Đơn vị được kiểm toán có quyền khiếu nại, khởi kiện ra Tòa án

Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sửa đổi với 15 nội dung của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015, được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019. Luật có hiệu lực thi hành từ 01/7/2020.

7
Bổ sung nhiệm vụ phòng chống tham nhũng

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN được công bố qua gồm 3 điều. Trong đó, Luật bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Luật chỉ rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán, đó là các đối tượng có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

Luật cũng quy định rõ, KTNN chỉ thực hiện kiểm tra, đối chiếu các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán của đơn vị được kiểm toán tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong trường hợp cần kiểm toán toàn diện đối với nhóm đối tượng này, KTNN phải thực hiện quy trình để bổ sung vào kế hoạch kiểm toán và ban hành quyết định kiểm toán theo quy định của Luật KTNN hiện hành.
Nội dung nổi bật là Kiểm toán Nhà nước có quyền ra quyết định kiểm toán không cần “dấu hiệu tham nhũng” bởi việc đưa dấu hiệu tham nhũng sẽ khó thực hiện được.

Khoản 3 Điều 10 bổ sung nội dung KTNN xem xét, quyết định việc kiểm toán trong trường hợp sau:

a.Khi có đề nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, tổ chức không có trong kế hoạch kiểm toán năm của KTNN.

b.Theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng.

Trường hợp không thực hiện kiểm toán… thì thông báo nêu rõ lý do cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đề nghị.
Nội dung “Thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng” được bổ sung vào khoản 6 của Điều 10.

Liên quan đến quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của KTNN, để bảo đảm đầy đủ, kịp thời xử lý các vi phạm, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTNN, trên cơ sở áp dụng các thông lệ quốc tế phù hợp, Luật quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của KTNN. Quy định về trình tự, thủ tục, hành vi vi phạm, mức xử phạt hành chính… được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật.

Quyền truy cập dữ liệu điện tử của KTNN

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN sửa đổi, bổ sung quy định KTNN có quyền được truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán; việc truy cập dữ liệu phải tuân thủ các quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật.

Trưởng Đoàn kiểm toán được ủy quyền truy cập cho thành viên Đoàn kiểm toán nhưng việc ủy quyền phải bằng văn bản, phải theo quy định của pháp luật và vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện công việc đã ủy quyền đó. Đồng thời, để xác định rõ phạm vi truy cập, tránh việc lạm quyền ảnh hưởng đến đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, Luật quy định chỉ được truy cập dữ liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán.

Quyền khiếu nại và khởi kiện

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã bổ sung quyền khiếu nại và khởi kiện của đơn vị được kiểm toán. Theo đó, đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán, trong quá trình thực hiện kiểm toán khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Khiếu nại về đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán khi có căn cứ cho rằng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN.

Quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước bị khởi kiện bao gồm: Quyết định giải quyết khiếu nại về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán; Quyết định giải quyết khiếu nại về đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán, kiến nghị KTNN.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định khiếu nại tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/thoi-su/don-vi-duoc-kiem-toan-co-quyen-khieu-nai-khoi-kien-ra-toa-an

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin