"Đối mặt với vũ trụ" là cuốn sách mới nhất của GS. Trịnh Xuân Thuận được xuất bản ở Việt Nam năm 2016.
Cuốn sách đã đặt ra những vấn đề quan trọng về nguồn gốc của vũ trụ, cũng như nhấn mạnh ý nghĩa tương quan gắn kết giữa những yếu tố của vũ trụ với đời sống của con người.
Một cuốn sách mỏng, được viết bởi GS. Trịnh Xuân Thuận cùng 8 người khác, hoạt động ở các lĩnh vực như nhiếp ảnh, họa sĩ, triết học, văn học, vật lý, sinh học... Trong đó những bài viết của Trịnh Xuân Thuận chiếm một phần ba dung lượng sách. Ông tóm tắt lại những ý niệm chung của vũ trụ, chất chứa sự mênh mang, phức tạp nhưng cũng vô cùng đẹp đẽ. Vũ trụ là một thế giới đầy quyến rũ, và con người chỉ là một hạt bé nhỏ trong đó. Từ những trang viết của Đối mặt với vũ trụ, một số câu chuyện tiểu sử của tác giả sẽ được tiết lộ, khiến cho cuốn sách trở nên thú vị và gần gũi hơn.
Những bài viết của các tác giả khác trong cuốn sách đặt ra nhiều vấn đề xoay quanh sự kỳ bí đẹp đẽ, và mối liên kết giữa con người với vũ trụ, với sự hữu hạn của vụ trụ, của thời gian, và đặt ra những vấn đề về sự tàn phá, sự hủy hoại của con người, tác động trong vùng vũ trụ mà con người đang sống, đều nhằm đến một đích, tìm ra được “sự tương liên, lòng vị tha, hợp tác”, trong vũ trụ. Mỗi tác giả đều có những suy nghĩ, chia sẻ riêng của mình, nhưng rõ ràng, nó đặt trong một bối cảnh đối thoại, lắng nghe và giao tiếp với nhau, cùng hướng tới một mục đích chung của tri thức.
[caption id="attachment_144758" align="aligncenter" width="307"]
Tác phẩm Đối mặt với vũ trụ của GS. Trịnh Xuân Thuận và nhóm tác giả.[/caption]
Mỗi quan điểm đều rất cởi mở, tạo điều kiện cho người đọc có cơ hội được hiểu biết, và hơn hết được phản tỉnh bản thân trong triền miên suy tư, đầy những nghi vấn, tiếp nhận, xoay sở của con người đối với vũ trụ. Để rồi, từ những suy tư ấy, Đối mặt với vũ trụ nói với người đọc rằng: "tri thức sẽ mang đến sự thấu hiểu".
Thấu hiểu để nhận ra càng biết nhiều, càng phải khiêm tốn. Thấu hiểu, để nhận ra chúng ta đang sống thiếu hài hòa với tự nhiên ra sao. Trong khi cái cái hài hòa đó lẽ ra là chân lý của vũ trụ. Để mỗi ngày sống, tự nhìn lại mình, và cố gắng yêu thương hơn, vị tha hơn, dành thời gian cho những gì đáng quý, đấu tranh cho tương lai và những gì là giá trị bền vững, của cái đẹp, cái hài hòa "nhất thể". Đó là sự kỳ diệu của vũ trụ, của con người, và của đời sống này
Một câu chuyện khoa học lại đậm tính tha nhân gần gụi. Bên cạnh những kiến thức về big bang, giải Ngân Hà, về hạt proton, hạt neutron, hạt quark, về nguyên tử hydro, heli, là những câu chuyện đời thường về lòng trắc ẩn, sự vị tha, niềm an ủi... Sự kết hợp nhuần nhuyễn ấy chính là hạt nhân đầu tiên giúp những cuốn sách đậm chất thiên văn của GS Thuận luôn được độc giả đón nhận.
Đọc sách khoa học của Trịnh Xuân Thuận, người đọc sẽ bước vào vô vàn bất ngờ, bởi ông có lối viết vô cùng hài hòa trong sự mạch lạc, rõ ràng, thông minh của khoa học, với một cái nhìn đầy nhạy cảm, và giàu mỹ cảm của một nhà thơ. Cái chất thơ ấy khiến cho những tri thức được đặt ra trong tác phẩm của ông trở nên bay bổng, gần gụi và dễ chạm vào. Đó cũng chính là sự hài hòa mà ông luôn tìm kiếm, đặt ra và nhắc đi nhắc lại trong khi chia sẻ ở cuốn sách Đối mặt với vũ trụ, sự hài hòa của khoa học và văn học, nghệ thuật, sự giao kết giữa các lý tính và thi ca. Đó cũng chính là lý do khiến tác phẩm về thiên văn vũ trụ của ông được nhiều người đón nhận. Trịnh Xuân Thuận là một nhà vật lý thiên văn đặc biệt. Cái nhìn của ông về vũ trụ đầy cảm hứng và sáng tạo.
Trịnh Xuân Thuận là nhà khoa học Mỹ gốc Việt, giảng dạy, nghiên cứu, bằng tiếng Anh, nhưng ông viết sách bằng tiếng Pháp, thứ tiếng mà ngay từ khi còn thanh niên, ông đã xem là thứ tiếng đẹp đẽ nhất của nhân loại. Sách của ông rất phổ biến tại Pháp, và bản thân ông cũng đã từng nhận được nhiều giải từ từ chính phủ Pháp, như giải Moron 2007 của viện Hàn Lâm Pháp cho tác phẩm Những con đường ánh sáng, giải thưởng thế giới của Học viện Pháp quốc năm 2012, và Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của chính phủ Pháp 2014 vì những đóng góp tận tụy thúc đẩy sự phát triển nên văn hóa khoa học và sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương.
Rất nhiều tác phẩm của ông đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam như: Cái vô hạn trong lòng bàn tay, Cái vô hạn của ánh sáng, Giai điệu bí ẩn, Hỗn độn và hài hòa,...
Theo Zing