Gia Lai: Duy trì Hội đồng bán đấu giá lâm sản thuộc tỉnh, liệu có “ lợi ích nhóm” ?

29/07/2016 04:59

(Pháp lý) – Từ khi Luật XLVPHC có hiệu lực đến nay đã hơn 3 năm, nhưng tỉnh Gia Lai vẫn duy trì Hội đồng bán đấu giá lâm sản (do UBND tỉnh thành lập theo Quyết định 1789/QĐ-UBND ngày 17/12/2010) để thực hiện việc bán đấu giá lâm sản bị tịch thu mà không có động thái thuê tổ chức đấu giá chuyên nghiệp. Câu hỏi đặt ra là Hội đồng này muốn duy trì đến bao giờ? Và việc duy trì Hội đồng này liệu có khách quan trong các cuộc bán đấu giá lâm sản?

Điều 82, Luật XLVPHC quy định về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sẽ tiến hành thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh nơi xảy ra hành vi vi phạm để thực hiện việc bán đấu giá; trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá thì thành lập hội đồng để bán đấu giá ( sau đây gọi tắt là Hội đồng).

[caption id="attachment_145179" align="aligncenter" width="410"]Nạn phá rừng ở Gia Lai. Nạn phá rừng ở Gia Lai.[/caption]

 

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 10 tổ chức, chi nhánh tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp, bao gồm Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh (Sở Tư pháp), 1 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản và 4 tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp, 4 chi nhánh tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp của địa phương khác đặt tại Gia Lai. Ngoài ra còn có 2 Văn phòng đại diện của tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp của địa phương khác đặt tại Gia Lai. Các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp này, một số tổ chức có việc làm, một số không có việc phải giải thể (như Công ty đấu giá Minh Long).

Thế nhưng từ khi Luật XLVPHC có hiệu lực đến nay đã hơn 3 năm, tỉnh Gia Lai vẫn duy trì Hội đồng bán đấu giá lâm sản (do UBND tỉnh thành lập theo Quyết định 1789/QĐ-UBND ngày 17/12/2010) để thực hiện việc bán đấu giá lâm sản bị tịch thu mà không có động thái thuê tổ chức đấu giá chuyên nghiệp.

Theo đó, ngày 15/2/2016 UBND tỉnh Gia Lai có Văn bản số 439/UBND-NL giao Sở NN&PTNN, Sở Tài chính và Sở Tư pháp tham mưu theo đúng quy định pháp luật, đồng thời tập trung tang vật để bán tại tỉnh.

Đến ngày 30/3/2016, Sở NN&PTNN có Văn bản số 341/SNN-KL gửi UBND tỉnh đề xuất 2 hướng: Thứ nhất là thực hiện theo Điều 82, Luật XLVPHC, thứ 2 là tiếp tục duy trì Hội đồng, vì cơ quan tham mưu cho rằng gỗ là hàng hóa cồng kềnh, khó bán. Tại văn bản này Sở NN&PTNT cũng tiếp tục “xin” trong thời gian chờ chỉ đạo của UBND tỉnh, tiếp tục cho bán số gỗ đã định giá xong.

[caption id="attachment_145180" align="aligncenter" width="410"]Gỗ tập kết về Chi cục Kiểm Lâm. Gỗ tập kết về Chi cục Kiểm Lâm.[/caption]

 

Trước những bất cập nói trên, câu hỏi đặt ra là: Tại sao cơ quan tịch thu gỗ không thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện mà phải thành lập Hội đồng? Vì Kiểm lâm vừa là cơ quan tịch thu gỗ, vừa là cơ quan tham mưu chính trong việc bán đấu giá thì có khách quan trong các cuộc bán đấu giá lâm sản, hay “vừa đá bóng, vừa thổi còi” ?

Được biết, từ năm 2011 đến nay, Hội đồng bán đấu giá lâm sản tỉnh đã thực hiện 36 cuộc bán đấu giá lâm sản sung quỹ nhà nước. Tổng giá khởi điểm gần 91 tỷ đồng, giá bán được 93,2 tỷ đồng, tăng khoảng 2,2 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Mới đây, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên và không cho chuyển đổi đất rừng nghèo sang đất nông nghiệp đã nhận được sự đồng tình lớn trong dư luận, và đây là giải pháp khẩn cấp để cứu rừng. Tuy nhiên với cách làm chưa tuân thủ luật ở Gia Lai hiện nay trong việc bán đấu giá lâm sản bị tịch thu mà không có động thái thuê tổ chức đấu giá chuyên nghiệp liệu có dấu hiệu lợi ích nhóm và gián tiếp tiếp tay cho nạn phá rừng? Đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Quang Văn

Bạn đang đọc bài viết "Gia Lai: Duy trì Hội đồng bán đấu giá lâm sản thuộc tỉnh, liệu có “ lợi ích nhóm” ?" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin