G7 phản đối quân sự hóa biển Đông

29/05/2017 08:48

Tuyên bố chung của G7 kêu gọi dừng các hành động “đơn phương” gây gia tăng cẳng ở biển Đông và không quân sự hóa các đảo tranh chấp.

Ngày 27-5, tại TP Taormina, Sicily (Ý), hội nghị Nhóm những quốc gia công nghiệp phát triển (G7) đã kết thúc sau hai ngày làm việc với sự tham gia của các nước thành viên Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Canada, Nhật và Ý.

Trong tuyên bố chung được đưa ra cùng ngày, các lãnh đạo G7 đã đề cập tới vấn đề biển Đông khi bày tỏ quan ngoại về tình hình ở vùng biển này và biển Hoa Đông.

Nhóm G7 cho biết họ phản đối “bất kỳ hành động đơn phương nào mà có thể làm gia tăng căng thẳng” và kêu gọi tất cả các bên phi quân sự hóa “các thực thể tranh chấp”.

Tuyên bố chung khẳng định các thành viên của G7 cam kết “duy trì một trật tự dựa trên pháp luật trong lĩnh vực hàng hải theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đồng thời giải quyết tranh chấp hàng hải thông qua ngoại giao cũng như các phương tiện pháp lý, bao gồm toà trọng tài.

Ảnh chụp của Hải quân Mỹ ngày 21-5-2015 cho thấy các tàu nạo vét của Trung Quốc hoạt động trái phép ở đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: US NAVY
Ảnh chụp của Hải quân Mỹ ngày 21-5-2015 cho thấy các tàu nạo vét của Trung Quốc hoạt động trái phép ở đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: US NAVY)

Phản ứng trước tuyên bố chung này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng sáng 28-5 nói rằng Bắc Kinh “phản đối mạnh mẽ” việc đề cập vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông trong tuyên bố chung của nhóm G7, theo Reuters.

Ông Lục nói rằng Trung Quốc cam kết hoàn toàn giải quyết các tranh chấp với các quốc gia liên quan thông qua đàm phán trong khi duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông và biển Hoa Đông. Vị này nhấn mạnh nhóm G7 cần dừng việc đưa ra các bình luận “vô trách nhiệm”.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền tại hầu hết khu vực ở biển Đông bất chấp cộng đồng quốc tế lên án. Song song đó, nước này ngang nhiên bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo và triển khai thiết bị quân sự tới các thực thể này. Báo cáo hồi cuối tháng 3 của Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cho biết Trung Quốc dường như đã hoàn thành việc xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo tranh chấp ở biển Đông và có thể triển khai máy bay chiến đấu cùng các thiết bị quân sự khác tới đây bất cứ lúc nào.

Mỹ cũng đã nhiều lần chỉ trích việc Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo và xây dựng các hạ tầng quân sự trên các đảo này ở biển Đông. Washington quan ngại chúng có thể được Bắc Kinh sử dụng để giới hạn việc di chuyển tự do trong khu vực và mở rộng các tham vọng chiến lược của Trung Quốc.

Theo PLO

Bạn đang đọc bài viết "G7 phản đối quân sự hóa biển Đông" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin