Giám đốc điều hành chi nhánh C.ty Luật hợp danh FDVN: Phải làm rõ trách nhiệm “ông đăng kiểm” trong vụ 19 tàu hư hỏng ở Bình Định

30/06/2017 16:29

(Pháp lý) – Vụ 19 tàu vỏ thép trị giá hàng nhiều trăm tỷ đồng của ngư dân Bình Định vừa đưa vào khai thác đã phải nằm bờ vì hư hỏng đang gây sốt dư luận. Liên quan đến vụ việc, bên cạnh sai phạm hàng loạt của 2 cơ sở đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, dư luận đang đòi hỏi làm rõ vai trò và trách nhiệm của Cơ quan Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT).

Ông Lê Hồng Hải – Giám đốc điều hành Công ty Luật hợp danh FDVN Chi nhánh Huế
Ông Lê Hồng Sơn– Giám đốc điều hành Công ty Luật hợp danh FDVN Chi nhánh Huế)

Để góp phần làm sáng tỏ vụ việc, PV Pháp lý Online đã phỏng vấn ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc điều hành Công ty Luật hợp danh FDVN, Chi nhánh Huế:

Phóng viên: Trả lời báo chí, ông Vũ Thái Hệ - Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản), từng cho biết: Trung tâm không có chức năng giám sát thi công. Nhiệm vụ chính của Trung tâm là thực hiện việc kiểm tra an toàn kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho các loại tàu cá trên phạm vi cả nước. Theo đó qua kiểm tra, việc sử dụng các loại thép đóng tàu theo Nghị định 67/CP đều cho thấy có đầy đủ giấy tờ chứng nhận điều kiện đóng tàu theo Quy chuẩn 21 (Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia - Quy phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép). Còn lý do thép đủ điều kiện đóng tàu, tại sao lại gỉ sét nhanh như một số tàu vỏ thép ở Bình Định, theo ông Hệ là do qua quá trình vận hành, hoạt động; và do quy trình xử lý bề mặt thép trước sơn kém; quy trình sơn kém, trong đó có yêu tố độ ẩm, môi trường khi sơn; chất lượng sơn không đảm bảo yêu cầu…

Dưới lăng kính của một chuyên gia PL, ông có bình luận gì xung quanh vụ việc này, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm?

Ông Lê Hồng Sơn: Theo Điều 12 Quyết định 96/2007/QĐ-BNN về việc ban hành Quy chế đăng kiểm tàu cá thì “Cơ quan Đăng kiểm tàu cá phải thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật”. Trong trường hợp này nếu các cơ sở đóng tàu chưa bảo đảm đúng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật mà Cơ quan Đăng kiểm vẫn tiến hành đăng kiểm và cho phép lưu thông thì cần xem xét trách nhiệm của họ đối với hậu quả đang xảy ra.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 641/QĐ-TCTS-VP ngày 15/12/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm đăng kiểm tàu cá (sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 của Quyết định số 578/QĐ-TCTS-VP ngày 21 tháng 9 năm 2015 sửa đổi, bổ sung quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của một số đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm đăng kiểm tàu cá như sau: “Kiểm tra an toàn kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá được phân cấp theo quy định của pháp luật; thẩm định sửa đổi thiết kế mẫu tàu cá trình Tổng cục trưởng chấp thuận; thẩm định thiết kế mẫu tàu cá; thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật tàu cá đóng mới, cải hoán, hồ sơ hoàn công tàu cá theo quy định; kiểm định các loại máy tàu, các trang thiết bị cơ khí, khai thác thủy sản, các trang thiết bị điện, thông tin, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị cứu sinh; kiểm định các trang thiết bị đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn lắp đặt trên tàu cá nhập khẩu hoặc sản xuất tại Việt Nam.”

Tại buổi công bố kết quả thẩm định chiều 22/6, ông Đào Hồng Đức - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, thừa nhận đăng kiểm viên sai sót trong quá trình kiểm tra đóng tàu vỏ thép.
Tại buổi công bố kết quả thẩm định chiều 22/6, ông Đào Hồng Đức - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, thừa nhận đăng kiểm viên sai sót trong quá trình kiểm tra đóng tàu vỏ thép.)

Hiểu theo các quy định trên thì trách nhiệm của Cơ quan Đăng kiểm tàu cá không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra an toàn kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá được phân cấp theo quy định của pháp luật mà còn có trách nhiệm thẩm định thiết kế mẫu tàu cá; thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật tàu cá đóng mới, cải hoán, hồ sơ hoàn công tàu cá theo quy định; kiểm định các loại máy tàu, các trang thiết bị cơ khí, khai thác thủy sản, các trang thiết bị điện, thông tin, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị cứu sinh; kiểm định các trang thiết bị đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn lắp đặt trên tàu cá nhập khẩu hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Do đó, việc ông Hệ trả lời như trên là thể hiện sự thiếu trách nhiệm của Cơ quan Đăng kiểm. Đáng ra trong trường hợp này, Cơ quan Đăng kiểm cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, cùng các cơ quan có thẩm quyền phối hợp làm rõ nguyên nhân dẫn đến các hậu quả, thiệt hại cho ngư dân, từ đó, nếu có sai phạm, thiếu sót thì nhìn nhận và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm: “Chương trình đóng tàu giá trị 10.000 tỉ đồng của Chính phủ, đến nay đóng 557 tàu thì mới chỉ phát hiện 18 tàu ở Bình Định có vấn đề chất lượng, và thấy có sai phạm ở 2 doanh nghiệp đóng tàu. Còn các nơi khác cơ bản đáp ứng yêu cầu”

PV: Trong khi đó, trả lời với PV Báo Tuổi trẻ (ngày 20/6), ông Nguyễn Văn Trung – Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, trách nhiệm của Cục Đăng kiểm là căn cứ theo hồ sơ, kiểm tấm thép đó xem có đúng trong hồ sơ, có đúng loại dùng để đóng tàu; kiểm tra về an toàn kỹ thuật. Còn với động cơ thì phải đảm bảo nguyên đai nguyên kiện, Cơ quan Đăng kiểm trực tiếp mở niêm phong, kiểm tra thông số kỹ thuật có phù hợp với nguồn gốc xuất xứ trong hồ sơ, có chứng thư giám định chất lượng của đơn vị Nhà nước… thì mới cho phép lắp đặt. Thế nhưng vì sao có 9 máy tàu do Công ty TNHH Nam Triệu lắp không phải chính hãng Mitsubishi sản xuất, ông Trung nghi ngờ có sự gian dối (vì khi lắp máy thì kiểm tra đạt nhưng sau đó bị đánh tráo bằng máy khác hay có vấn đề gì ở khâu giấy tờ, thậm chí không loại trừ khả năng làm giả hồ sơ đăng kiểm), do đó cần phải có thời gian để cơ quan chức năng xem xét?

Ông Lê Hồng Sơn: Tại Điều 2 Quyết định 96/2007/QĐ-BNN về đăng kiểm tàu cá quy định: “Đăng kiểm tàu cá là hoạt động quản lý về kỹ thuật, thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật từ khi thiết kế, đóng lắp và trong suốt quá trình sử dụng nhằm đảm bảo tàu cá hoạt động an toàn trong các điều kiện nhất định”. Có nghĩa là, vai trò kiểm tra quản lý về kỹ thuật của Cơ quan Đăng kiểm diễn ra từ A – Z chứ không phải ở bất cứ công đoạn nào, hay nói cách khác là có trách nhiệm trong suốt quá trình đóng tàu nên trong trường hợp có sự gian dối của doanh nghiệp đóng tàu thì Cơ quan Đăng kiểm buộc phải biết.

Nhận định của Vụ trưởng là một giả thiết để điều tra và làm rõ trách nhiệm của các bên có liên quan, khi có kết luận điều tra, mọi vấn đề sai phạm, trách nhiệm sẽ được làm rõ. Trường hợp này đối với doanh nghiệp đóng tàu thì các ngư dân hoàn toàn có căn cứ, cơ sở pháp lý để khởi kiện các doanh nghiệp để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, các ngư dân cũng có thể yêu cầu các cấp có thẩm quyền xem xét, làm rõ trách nhiệm của cơ quan có liên quan trong quá trình kiểm tra an toàn kỹ thuật.

PV: Trước đó một lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng việc lắp máy bộ cho phương tiện thủy mà vẫn được đăng kiểm thành công là không thể chấp nhận được. Nếu đó là máy giả thì không thể có chuyện Trung tâm Đăng kiểm lại không phát hiện được, trừ phi quy trình đăng kiểm không chặt chẽ. Cũng như vậy đối với thép đóng tàu, nếu Cơ quan Đăng kiểm làm đúng quy trình để cấp chứng nhận đạt quy chuẩn tối thiểu thì có nghĩa là không thể có chuyện bị gỉ nặng như thế được. Ông có đồng tình quan điểm đó ?

Ông Lê Hồng Sơn: Quyết định 96/2007/QĐ-BNN về quy chế đăng kiểm tàu cá quy định cụ thể về trình tự thủ tục để đăng kiểm tàu cá, sau khi được kiểm tra có trạng thái kỹ thuật thỏa mãn các quy định của quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ được cấp các loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá; Sổ đăng kiểm tàu cá; Các loại Biên bản kiểm tra kỹ thuật; Biên bản nghiệm thu từng phần.

Ngoài các giấy tờ nêu trên, tùy thuộc vào công dụng hoặc mức độ trang bị của tàu cá còn có: Các giấy chứng nhận thử vật liệu, các thiết bị, trang bị lắp đặt trên tàu cá. Trong đó, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá là chứng chỉ kỹ thuật chứng nhận khả năng hoạt động của tàu; và Sổ đăng kiểm tàu cá là lý lịch kỹ thuật của tàu cá, do Cơ quan Đăng kiểm tàu cá cấp theo tàu sau khi xuất xưởng để theo dõi tình trạng kỹ thuật của tàu. Mỗi tàu cá chỉ được cấp một Sổ đăng kiểm tàu cá từ khi đóng mới cho đến khi giải bản.

Để được cấp các loại giấy tờ trên thì cần thỏa mãn các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định. Do đó, với quy trình đăng kiểm tàu cá chặt chẽ mà pháp luật đã quy định thì việc lắp máy bộ giả cho phương tiện thủy mà vẫn được đăng kiểm thành công là một điều không hợp lý, có nhiều nghi vấn cần được làm rõ xem trình tự thủ tục đăng kiểm có được bảo đảm hay không.

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về quan điểm xử lý, trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, cho biết đã chủ động nắm bắt thông tin, và yêu cầu Công an Bình Định vào cuộc. Tuy nhiên, ông Tuyến cho rằng, để khởi tố vụ án cần phải có nguyên đơn.

PV: Bức xúc vì cách làm ăn gian dối của các cơ sở đóng tàu, đặc biệt là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương liên tục vắng mặt tại các buổi công bố kết quả thẩm định nhưng không rõ lý do (mặc dù có gửi giấy mời), lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện có tàu vỏ thép nằm trong diện vận động và hỗ trợ pháp lý hướng dẫn các chủ tàu sớm làm đơn khởi kiện Công ty Đại Nguyên Dương ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo luật định. Đồng thời yêu cầu Công an tỉnh chủ động lập hồ sơ, báo cáo Bộ Công an đề nghị khởi tố Công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Theo ông sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Bình Định vào lúc này là cần thiết và hợp lý ?

Ông Lê Hồng Sơn: Tại các buổi công bố kết quả thẩm định của Tổ thẩm định độc lập (diễn ra chiều 22/6 do Sở NN&PTNT chủ trì và 26/6 do UBND tỉnh chủ trì) cho thấy trong số 17/18 tàu vỏ thép kiểm tra, thì có 03 mẫu thép của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định); và 05 mẫu thép của Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) không đạt thép mác A (thép đóng tàu biển) về chỉ tiêu hóa học. Trong đó đáng lưu ý, toàn bộ phần vỏ tàu của 05 chiếc tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng bằng thép Trung Quốc, hiện đang xuống cấp trầm trọng (mặt boong, cabin, trang thiết bị gỉ sét nặng…). Có 9 máy thủy lắp vào 9 tàu vỏ thép do Công ty Nam Triệu đóng không đúng hãng Mitsubshi, cùng nhiều máy phụ và trang thiết bị khác rơi vào tình trạng “đắp chiếu”…

Một trong số 05 tàu vỏ thép do Công ty Đại Nguyên Dương đóng bằng thép Trung Quốc có mặt boong bị bong tróc, gỉ sét nặng…
Một trong số 05 tàu vỏ thép do Công ty Đại Nguyên Dương
đóng bằng thép Trung Quốc có mặt boong bị bong tróc, gỉ sét nặng…)

Như vậy các cơ sở đóng tàu vi phạm Hợp đồng đóng tàu vỏ thép đã ký với ngư dân. Đó cũng chính là nguyên nhân mà tàu cá vừa mới đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng nặng phải nằm bờ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống mưu sinh của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của họ. Vì vậy người dân hoàn toàn có cơ sở để khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền khởi kiện: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Theo đó nếu ngư dân không tự mình thực hiện được quyền khởi kiện thì có quyền ủy quyền lại cho một người đại diện hợp pháp (có thể là luật sư, luật gia hoặc một người nào đó có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự) làm đơn khởi kiện vụ án và thay mặt mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định pháp luật về dân sự.

Mức bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm...

PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn PV Pháp lý !

Tại cuộc họp báo của Bộ Công an vào sáng 28.6, thiếu tướng Nguyễn Văn Dư - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - kỹ thuật (Bộ Công an) cho biết đã chỉ đạo thanh tra, làm rõ trách nhiệm của Công ty TNHH MTV Nam Triệu - là doanh nghiệp trực thuộc Tổng cục Hậu cần - kỹ thuật. “Là đại diện chủ sở hữu Nam Triệu, đến nay Tổng cục Hậu cần - kỹ thuật đã yêu cầu Công ty thanh tra toàn bộ quá trình đóng tàu. Tinh thần là phát hiện sai phạm, khuyết điểm sẽ xử lý nghiêm túc theo pháp luật”, ông Dư cho biết.

MINH TRUNG
(Thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết "Giám đốc điều hành chi nhánh C.ty Luật hợp danh FDVN: Phải làm rõ trách nhiệm “ông đăng kiểm” trong vụ 19 tàu hư hỏng ở Bình Định" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin