Giảm 2% thuế GTGT: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Nếu được thông qua, việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT sẽ là nguồn trợ lực quan trọng giúp các DN phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 67 đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo trình tự, thủ tục rút gọn như đề xuất của Bộ Tài chính.

Nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm, thì thu ngân sách Nhà nước ước giảm khoảng 35.000 tỷ đồng. Đây là số tiền nhằm kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ các DN phục hồi sản xuất kinh doanh.

Việc giảm thuế suất thuế GTGT 2% đã được thực hiện trong năm trước và góp phần làm giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy tiêu thụ, kích thích sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Những tháng vừa qua, trước những khó khăn của nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ lại tiếp tục có đề xuất giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% trong nửa cuối năm nay.

Giảm 2% thuế GTGT: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1.

Bộ Tài chính đề nghị thực hiện giảm thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% và tất cả các doanh nghiệp đều được thụ hưởng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Chính phủ nên áp dụng sớm và kéo dài. Cái này tạo dòng tiền rất tốt cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may trong thời điểm rất khó khăn về đơn hàng", ông Nguyễn Ngọc Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP May BGG Lạng Giang, cho biết.

"Là cú huých để động viên doanh nghiệp tích cực tham gia sản xuất kinh doanh hơn. Tôi nghĩ cái này thực sự cần thiết", ông Hà Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Bắc Giang, cho hay.

Năm ngoái, việc giảm thuế GTGT không áp dụng chung cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT 10%, mà loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai.

Do vậy năm nay, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện giảm thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% và tất cả các doanh nghiệp đều được thụ hưởng.

"Khi gia tăng sức mua, sức tiêu thụ, các doanh nghiệp cơ cấu lại lao động và giữ nguyên lực lượng lao động hiện tại, không giảm lương thì đảm bảo được an sinh xã hội", ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, đánh giá.

"Có tác dụng quan trọng, vừa kích cầu tiêu dùng trong nước, vừa có tác dụng giảm giá thành hàng hóa dịch vụ, đóng góp vào giảm lạm phát. Chính sách này được đưa ra trong giai đoạn này hết sức phù hợp. Nó thể hiện một chính quyền, Chính phủ vì dân, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân và chia sẻ khó khăn với người dân", ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhận định.

Nếu được thông qua, thì việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT sẽ là nguồn trợ lực quan trọng giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại của năm nay.

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin