Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ người sở hữu tài sản số (Ảnh minh họa)
“Mỏ vàng” đang chờ khung pháp lý điều chỉnh
Cho đến nay dù chưa được công nhận về mặt pháp lý song trên thực tế, việc giao dịch các loại tài sản số, tiền số thông qua sàn giao dịch nước ngoài và cá nhân diễn ra khá phổ biến tại Việt Nam.
Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ người sở hữu tài sản số, với khoảng 20 triệu người sở hữu và mỗi năm có khoảng 120 tỷ USD tiền mã hóa được chuyển vào Việt Nam. Trước đó, trong giai đoạn 2023 – 2024, Việt Nam đón nhận hơn 105 tỉ USD dòng vốn từ thị trường blockchain, với lợi nhuận thu về gần 1,2 tỉ USD vào năm 2023.
Tại hội thảo “Pháp lý tài sản số trước thềm ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số” (diễn ra hồi tháng 12/2024), ông Phan Đức Trung, Phó CT Hiệp hội Blockchain Việt Nam, thông tin: So với dòng vốn đầu tư FDI, thì dòng vốn vào blockchain gấp khoảng 4 lần, tương đương ¼ so với tổng GDP cả nước.
Theo Triple-A (một cổng thanh toán tiền mã hóa được cấp phép bởi cơ quan tiền tệ Singapore), năm 2024, Việt Nam có hơn 17 triệu người sở hữu tài sản mã hoá, xếp hạng 7 trên toàn cầu. Trong đó có hơn 85% người làm nghề tự do sở hữu tài sản mã hoá nằm trong top 1 toàn cầu và 34% người làm nghề tự do chấp nhận thanh toán bằng tiền mã hoá.
Một nghiên cứu từ Chainalysis, thị trường tiền điện tử Việt Nam dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 10% từ năm 2024 đến năm 2032. Lợi nhuận từ đầu tư vào tài sản mã hóa ở thị trường Việt Nam vào năm 2024 đứng thứ 3 thế giới, khoảng hơn 1 tỷ USD, chỉ sau thị trường Mỹ và thị trường Anh. Trong khi đó, thị trường blockchain của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 17,4% cho đến năm 2029. Điều này cho thấy mức độ chấp nhận và tích hợp công nghệ blockchain cao hơn.
Theo Bộ TT&TT, năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số của Việt Nam ước đạt 152 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2019; giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt 31,8%, tăng từ 21,35% vào năm 2019; tổng số nhân lực đạt 1,67 triệu người, tăng 67% so với năm 2019; toàn ngành có 54.500 doanh nghiệp đang hoạt động. Trước đó năm 2023, Việt Nam có 5 sản phẩm công nghiệp công nghệ số được xếp hạng top đầu thế giới; đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm.
Với số lượng người dùng điện thoại lớn và công nghệ phát triển đang nâng cao khả năng tiếp cận tài chính, đặc biệt, với sự ra đời của thị trường tài sản kỹ thuật số, dự báo khả năng tiếp cận ở Việt Nam sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Mặc dù vậy theo các chuyên gia kinh tế, thị trường tài sản kỹ thuật số vẫn đang thiếu các nền tảng thực sự hiểu và đáp ứng được nhu cầu đặc thù của người dùng; nguyên nhân là chưa có một khung pháp lý rõ ràng và đầy đủ để dẫn dắt, quản lý và khai thác tài sản số có hiệu quả, từ đó làm phát sinh các bất cập.
Những vấn đề cốt lõi cần quan tâm
1. Các quy định về thuế đối với tài sản số
Tại Việt Nam, theo báo cáo của hãng Chainalysis, năm 2023, lợi nhuận toàn cầu từ tài sản mã hoá đạt 37,6 tỷ USD. Trong đó tài sản mã hóa vào Việt Nam lên đến 120 tỷ USD, gấp khoảng 3 - 4 lần dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và tăng 20% so với giai đoạn 2021 - 2022 (khoảng 100 tỷ USD). Với gần 1,2 tỷ USD lợi nhuận, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới. Theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, với khối lượng giao dịch sẽ còn tăng trưởng kép trong thời gian tới, đây sẽ là dòng thuế mới vô cùng tiềm năng đối với bất kỳ quốc gia nào.
Khoản thu thuế đối với 120 tỷ USD nói trên đã “chảy” ra khỏi Việt Nam
Cũng theo ông Trung, do chưa có cơ sở pháp lý cụ thể về tài sản mã hoá, khoản thu thuế đối với 120 tỷ USD nói trên đã bị thất thoát, “chảy” ra khỏi Việt Nam. Về nguyên tắc, các giao dịch liên quan đến tài sản số cũng như các hàng hóa khác phải nộp thuế. Đây là xu thế không thể đảo ngược khi công nghệ ngày càng phát triển. Tuy nhiên, khi chưa có hành lang pháp lý để quản lý về thuế, dẫn đến thất thu thuế là tất yếu. Cái khó không chỉ ở Việt Nam mà các nước đang phải đối mặt là phải định nghĩa nó là gì. Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số do Bộ TT&TT được giao soạn thảo và lấy ý kiến không dùng khái niệm “tài sản số” mà chuyển sang dùng khái niệm “tài sản mã hóa”.
Theo các chuyên gia cần phải thống nhất về khái niệm, thuật ngữ để phân loại đúng, vì mỗi tài sản số có thể phục vụ cho mục tiêu khác nhau, từ đó mới có căn cứ thực hiện việc thu thuế. Các quy định về thuế đối với tài sản số cần được nghiên cứu, xem xét thận trọng, triển khai từng bước dựa trên thực tiễn, để đảm bảo đạt được mục tiêu kép. Bởi không chỉ là câu chuyện chống thất thu thuế mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển khi tiềm năng của lĩnh vực này là rất lớn. Ngoài ra còn giúp người tham gia biết các tiêu chuẩn để bảo vệ mình, từ đó có quyết định khi bước vào thị trường mới mẻ này.
2. Quyền sở hữu tài sản số và cách thức bảo vệ những chủ thể tham gia thị trường, tài sản số .
Dù tài sản số có nhiều yếu tố hấp dẫn nhưng theo các chuyên gia, việc bảo vệ tài sản cho nhà đầu tư cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Bởi thực tế, thị trường tài sản số biến động rất mạnh, phức tạp, thay đổi nhanh chóng… rất dễ khiến nhà đầu tư gặp phải rủi ro về giá cả. Ngoài ra, rủi ro về lưu trữ tài sản cũng cần phải quan tâm và đặc biệt, người dùng cần phải chú ý về rủi ro liên quan đến “tin tặc” vì toàn bộ các hoạt động đều dựa trên hợp đồng thông minh (smartcontract) được triển khai trên các nền tảng blockchain nên đây thường là mục tiêu dễ bị nhắm đến.
Vì vậy bên cạnh việc chống thất thu thuế, việc xây dựng khung pháp lý về quyền sở hữu tài sản số cũng là cách bảo vệ những chủ thể tham gia thị trường, góp phần thúc đẩy lĩnh vực tài sản số phát triển.
Việc chưa có quy định cụ thể về tài sản áo cũng khiến cho nhiều giao dịch liên quan chưa được xác thực tính hợp pháp, nhiều chủ thể được xác lập lợi ích lớn từ việc trao đổi tài sản ảo nhưng nhà nước chưa có cơ sở pháp lý để tính thuế. Bên cạnh đó, còn rất nhiều các vấn đề pháp lý phát sinh chưa thể giải quyết do Việt Nam chưa có quy định pháp luật về nội dung này. Do đó, trong thời gian tới cần xây dựng lộ trình hoàn thiện, chính sách pháp luật về quyền sở hữu đối với tài sản ảo”.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Huyền Dinh, CEO Công ty AlphaTrue nhận định: Hiện nay, hành lang pháp lý về tài sản số chưa được hoàn thiện, cho nên dẫn đến tình trạng thiếu rõ ràng trong việc xác lập quyền sở hữu và trách nhiệm thuế của doanh nghiệp. Rất nhiều trường hợp doanh nghiệp để phát triển dễ dàng hơn buộc phải qua các địa bàn lân cận như Singapore, Hong Kong. Điều này không chỉ tạo ra thách thức cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật mà còn gây khó khăn trong việc thu hút vốn, đặc biệt vốn đầu tư nước ngoài.
3. Phòng chống tội phạm rửa tiền và lừa đảo qua mạng…
Theo báo cáo năm 2023 của Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) phối hợp với Dự án xã hội chống lừa đảo, số tiền mà người dân Việt Nam bị lừa đảo qua mạng đã lên tới 16 tỷ USD.
Từ năm 2019 – 2024, có khoảng 100 tỷ USD tiền mã hoá đã được rửa qua các dịch vụ chuyển đổi
Thực tế, tại Việt Nam, nhiều đơn vị không rõ thông tin như CrossFi, Mineplex, BOM Network... liên tiếp tổ chức các hội thảo kín, lợi dụng hình ảnh những nhân vật có ảnh hưởng nhằm huy động vốn từ cộng đồng. Nhiều báo cáo từ người dùng gửi về ChainTracer cho biết việc họ bị lừa đảo thông qua việc gửi, nạp tiền lên các nền tảng sàn giao dịch, ví không rõ thông tin. Đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra PC01 (Công an TP.HCM) cho biết đơn vị đã từng thụ lý, điều tra nhiều vụ việc liên quan đến tiền mã hoá, rửa tiền, lừa đảo, đánh bạc trên không gian mạng, mua bán trao đổi tiền mã hoá trên các sàn như Binance, ví điện tử... Tuy nhiên, cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc định danh các nguồn tiền và truy vết dòng tiền. Vấn đề làm thế nào để phối hợp giữa các cơ quan để điều tra, thu thập tài liệu đúng quy định pháp luật và có thể truy tố các hành vi phạm tội.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Bình - Trưởng ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia): “Việc sớm quản lý tài sản số sẽ giúp giảm rủi ro như thất thu thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố hay mất kiểm soát chủ quyền tiền tệ”.
Kinh nghiệm các nước và gợi mở cho Việt Nam
Không thể phủ nhận tài sản số đã trở thành một yếu tố chiến lược trong cuộc đua kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc gia đã tiến xa trong việc quản lý tài sản số.
Hoa Kỳ, với vai trò tiên phong, đã giao cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và các cơ quan liên quan nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng, minh bạch hóa các giao dịch tiền mã hóa. Liên minh Châu Âu (EU) đã ban hành Đạo luật Quản lý tài sản số (MiCA), tập trung vào việc điều chỉnh các loại tài sản mã hóa và đảm bảo tính minh bạch, an toàn tài chính.
Singapore là một ví dụ điển hình về cách một quốc gia nhỏ có thể dẫn đầu trong lĩnh vực tài sản số. Chính phủ Singapore không chỉ xây dựng môi trường pháp lý linh hoạt mà còn hỗ trợ mạnh mẽ các dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực blockchain và tài sản số.
Tuy nhiên, ngay cả những quốc gia tiên phong cũng chưa có một khung pháp lý hoàn chỉnh. Điều này cho thấy rằng tài sản số là lĩnh vực cực kỳ phức tạp, đòi hỏi không chỉ sự linh hoạt mà còn phải có tầm nhìn dài hạn để thích nghi với sự thay đổi liên tục của công nghệ. Từ thực trạng như đã phân tích ở trên và kinh nghiệm các quốc gia trong quản lý tài sản số, chúng tôi cho rằng dự Luật Công nghiệp công nghệ số cần ưu tiên làm rõ và hoàn thiện 3 chế định cốt lõi dưới đây:
+ Xác lập quyền sở hữu tài sản số dựa trên Bộ luật Dân sự
Trên thế giới, hoạt động giao dịch tài sản ảo, tài sản kỹ thuật số đang diễn ra rất sôi động, theo đó nhiều vụ kiện tụng, tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản ảo cũng đã xảy ra. Vì vậy, nhiều nước đã xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự này như: Hàn Quốc có Luật Phát triển và Bảo vệ viễn thông quy định rõ về hành vi ăn cắp “tài sản ảo”; Trung Quốc có Luật Bảo vệ lợi ích của người sở hữu “tài sản ảo”. Tương tự, các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Canada… đều đã xây dựng khung pháp lý, chính sách quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng tài sản ảo. Trong đó bên cạnh việc quản lý, ban hành chính sách thuế đối với đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, có chính sách bảo vệ quyền lợi cho người sở hữu…
Ảnh minh họa
Như vậy, việc Việt Nam ban hành khung pháp lý trong đó có nội dung về điều chỉnh về quyền sở hữu tài sản số là phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay. Hay nói cách khác, Việt Nam cần thiết có những nghiên cứu nhằm đưa ra các khuôn khổ pháp lý phù hợp về quyền sở hữu tài sản ảo, tài sản kỹ thuật số nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xác định các giao dịch liên quan đến tài sản ảo.
Nghiên cứu từ kinh nghiệm các nước trên thế giới và quy định về xác lập quyền sở hữu trong Bộ luật Dân sự của Việt Nam, để có thể xác lập quyền sở hữu tài sản số trong giao dịch dân sự, theo chúng tôi cần tập trung nhận diện bản chất pháp lý của tài sản ảo, tài sản mã hóa thông qua làm rõ những khái niệm liên quan tới tiền mã hóa, tiền ảo tại Việt Nam. Từ đó xây dựng các tiêu chí cụ thể về mặt pháp lý và công nghệ trước khi cấp phép hoạt động cho các sàn giao dịch tài sản mã hóa và các công ty trung gian trong lĩnh vực này tại Việt Nam; xác định rõ vấn đề thừa kế di sản là tài sản ảo…
+ Cần thống nhất về khái niệm tài sản mã hóa để làm căn cứ thu thuế
Đến nay cơ quan thuế của các quốc gia, bao gồm cả các quốc gia có hệ thống thuế phát triển như Mỹ, Anh, Úc… vẫn chưa có cách tiếp cận hệ thống toàn diện nhất đối với các giao dịch tài sản mã hóa (TSMH). Tại Argentina coi thu nhập từ giao dịch TSMH tương tự như thu nhập từ chứng khoán. Trong khi tại Đức, Thụy Sỹ đánh thuế giao dịch tiền mật mã như giao dịch ngoại tệ. Còn Thụy Điển, Pháp các sàn giao dịch TSMH bắt buộc phải đăng ký với các cơ quan giám sát tài chính. Ngoài ra tại Pháp, các hoạt động nhận tiền pháp định từ người mua Bitcoin và chuyển khoản tiền này đến người bán Bitcoin hay cung cấp dịch vụ thanh toán cần phải có giấy phép tương tự như các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán.
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số do Bộ TT&TT thực hiện dùng khái niệm “tài sản mã hóa” thay cho khái niệm “tài sản số”. Do đó, để đảm bảo thu thuế đúng quy định và đúng đối tượng cần phải thống nhất về tài sản mã hóa để phân loại đúng, bởi vì mỗi tài sản số có thể phục vụ cho mục tiêu khác nhau, từ đó mới có căn cứ thực hiện việc thu thuế phù hợp.
Hiện nay Việt Nam có 3 chính sách thuế liên quan đến điều chỉnh mua bán, chuyển nhượng, giao dịch tài sản, đó là: Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập DN, Luật Thuế giá trị gia tăng. Thực tế hiện nay, 3 Luật thuế quy định khá rõ về người nộp thuế, đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, phương pháp tính thuế và thuế suất. Do đó nếu tài sản số được xác định như một loại tài sản trong giao dịch dân sự, thì Việt Nam có căn cứ để thực hiện thu thuế.
+ Thành lập cơ quan chuyên trách, tăng cường cảnh báo nhằm phòng ngừa tội phạm
Tài sản số hay TSMH đều có thể trở thành công cụ để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, liên quan tới rửa tiền hoặc các hoạt động về khủng bố và tội phạm. Nhất là trong bối cảnh chưa phân định rõ ràng về vai trò pháp lý của TSMH, các giao dịch liên quan đến TSMH vẫn không ngừng vận động và phát triển, khiến cho quyền lợi của người tham gia giao dịch luôn rập rình nguy cơ. Do đó, các yêu cầu liên quan đến các biện pháp kiểm soát, kiểm tra liên quan đến chính sách phòng, chống rửa tiền được các quốc gia ưu tiên và quy định rất chặt chẽ.
Trong đó các quốc gia coi trọng việc tuyên truyền thường xuyên cảnh báo hoặc giáo dục cộng đồng cần thận trọng khi chấp nhận và đầu tư vào TSMH. Cơ quan Giám sát tài chính Liên bang Đức (BaFin), Ngân hàng Trung ương Pháp, Hà Lan và Bỉ đã ban hành các cảnh báo về khả năng sử dụng Bitcoin nhằm rửa tiền và các rủi ro của nó như thiếu tính bảo mật và giám sát của các cơ quan chức năng. Tại Châu Á, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ và Ngân hàng Trung ương Indonesia cũng có những cảnh báo tương tự. Ngoài ra tại Trung Quốc thành lập một cơ quan chuyên trách, thực hiện chức năng nghiên cứu bản chất TSMH, đề xuất khung pháp lý phù hợp cho TSMH, các giao dịch và phát triển liên quan; tại Hàn Quốc, Nhật Bản thành lập cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách dành cho các chủ thể thực hiện giao dịch TSMH…
Như vậy giải pháp để phòng chống rửa tiền phát sinh từ hoạt động tài sản số, phải thành lập cơ quan chuyên trách dành cho các chủ thể thực hiện giao dịch TSMH và đẩy mạnh việc tuyên truyền cảnh báo, việc xây dựng khung pháp lý rất cần việc liệt kê TSMH và các giao dịch liên quan vào danh sách rủi ro cao để giúp cộng đồng có thêm thông tin, các góc nhìn đối với TSMH trước khi đưa ra quyết định đầu tư nhằm tránh thiệt hại xảy ra là cần thiết.