Thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng 22/11, đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Luật. Song, nhiều ĐB cho rằng đối tượng áp dụng như quy định của Dự thảo Luật là quá rộng, ngân sách khó có khả năng hỗ trợ đủ.
Đối tượng áp dụng quá rộng
Phát biểu tại phiên họp, nhiều ĐB nhất trí cho rằng các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Nghị định 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản pháp luật liên quan thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận nhưng chính sách và tổ chức thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn một số hạn chế, bất cập. Do vậy, các ĐB thống nhất sự cần thiết phải ban hành luật.
Thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ 1/2/2017
Cũng trong sáng 22/11, với 91,08% ĐB bỏ phiếu tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Theo Nghị quyết, việc thí điểm cấp thị thực điện tử áp dụng đối với công dân của nước có đủ các điều kiện: có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
QH giao Chính phủ quyết định danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử; quy định trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử và bảo đảm các điều kiện để việc cấp, kiểm soát thị thực điện tử được chặt chẽ, an toàn, thống nhất, thuận lợi. Việc thí điểm cấp thị thực điện tử được thực hiện trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày 1/2/2017. Chính phủ báo cáo QH kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm 2018.
Tuy nhiên, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng đối tượng áp dụng như quy định của Dự thảo Luật là quá rộng. “Khoảng 520.000 doanh nghiệp, chiếm trên 97% số lượng doanh nghiệp sẽ đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa” – ĐB cho biết.
ĐB Bình cũng cho rằng Dự thảo Luật đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc cân đối các nguồn lực để thực hiện các hỗ trợ đó không rõ nét, có thể dẫn đến tính khả thi không cao của chính sách, nhất là nguồn lực về mặt tài chính.
“Luật yêu cầu các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nghe có vẻ hợp lý. Tuy vậy, sau đó Nhà nước lại phải hỗ trợ ưu đãi cho các ngân hàng, bởi nếu không, họ sẽ không có nguồn lực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Chính phủ phải quy định chi tiết các ưu đãi đó” – ĐB đề nghị.
Ngoài lo lắng về tính khả thi của Dự án Luật, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) còn băn khoăn về sự nhất quán trong việc ban hành chính sách nếu Dự án Luật được thực thi.
“Cách đây 10 ngày, QH thông qua Nghị quyết về tài chính trung hạn và áp dụng cho 5 năm 2016-2020, trong đó khẳng định rất rõ quan điểm không ban hành chính sách chế độ, đề án khi không cân đối được nguồn lực; đề nghị rà soát, thu hẹp, miễn giảm thuế, hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội trong các chính sách thuế; rà soát các chính sách ưu đãi ảnh hưởng đến thu ngân sách. Trong Nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2017 cũng khẳng định quan điểm nhất quán là hạn chế tối đa việc các chính sách làm giảm thu ngân sách. Thế nhưng theo báo cáo đánh giá tác động, số thu giảm 13.000 tỷ hoặc còn cao hơn” – ĐB Mai phân tích.
Do đó, ĐB Bình và một số ĐB khác đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, lựa chọn và tập trung ưu tiên hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp có tiềm năng, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế như áp dụng công nghệ cao...
Cần minh bạch trong tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thảo luận về môt số nội dung khác của Dự thảo Luật, ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) nhất trí sử dụng tiêu chí tổng nguồn vốn và số lao động để phân loại quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa. Song, ĐB đề nghị bảo đảm diễn giải và quy định minh bạch về tiêu chí xác định từng loại quy mô doanh nghiệp để áp dụng pháp luật chính xác, dễ viện dẫn. “Thực tế có nhiều trường hợp tổng nguồn vốn lớn hơn 20 tỷ, nhưng số lao động không đạt tới 200 người thì xếp loại doanh nghiệp nhỏ hay vừa. Điều này rất cần minh bạch vì liên quan đến chính sách thuế và tư cách tham gia dự thầu của doanh nghiệp” – ĐB phân tích. Theo ĐB Hiền, Dự thảo Luật xác định doanh nghiệp theo ba quy mô, phân biệt rõ giữa nhỏ và siêu nhỏ nhưng hoàn toàn thiếu vắng các quy định thể hiện hoạt động hỗ trợ gắn với từng quy mô doanh nghiệp.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu ý kiến quy định rõ các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm: hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh để giảm bớt các thủ tục hành chính và bớt phiền hà, sách nhiễu; tạo cơ chế thông thoáng trong kinh doanh để hạn chế thanh tra, giám sát và cũng có quy định mỗi năm có bao nhiêu lần được thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng một doanh nghiệp nhỏ một tháng có đến 3-4 đoàn kiểm tra; bên cạnh đó hạn chế các hình thức, tổ chức, cá nhân xin-cho. “Đến nay doanh nghiệp rất vất vả ở chỗ hết đơn vị này đến xin, hội kia đến xin, các ngày lễ đến xin làm cho doanh nghiệp rất vất vả, điểm này là điểm doanh nghiệp rất cần” – ĐB phản ánh.
Ban hành danh mục 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Tại phiên họp sáng qua, QH đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư với tỷ lệ 83,16% ĐB tán thành. Điều 1 của Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 bổ sung điểm g “Kinh doanh pháo nổ” vào khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư. Luật cũng quy định việc thay thế Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bằng Phụ lục 4 mới với danh mục 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo Luật vừa được thông qua, các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sau đây có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017: kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô. Theo Luật, Chính phủ sẽ quy định việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề quy định tại khoản này. Luật trên cũng bãi bỏ khoản 1 Điều 19 của Luật Đấu thầu và Điều 151 của Luật Xây dựng.
Theo Bao Phapluat