(Pháp lý) - Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 qua hơn 7 năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng cũng bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế. Những năm qua, thực trạng thất thoát, lãng phí tài sản công diễn ra nghiêm trọng. Tình trạng này đặt ra cho các cơ quan quản lý, cơ quan lập pháp nhiệm vụ cần bịt hết những lỗ hổng của hệ thống pháp luật đang tạo ra những cơ hội cho tham nhũng, lãng phí trục lợi từ tài sản công.
Nhiều bất cập trong quản lý tài sản công
Tình trạng sử dụng tài sản nhà nước sai mục đích, sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ, lãng phí vẫn còn xảy ra khá phổ biến ở các lĩnh vực, các cơ quan, tổ chức. Có thể nói tình trạng sử dụng, quản lý không đúng mục đích, cho thuê, cho mượn, để thất thoát, lãng phí rất lớn ở hầu như các ngành, các cơ quan, tổ chức, các địa phương, ở hầu hết các khâu của quá trình quản lý, từ khâu quyết định mua sắm đến khâu quản lý, sử dụng, đến khâu thanh lý và ở tất cả các khâu liên quan đến tài sản nhà nước. Đất đai, trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội và doanh nghiệp còn bị sử dụng lãng phí, sử dụng sai mục đích như: bỏ trống, cho thuê, cho mượn, sử dụng để kinh doanh sai mục đích… Một số trường hợp thực hiện mua sắm, điều chuyển, thanh lý tài sản nhà nước sai thẩm quyền, sai tiêu chuẩn, chế độ dẫn đến thất thoát. Tình trạng lãng phí trong đầu tư, mua sắm vượt tiêu chuẩn định mức, vượt mức giá cho phép mặc dù đã có hạn chế nhưng vẫn còn xảy ra.
Những vấn đề lớn cần thể chế hóa vào luật
Yêu cầu đặt ra việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, bảo đảm việc đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới về khai thác nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, đồng thời thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật mới được Quốc hội ban hành có liên quan, tác động trực tiếp tới quản lý, sử dụng tài sản công.
Dự Luật có nhiều quan điểm mới như đưa ra được nguyên tắc quản lý sử dụng, khai thác quản lý nguồn lực từ tài sản công; đưa ra các căn cứ, tiêu chuẩn, định mức rất cần thiết; chế định về kiểm tra, thanh tra, giám sát, kể cả giám sát cộng đồng; chế định xử lý vi phạm, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước…
Đặc biệt, dự án Luật bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản để bảo đảm việc sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình.
Tuy nhiên, trong quá trình trình dự thảo và lấy ý kiến, rất nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội vẫn còn băn khoăn xung quanh một số qui định trong dự án Luật.
TS. Trần Du Lịch cho rằng Luật tiếp cận khái niệm tài sản công theo Điều 53 Hiến pháp năm 2013 nên rất rộng, nó bao gồm cả khái niệm “tài sản” và “tài nguyên” thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đây là điểm mới rất quan trọng so với phạm vi điều chỉnh của luật hiện hành. Tuy nhiên, do đặc điểm của “tài sản” và “tài nguyên” rất khác nhau, nên vấn đề quản lý, sử dụng tài sản công đang bị chia nhỏ trong nhiều đạo luật như: Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước… Dự án luật này tuy chọn đối tượng là tài sản công theo ý nghĩa đầy đủ, nhưng không chế định thay các luật hiện hành có liên quan, mà tiếp cận theo hướng: Quy định chế độ quản lý sử dụng, quyền hạn và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được giao tổ chức quản lý tài sản công nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước về tài sản công, khắc phục những tồn tại hiện nay, nâng cao hiệu quả sử dụng. Đây là cách tiếp cận đúng và thể hiện sự đổi mới so với luật hiện hành.
Ông Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Ủy ban An ninh – Quốc phòng cũng đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa luật này với các luật chuyên ngành. Theo đó, phải lấy Luật Quản lý tài sản làm gốc, các luật chuyên ngành phải tuân thủ luật này, tránh tình trạng vướng mắc, dẫn đến thất thoát tài sản. Tuy nhiên, muốn luật này bao quát hết cũng rất khó. Vì vậy, có thể quy định về nguyên tắc, còn lại để Chính phủ quy định rõ từng lĩnh vực cụ thể, phụ thuộc vào từng chuyên ngành khác nhau bởi danh mục tài sản rất lớn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thì cho rằng về lâu dài, để có thể quản lý hiệu quả tất cả các tài sản công thì Luật này cần xây dựng theo hướng trở thành Bộ luật lớn, bao gồm tất cả các tài sản, các luật chuyên ngành sẽ đi theo. Đây sẽ là hành lang pháp lý, mang tính tập trung, đồng bộ cao hơn, tránh xung đột, vướng mắc giữa các luật. Tuy nhiên, với phạm vi, đối tượng như hiện nay, với yêu cầu trước mắt là có sớm một luật quản lý tài sản hiện có, đang có nguy cơ thất thoát, cần được sử dụng hiệu quả hơn, thì cơ bản dự thảo Luật sau khi tiếp thu các ý kiến, hoàn chỉnh là đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét.
Hiến pháp 2013 đã thể chế hóa khái niệm tài sản công mà tài sản nhà nước là một bộ phận quan trọng, đồng thời yêu cầu thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. Dự án luật ra đời là cần thiết nhằm tạo khuôn khổ pháp lý góp phần khắc phục những nhược điểm hạn chế nổi cộm trong quản lý và sử dụng tài sản công như: Phân tán, thiếu thống nhất, phạm vi quản lý hạn hẹp,… dẫn đến việc quản lý tài sản nhà nước còn lỏng lẻo, tùy tiện, tài sản bị sử dụng lãng phí, thất thoát, không đúng mục đích, đối tượng - Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh nhận xét.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Nga và một số ý kiến đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật nội dung quy định trách nhiệm và chế tài xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị được Nhà nước giao quản lý, sử dụng, khai thác tài sản khi để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công ở cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, cần rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật đối tượng, tiêu chuẩn, định mức trang bị tài sản công như xe công, trụ sở làm việc, nhà công vụ... nhằm chống thất thoát, lãng phí tài sản công.
Một vấn đề khác được các thành viên trong Ủy ban thường vụ Quốc hội đặt ra đó là trong khi tài sản công là tải sản thuộc sở hữu toàn dân và Quốc hội là cơ quan đại diện cho nhân dân, nhưng dự thảo Luật lại chưa đề cập đến quyền hạn, trách nhiệm của Quốc hội. Do đó, cần bổ sung quy định trách nhiệm, quyền hạn của Quốc hội trong việc ban hành các chính sách quốc gia về quản lý, sử dụng tài sản công và giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công đúng hiến pháp và pháp luật đảm bảo phục vụ mục đích phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội và an ninh quốc phòng.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước báo cáo Quốc hội kết quả kiểm toán về tình hình quản lý, sử dụng tài sản công hàng năm. Qua đó, đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu quả và được sự giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đồng thời đảm bảo thông tin kịp thời, giúp Quốc hội có căn cứ hoạch định các chính sách quốc gia trong việc quản lý, khai thác nguồn tài sản quốc gia.
Thái Đăng