Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Điều 1, Chương I Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 về giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH, Luật An toàn, vệ sinh lao động. Trong thời gian giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp(TNLĐ, BNN) theo quy định trên, người lao động vẫn được hưởng các quyền lợi như đang đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Để người lao động và người sử dụng lao động hiểu rõ về đối tượng, trình tự, thủ tục thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19, Luật sư Trần Đại Ngọc, Đoàn Luật sư Hà Nội thông tin tới người lao động và bạn đọc cả nước.
Người lao động hỏi: Các doanh nghiệp, đơn vị thành lập mới từ sau ngày 01/7/2021 thì có được giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN hay không?
Luật sư trả lời: Theo quy định thì người sử dụng lao động (đơn vị) được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN trong 12 tháng(thời gian từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).
Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng, chống Covid-19.
Việc đăng ký tham gia, lựa chọn phương thức đóng, sử dụng và quản lý Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về BHXH và pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Thời gian đóng Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định này được tính hưởng chế độ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Vì vậy, trường hợp đơn vị, doanh nghiệp thành lập mới từ sau ngày 01/7/2021 thuộc đối tượng theo quy định thì cũng được giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Hiện nay, theo Nghị định 58/2020/NĐ-CP, mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau: Mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH;
Mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu đủ điều kiện quy định, có văn bản đề nghị và được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chấp thuận.
Người lao động hỏi: Đơn vị được giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN thì có phải thanh toán, quyết toán phần kinh phí do giảm mức đóng với cơ quan BHXH hay không?
Luật sư trả lời:Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ không quy định đơn vị, doanh nghiệp được giảm mức đóng BHTNLĐ-BNN phải quyết toán với cơ quan BHXH.
Người lao động hỏi: Trong thời gian được giảm mức đóng vào Quỹ BHTNLĐ-BNN theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, người lao động phát hiện ra bệnh nghề nghiệp hoặc xảy ra TNLĐ có được chi trả chế độ không?
Luật sư trả lời: Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021; Điều 1, Chương I Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 về giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH, Luật An toàn, vệ sinh lao động. Trong thời gian giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định trên, người lao động vẫn được hưởng các quyền lợi như đang đóng BHTNLĐ-BNN.
Người lao động hỏi: Tôi muốn hỏi về hình thức hỗ trợ (tiền mặt, hiện vật, ...), mức hỗ trợ cụ thể cho người lao động bằng tiền có được từ việc giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ,BNN.
Luật sư trả lời: Căn cứ quy định tại Điều 1 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ: người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào Quỹ TNLĐ, BNN cho người lao động phòng, chống dịch COVID-19”. Như vậy, hình thức hỗ trợ, mức hỗ trợ cụ thể cho người lao động phòng chống dịch COVID-19 bằng toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào Quỹ TNLĐ, BNN là do người sử dụng lao động xem xét thực hiện.
Người lao động hỏi: Đối tượng nào được hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg?
Luật sư trả lời: Tại Điều 1 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 quy định: Người sử dụng lao động đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định của pháp luật về BHXH và pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).
Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN cho người lao động phòng, chống dịch COVID-19.
Người lao động hỏi: Về trình tự hồ sơ, thủ tục thực hiện việc giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN như thế nào?
Luật sư trả lời: Trên cơ sở dữ liệu quản lý thu cơ quan BHXH lập và gửi đơn vị Thông báo giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN. Trường hợp đơn vị có người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần chi thường xuyên) thì đơn vị lập hồ sơ điều chỉnh đóng BHXH (Mẫu số D02-LT ban hành kèm theo Quyết định số 1040/QĐ-BHXH ngày 18/8/2020 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam) gửi cơ quan BHXH để điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ BHTNLĐ, BNN theo quy định.
Người lao động hỏi: Trong tháng 7 năm 2021 đơn vị tôi có 1 lao động đang hưởng chế độ thai sản, đến tháng 8 năm 2021 tăng lại. Như vậy, căn cứ vào thông báo tạm tính về số tiền giảm TNLĐ, BNN từ cơ quan BHXH thì người này có được tính giảm TNLĐ, BNN theo quy định hay không?
Luật sư trả lời: Căn cứ Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 thì người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN trong 12 tháng (thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022). Như vậy, trong tháng 8/2021 đơn vị tăng 01 lao động sau khi nghỉ thai sản thì lao động này vẫn được tính để giảm TNLĐ, BNN từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022 theo quy định.
Người lao động hỏi: Tôi là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước thuộc một Sở của tỉnh, tiền lương của tôi được hưởng qua kinh phí cấp từ Sở Tài chính. Qua thông tin đại chúng, tôi được biết là Chính phủ có hỗ trợ cho các đơn vị sử dụng lao động giảm đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19. Như vậy, đối với bản thân tôi cùng những người trong đơn vị tôi có nhận được gói hỗ trợ này không?
Luật sư trả lời: Tại Điều 1 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 quy định đối tượng hỗ trợ như sau: Người sử dụng lao động đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định của pháp luật về BHXH và pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).
Do đó, Ông/Bà là viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên không thuộc đối tượng hỗ trợ giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.
CS&PL