá đất ở Thái Bình.

Điển hình nhất phải kể đến như vụ nhóm cán bộ Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình (Sở Tư pháp Thái Bình) và Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên (Sở TN&MT tỉnh Thái Bình) tiếp tay cho vợ chồng Dương Đường thao túng đấu giá đất ở Thái bình năm 2019.

Hay mới đây nhất là vụ Khu đất ở xã Cổ Dương, huyện Đông Anh (TP Hà Nội) bị thâu tóm với giá rẻ thông qua hoạt động bán đấu giá, gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 200 tỷ đồng. Liên quan đến vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vimedimex về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”. Theo cơ quan điều tra, Bà Loan bị cáo buộc có hành vi thành lập 3 doanh nghiệp rồi chỉ đạo thuộc cấp tại các công ty nộp hồ sơ đấu giá và thông đồng dìm giá trong quá trình đấu giá Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá phía Đông Nam thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh. Kết quả là một trong 3 công ty trúng đấu giá tại dự án nêu trên.

Ngoài bà Loan, một số cá nhân thuộc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng Đông Anh, Công ty cổ phần Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội bị cáo buộc có hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Hiện vụ án vẫn đang được tiếp tục điều tra làm rõ… Vị luật sư lấy ví dụ.

Quay trở lại với vụ việc “kiến nghị không phê duyệt, hủy kết quả đấu giá 26 thửa đất tại Hà Nội vì đấu giá sai”, TS. LS. Đặng Văn Cường cho rằng, theo kết luận của cơ quan thanh tra thì vụ việc có nhiều sai phạm trong hoạt động đấu giá đối với một số dự án nêu trên, về nguyên tắc thì cơ quan chức năng sẽ hủy bỏ kết quả đấu giá, thu hồi lại các diện tích đất đó để tiến hành đấu giá lại hoặc sử dụng vào mục đích khác. Các tổ chức cá nhân đã trúng đấu giá không đúng quy định thì phải chịu thiệt hại, có thể được hoàn trả số tiền đã nộp cho nhà nước.

Tuy nhiên cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét trách nhiệm của cán bộ, tổ chức có sai phạm, xác định nguyên nhân sai phạm để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí thì cần phải xử lý nghiêm, xem xét xử lý kỷ luật. Thậm chí phải truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại đến tài sản của nhà nước, của tổ chức, cá nhân.

Pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập.

Theo nhìn nhận về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong hoạt động đấu giá tài sản, TS. LS Đặng Văn Cường cho rằng, do pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập.

Hiện nay, các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất được quy định trong rất nhiều văn bản từ Luật, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch giữa các bộ, ngành, Quyết định của UBND tỉnh,… Tuy nhiên, mỗi văn bản lại điều chỉnh một vài khía cạnh hoặc cùng một lúc nhiều văn bản điều chỉnh một khía cạnh nhưng lại có điểm không thống nhất. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. TS. LS Đặng Văn Cường nhận định.

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, Tiến sĩ Cường cho rằng, đối với quy định xác định giá khởi điểm, việc xác định giá khởi điểm đúng với giá trị tài sản sẽ có vai trò quyết định việc đăng ký tham gia đấu giá, trả giá nhằm xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản của các cá nhân, tổ chức có nhu cầu.

Các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản hiện hành cho thấy, Chủ tịch UBND cấp tỉnh là người phê duyệt giá đất khởi điểm do Sở Tài chính và Sở Tài nguyên & Môi trường xác định dựa trên bảng giá đất. Ban hành Bảng giá đất còn chưa sát giá thị trường. Việc phê duyệt giá đất khởi điểm được quyết định bởi một cá nhân nên có thể có sự không minh bạch về mức giá khởi điểm này. Những bất cập, thiếu minh bạch trong việc xác định giá đất không sát giá thị trường là kẽ hở cho tiêu cực, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Đối với quy định về thông báo đấu giá, pháp luật có hướng dẫn cụ thể về việc đăng Thông báo đấu giá tài sản trên báo in, báo hình nào. Các tổ chức đấu giá khi áp dụng quy định về đăng tải Thông báo đấu giá tài sản trên là rất khác nhau và khó có thể kiểm soát việc đăng thông báo của tổ chức đấu giá như thế nào là phù hợp. Điều này dẫn đến tình trạng tổ chức đấu giá triển khai việc đăng tải Thông báo đấu giá tài sản trên nhiều báo khác nhau, vì thế mà thông tin rất khó đến được với khách hàng…

Bên cạnh đó, pháp luật đấu giá quyền sử dụng đất thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước dẫn tới tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thông đồng, trục lợi… TS. LS Đặng Văn Cường phân tích.

Do đó, để giảm thiểu các vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo công bằng và tránh thất thoát tài sản của nhà nước thì cần phải xây dựng chính sách pháp luật đấu giá tài sản phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện tại, có một khung pháp lý thống nhất, ổn định về đất đai; khắc phục được các vướng mắc, bất cập, bảo đảm sự thống nhất giữa các luật có liên quan.

Cần quy định trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất chặt chẽ, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức đấu giá, cơ cơ chế kiểm soát quá trình tổ chức thực hiện đấu giá, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên tham gia đấu giá… để tránh tình trạng cá nhân, tổ chức thông đồng trong quá trình tổ chức đấu giá, gây thất thu cho ngân sách.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý nghiêm hành hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản; phát hiện, đấu tranh với các tổ chức, nhóm lợi ích cấu kết với người có thẩm quyền nhằm chi phối các cuộc đấu giá…

Nam Kiên

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin