Dự thảo Luật Quản lý thuế: Băn khoăn trách nhiệm của ngân hàng

24/11/2018 09:02

Yêu cầu bảo đảm bí mật thông tin khách hàng là nguyên tắc bảo mật thông tin của ngân hàng theo quy định của Luật Các TCTD.

Tránh lạm dụng trong yêu cầu cung cấp thông tin

Điều 27 dự thảo Luật Quản lý thuế vừa trình Quốc hội cho ý kiến quy định: NHTM khi tham gia phối hợp thu thuế và thu khác thuộc NSNN có trách nhiệm: Phối hợp với cơ quan quản lý thuế, KBNN trong việc thực hiện nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử cho người nộp thuế; xử lý, đối soát dữ liệu về nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử…

Bên cạnh đó, NHTM phải cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, bao gồm: thông tin về mở tài khoản, số tài khoản cùng với mã số thuế của người nộp thuế; đồng thời cung cấp thông tin của người nộp thuế như: nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản của người nộp thuế…

Ngoài ra, Dự thảo Luật còn quy định: Trường hợp người nộp thuế có bảo lãnh về tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt các khoản thu NSNN khác theo quy định của luật này nhưng người nộp thuế không nộp đúng thời hạn thì ngân hàng bảo lãnh phải chịu trách nhiệm nộp thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu NSNN khác thay cho người nộp thuế.

Yêu cầu bảo đảm bí mật thông tin khách hàng là nguyên tắc bảo mật thông tin của ngân hàng theo quy định của Luật Các TCTD
Yêu cầu bảo đảm bí mật thông tin khách hàng là nguyên tắc bảo mật thông tin của ngân hàng theo quy định của Luật Các TCTD)

Quy định này đã khiến không ít người, kể cả các đại biểu Quốc hội, băn khoăn. Trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật Quản lý thuế tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra mới đây, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc quy định NHTM cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế.

Theo bà, quy định như trên là chưa phù hợp, vì yêu cầu bảo đảm bí mật thông tin khách hàng là nguyên tắc bảo mật thông tin của ngân hàng theo quy định của Luật Các TCTD. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại TCTD. Do vậy, cần có sự hài hòa giữa hai quy định này để không làm ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của ngân hàng, để tránh lạm dụng trong việc yêu cầu cung cấp thông tin dẫn đến ngân hàng vi phạm pháp luật.

“Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ các trường hợp cung cấp thông tin, thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin và đặc biệt là theo quy định chặt chẽ việc khấu trừ tiền trong tài khoản để nộp thuế để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của công dân”, bà Trang nói.

Ngân hàng không phải cơ quan thuế

Trước đó, phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đã đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét bỏ nội dung này khỏi Dự thảo Luật bởi lẽ mâu thuẫn với quy định tại Luật Các TCTD: “TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng”.

Trong đó, “cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”, được quy định tại Nghị định số 70/2000/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, chỉ cung cấp theo yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan Nhà nước trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thuộc thầm quyền theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này, văn bản yêu cầu tổ chức cung cấp các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng phải do những người có thẩm quyền ký, như: Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Thẩm phán Toà án nhân dân thực hiện theo quy định tại các văn bản do Ouốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiêm sát quân sự, Chánh án, Phó Chánh án Toà án quân sự, Thẩm phán Toà án quân sự cấp quân khu trở lên; Cục trưởng, Phó Cục trưởng các Cục nghiệp vụ Bộ Công an; Giám đốc, Phó Giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… trở lên.

Theo quy định trên, thủ trưởng cơ quan thuế không phải là đối tượng được đề nghị cung cấp thông tin giao dịch thanh toán qua tài khoản khách hàng. Do đó quy định này là không phù hợp, trái với quy định giữ bí mật thông tin khách hàng tại Luật Các TCTD số 47/2010/QH12 và Nghị định 70.

Nghiên cứu về dự án Luật này, các chuyên gia pháp chế ngân hàng cũng đề nghị Ban soạn thảo loại bỏ một số quy định trên vì việc phối hợp thu thuế, thu khác thuộc NSNN dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa NHTM và cơ quan thuế. Trong quan hệ phối hợp thu này thì NHTM là DN cung cấp dịch vụ liên quan đến tài khoản của cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ nộp thuế. Theo đó, trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế, KBNN, xử lý, đối soát dữ liệu, truyền nhận thông tin, hỗ trợ người nộp thuế... phải do NHTM và cơ quan thuế thỏa thuận tại văn bản thỏa thuận phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức này. Bên cạnh đó, “quản lý thuế” là chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước nên việc quy định trách nhiệm của NHTM về quản lý thuế không phù hợp.

Cùng với đó, các chuyên gia pháp chế ngân hàng cũng đề nghị bỏ quy định trách nhiệm NHTM phải công bố thông tin bởi lẽ theo pháp luật hiện hành (Luật Các TCTD, Nghị định 70/2000/NĐ-CP), việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp các thông tin có liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng quy định NHTM chỉ được cung cấp thông tin theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan Nhà nước trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… và văn bản này phải do những người có thẩm quyền ký.

Việc định kỳ cung cấp thông tin tài khoản, cung cấp thông tin của người nộp thuế quy định tại dự luật có phạm vi quá rộng và có thể dẫn tới việc lạm dụng quy định này trong quá trình thực thi, đồng thời không đảm bảo phù hợp với yêu cầu về bảo mật thông tin quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 14 Luật Các TCTD và Nghị định 70/2000/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, khối lượng thông tin tài khoản của người nộp thuế mở tại ngân hàng là rất lớn, do đó việc yêu cầu cung cấp thông tin định kỳ cho các cơ quan quản lý thuế sẽ gây khó khăn lớn cho các TCTD và khó thực hiện trên thực tế. Ngoài ra, về nguyên tắc, việc cung cấp thông tin chi nên áp dụng đối với các tài khoản liên quan đến giao dịch về thuế và người nộp thuế có thái độ trốn tránh, chây ì việc thực hiện nghĩa vụ thuế…

Theo Thời báo ngân hàng

Nguồn bài viết: http://antt.vn/du-thao-luat-quan-ly-thue-ban-khoan-trach-nhiem-cua-ngan-hang-260494.htm

Bạn đang đọc bài viết "Dự thảo Luật Quản lý thuế: Băn khoăn trách nhiệm của ngân hàng" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin