Dự luật hành chính công: Thêm cơ chế chống tham nhũng từ tham nhũng vặt đến tham nhũng lớn

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, nếu hành chính công làm tốt sẽ góp phần khắc phục rất nhiều lỗi trong nền hành chính của chúng ta, trong đó có chống lợi ích nhóm, phòng, chống tham nhũng từ tham nhũng vặt đến tham nhũng lớn…

Trong bối cảnh nền hành chính hiện đại, người dân, doanh nghiệp đòi hỏi bộ máy hành chính phải thực sự đổi mới, tinh gọn; thủ tục hành chính phải đơn giản, linh hoạt, được thực hiện trên môi trường mạng.

Cán bộ công chức, viên chức các cấp, nhất là người đứng đầu phải thay đổi nhận thức và hành vi, chuyển từ cơ chế nền hành chính “mệnh lệnh”, “xin - cho” sang nền hành chính phục vụ; coi người dân và doanh nghiệp thực sự là khách hàng, đối tác trong cung cấp dịch vụ công.

 GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội)

Trước yêu cầu phát triển của xã hội, Quốc hội quyết định đưa dự án Luật hành chính công vào chương trình xây dựng luật với mục đích để có nền hành chính công công khai, minh bạch, hiệu lực hiệu quả; một nền hành chính công phục vụ, thông suốt, tạo thuận lợi cho dân mà vẫn bảo đảm quản lý của Nhà nước.

Theo đó, dự thảo quy định một loạt hành vi bị nghiêm cấm đối với cán bộ công chức, viên chức như cấm tự ý đặt ra các khoản thu của cá nhân, tổ chức dưới mọi hình thức; môi giới làm thủ tục hành chính để hưởng hoa hồng, thù lao trái quy định; né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; sử dụng nguồn lực công hoặc tham mưu, đề xuất giải quyết công việc, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ…

Ngoài quy định chung trên, người đứng đầu cơ quan, tổ chức của Nhà nước còn bị nghiêm cấm vi phạm các nguyên tắc trong quản lý, điều hành; tùy tiện tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; lợi dụng chức vụ, quyền hạn câu kết với tổ chức, cá nhân để trục lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực…

Vấn đề đặt ra, liệu các quy định cấm được ví như “đụng đến nồi cơm” của một bộ phận cán bộ có đi vào cuộc sống không? Trong khi, một số quy định cấm này không mới và đã được quy định rải rác tại các luật như Luật cán bộ công chức, Luật viên chức…

Là thành viên Ban soạn thảo, ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) nhận định, đúng là có tình trạng một số cán bộ dựa vào nhũng nhiễu, lợi ích nhóm, cục bộ để có nguồn thu lớn. Cho nên cần phải loại bỏ các hành vi nhũng nhiễu của công chức, viên chức.

“Một trong những mục tiêu quan trọng của dự án Luật hành chính công là góp phần giảm tiêu cực, tham nhũng, thoái hóa, biến chất, những lệch chuẩn trong quản lý Nhà nước. Luật đặt ra một chuẩn cho nền hành chính của Việt Nam, chống các chi phí không cần thiết. Một lần nữa cần đặt chuẩn cao hơn để giữ vững trật tự kỷ cương của nền hành chính, quá trình vận hành”, ông Sơn nhấn mạnh.

Chung quan điểm, theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, hành chính công nếu làm tốt sẽ góp phần không nhỏ vào nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chung của Nhà nước, của xã hội, tạo điều kiện để người dân thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân của mình mà Hiến pháp đã quy định: “Làm tốt sẽ góp phần khắc phục rất nhiều lỗi trong nền hành chính của chúng ta, trong đó có phòng, chống lợi ích nhóm, phòng, chống tham nhũng từ tham nhũng vặt đến tham nhũng lớn”. Ông cho biết, dự luật này đã thiết lập một cơ chế: khi cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật hành chính công phải giải trình với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; phải xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; từ chức nếu không còn đủ uy tín để làm việc; phải bị cách chức hoặc buộc thôi việc nếu vi phạm do lỗi cố ý và có động cơ trục lợi.

Đáng chú ý, theo ông Phan Trung Lý, cán bộ, công chức, viên chức dù đã nghỉ hưu mà các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới phát hiện được hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khi còn đương chức, tham nhũng, gây thất thoát tài sản, ô nhiễm môi trường… thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, cán bộ vi phạm do lỗi cố ý, trục lợi, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Ông Lê Hồng Sơn lưu ý, bồi thường ở đây là phải bỏ tiền túi cá nhân, chứ không phải lấy tiền thuế mà người dân đóng để bồi thường.

Về vấn đề này, GS.TS Phạm Hồng Thái, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ thêm, trách nhiệm bồi thường cũng là một vấn đề mà nhóm soạn thảo cân nhắc đưa vào. “Trường Công vụ Lý Quang Diệu (Singapore) cho hay, cán bộ mỗi tháng phải trích tiền lương để gửi vào một quỹ, có hành vi sai phạm thì dù là hành vi tham nhũng nhỏ thì tịch thu toàn bộ số tiền đó”, GS.TS Phạm Hồng Thái cho biết.

Theo Báo Thanh tra

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin