Ngày 22/11, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, chỉ tiêu thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2022.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến đa phương tiện tại điểm cầu Trung ương và 63 điểm cầu tại địa phương. Điểm cầu Trung ương tại Trụ sở Bộ Tư pháp, dưới sự chủ trì của Lãnh đạo Bộ Tư pháp và có sự tham gia của đại diện Lãnh đạo một số bộ, ngành có quan hệ phối hợp công tác chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong năm công tác 2021.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong bối cảnh toàn xã hội bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, năm 2021, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp để chỉ đạo hệ thống thi hành án dân sự cố gắng thực hiện tốt nhất có thể nhiệm vụ được giao trong các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Về việc, đã thi hành xong 493.971 việc trong số có điều kiện, đạt tỷ lệ 75,81%. Về tiền, thi hành xong hơn 45.700 tỷ đồng trong số có điều kiện, đạt tỷ lệ 31,05%. Về theo dõi thi hành án hành chính, đã thi hành xong 455/944 bản án, quyết định.
Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được chú trọng; chủ động xác minh, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước, thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng, các vụ việc phức tạp, kéo dài, có giá trị lớn được tập trung chỉ đạo giải quyết. Thể chế về thi hành án dân sự tiếp tục được rà soát để kịp thời bổ sung, hoàn thiện; tổ chức bộ máy các cơ quan thi hành án dân sự không ngừng được củng cố, kiện toàn. Số lượng công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật giảm so với cùng kỳ năm 2020; kỷ luật, kỷ cương trong toàn Hệ thống ngày càng được tăng cường.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ngành sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Trong đó, trọng tâm là kiểm tra, giám sát đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng; công tác xác minh, phân loại án; thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án; kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa vi phạm đối với các khâu của quá trình thi hành án dân sự; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm theo tinh thần: “Không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ”...
Theo noichinh.vn
Nguồn bài viết: https://noichinh.vn/tin-tuc-su-kien/202111/giam-sat-cong-tac-thu-hoi-tai-san-trong-cac-vu-an-hinh-su-ve-tham-nhung-kinh-te-310351/