Giữ lửa trong nhà bếp ngoại giao

Sau 7 năm làm Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam và 8 năm làm Ðại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh Châu Âu (EU) cùng với những năm tháng khác hoạt động trong ngành ngoại giao Việt Nam, bà Phan Thuý Thanh luôn tâm niệm rằng, người phụ nữ Việt Nam bẩm sinh đã mang thiên chức “nội tướng”, kể cả khi trở thành nữ đại sứ, biết “giữ lửa” trong căn bếp ngoại giao là một trong những tuyệt chiêu để có được thành công.

Người giữ lửa

Bà Phan Thuý Thanh chia sẻ, khi là Ðại sứ Việt Nam tại Bỉ, bà may mắn có một người làm bếp không phải một đầu bếp chuyên nghiệp, nhưng chị đã cố gắng để trở thành một đầu bếp hoàn hảo và không bị bó gọn bởi bất cứ công thức máy móc nào. Ðể có một bữa tiệc ngon và ấn tượng với khách, người đầu bếp phải thực sự là một nghệ sĩ, chuyển tải được tinh hoa ẩm thực Việt Nam qua những món ăn vừa hợp khẩu vị khách tại chính đất nước đó. Thường trong các bữa tiệc chiêu đãi ngoại giao của sứ quán, món nem đứng đầu trong danh sách được lựa chọn. Cùng với nem, các món nộm, một chút chả cuốn lá lốt, hay một miếng chả cá nhỏ nếu chế biến với đầy đủ gia vị thuần Việt cũng đủ quyến rũ những thực khách khó tính.

[caption id="attachment_135309" align="aligncenter" width="410"] Với bà Phan Thúy Thanh, căn bếp được xem là nơi gắn kết tình yêu thương, sự gắn bó của các thành viên trong gia đình. Ảnh: Đàm Duy
Với bà Phan Thúy Thanh, căn bếp được xem là nơi gắn kết tình yêu thương, sự gắn bó của các thành viên trong gia đình. Ảnh: Đàm Duy[/caption]

Với sứ mệnh của một nhà ngoại giao, một nữ đại sứ, bà Phan Thuý Thanh luôn hiểu rằng, ngoại giao là hoạt động tranh thủ và vận động, đòi hỏi người đại sứ phải rất tâm huyết, trăn trở với công việc của mình. Bà không quên được những thời khắc vận động châu Âu không áp thuế chống bán phá giá giày da của Việt Nam. Bà Phan Thuý Thanh nhớ rằng mình đã mời cơm người phụ trách bộ phận áp thuế chống bán phá giá đối với giày da Việt Nam không dưới chục lần để vừa ăn cơm vừa làm việc. Những bữa cơm thân mật, ấm cúng từ nhà bếp của sứ quán đã giúp cho câu chuyện của họ trở nên cởi mở và hiểu nhau hơn. Nhiều tình bạn đã được xây dựng từ đó và công việc cũng vì thế mà dễ dàng hơn. Ðặc biệt với những việc liên quan đến đàm phán, tìm hiểu thông tin, những bữa ăn thân mật, nhẹ nhàng, những câu chuyện ý nhị ngoài lề đã dẫn đến những cái chính thức vô cùng quan trọng.

Bà nhớ lại, hồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới lên làm Thủ tướng Chính phủ, nước đầu tiên ông chọn là đi thăm Bỉ, và Liên minh Châu Âu. Ðể chuyến thăm của Thủ tướng thành công và gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, một trong những điều kiện cần thời đó là Việt Nam và EU phải kết thúc được đàm phán WTO. Thời đó, trong cương vị là Ðại sứ, bà Phan Thuý Thanh đã có những hoạt động “ngoại giao con thoi” với các đại diện Uỷ ban Liên minh Châu Âu để kết thúc đàm phán WTO. Và dĩ nhiên, ưu thế của ẩm thực Việt và sự khôn khéo của một nhà ngoại giao đã giúp bà đạt được kết quả như mong muốn.

Làm phu nhân đại sứ không dễ

Tận dụng triệt để ưu thế của một nhà ngoại giao nữ là tỉ mỉ, chu đáo và tinh tế, những năm tháng làm Ðại sứ, bà Phan Thuý Thanh đã rất thành công với “tuyệt chiêu” ngoại giao từ gian bếp.

Có thời, nhắc đến tên Phan Thuý Thanh là gợi lên hình ảnh của một nữ Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam duyên dáng và sắc sảo. Chất giọng ấm áp, cuốn hút song có phần đanh thép của bà đã đưa hình ảnh một Việt Nam thân thiện, vững vàng đến gần hơn với thế giới. Dù đã về hưu, nhưng bà vẫn thường được mời tới các lớp đào tạo cho phu nhân của các Đại sứ Việt Nam sắp bắt đầu nhiệm kỳ. Nghệ thuật “thổi hồn” vào căn bếp luôn là những bài học quan trọng mà bà Phan Thuý Thanh đề cập đến.

Bà kể, trong cuộc đời làm ngoại giao của mình, bà đã được biết một số người bạn nước ngoài thực sự “ghiền” đồ ăn Việt. Thậm chí, có những vị khách, đặc biệt là các vị phu nhân của các đại sứ nước ngoài, sau khi được thưởng thức những món ăn đã xuống tận gian bếp để được tận mắt chứng kiến công việc bếp núc của Ðại sứ quán. Ở Bỉ, mỗi khi kết thúc tiệc, Ðại sứ Phan Thuý Thanh thường gọi người đầu bếp lên và giới thiệu với khách rằng “đây là người đã thổi hồn vào những món ăn Việt”, thậm chí có những vị khách còn ưu ái gọi người đầu bếp là “nhạc trưởng”, người đã làm nên thành công của bữa tiệc.

Ðiều khác lạ ở Phan Thuý Thanh, bà không chỉ là đại sứ mà còn trải qua quãng thời gian thú vị khi làm phu nhân đại sứ, tháp tùng chồng trong nhiệm kỳ ở UAE. Ở cương vị nào, bà Phan Thuý Thanh cũng đặc biệt chú ý đến những công việc ngoại giao bên lề đầy ý nhị. Theo bà, một phu nhân đại sứ không được tham gia quá nhiều vào công việc của chồng và đừng nghĩ mình là Ðại sứ. Có lúc phải lùi vào đứng bên cạnh, có lúc lại chủ động hăng hái như trong việc hậu cần, bếp núc. Ðể giúp chồng trong công việc tiệc ngoại giao của sứ quán, bà đã đi tìm một đầu bếp có tiếng của chuỗi khách sạn InterContinental ở UAE, một người Li Băng rất yêu mến khám phá ẩm thực mới lạ. Bà xin phép đại sứ, mời bếp trưởng Dany đến sứ quán ăn trưa để ông nếm và cảm nhận hương vị thực sự của một số món Việt Nam sẽ có trong chiêu đãi quốc khánh như phở, nem rán, nem cuốn, nộm...

Sau  khi mời ông bếp trưởng thưởng thức một số món ăn Việt, bà đã cung cấp cho bếp trưởng công thức chi tiết để nấu các món này, cách pha nước chấm, cách làm nước dùng... Biết được hương vị và công thức món ăn, người bếp trưởng nhiều kinh nghiệm đã nấu rất thành công những món bà đặt hàng trong bữa tiệc, khiến các vị khách đều tấm tắc khen ẩm thực Việt.

Với bà Phan Thuý Thanh, không có bất kỳ một nguyên tắc nào được đặt ra trong gia đình, nhưng căn bếp được xem là nơi gắn kết tình yêu thương, sự gắn bó của tất cả các thành viên. Nơi đó, không chỉ là không gian tuyệt vời để thưởng thức những món ăn ngon, mà là nơi để lắng nghe, chia sẻ và cảm nhận được tình cảm gia đình. “Là phụ nữ không nhất thiết phải ôm quá nhiều việc nhà, nhưng phải là người biết giữ lửa ấm. Chỉ đơn giản là việc làm vợ, nhưng chuyện tưởng dễ mà không hề dễ…”- bà Phan Thuý Thanh chia sẻ.

Theo Danviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin