Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM - cho rằng việc cho, tặng, biếu quà giá trị lớn giữa doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước có thể làm dấy lên những nghi ngại về việc doanh nghiệp mong muốn nhận được những ưu đãi, những hỗ trợ, thậm chí là che giấu, lấp liếm cho những sai phạm của mình đã, đang, thậm chí là sẽ có trong tương lai.
- Phóng viên: Liên quan đến việc doanh nghiệp tặng ô tô tiền tỷ cho cơ quan nhà nước ở Cà Mau, Đà Nẵng và trước đó là ở Ninh Bình đang thu hút sự chú ý của dư luận, hiện nay có 2 quy định xung quanh việc này: Quy chế về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước và cán bộ, công chức theo Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành (có hiệu lực từ ngày 10/6/2007) và Nghị định 29/2014/NĐ-CP ban hành năm 2014 của Chính phủ cũng quy định rõ việc xác lập quyền sở hữu nhà nước với các tài sản do cá nhân, tổ chức tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước, với đầy đủ các căn cứ và thủ tục có liên quan. Theo ông, trong trường hợp này phải áp dụng quy định nào?
- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Theo nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật tại Khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 4 Luật này, Nghị định của Chính phủ là văn bản có giá trị pháp lý cao hơn Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy về nguyên tắc, Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10/04/2014 quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước sẽ được ưu tiên áp dụng hơn so với Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10/05/2007 ban hành quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức nếu cùng quy định về một vấn đề.
- Việc Cà Mau cho rằng đã áp dụng đúng theo hướng dẫn của Nghị định 29/2014 mà bỏ qua Quy chế về việc tặng quà, nhận quà của Thủ tướng có phù hợp không?
- Như tôi đã nói ở trên, Nghị định của Chính phủ là văn bản có giá trị pháp lý cao hơn Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thực chất, pháp luật không nghiêm cấm việc các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho Nhà nước qua các hình thức hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ và các hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, việc nhận quà tặng của cơ quan Nhà nước phải công khai, quà tặng phải được quản lý và sử dụng phải đúng theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, trong mọi trường hợp thì việc nhận quà tặng, cho biếu… đó không được vì mục đích vụ lợi, không được vi phạm các điều cấm của pháp luật được quy định trong các văn bản pháp lý có giá trị cao hơn như Luật phòng, chống tham nhũng 2005 (sửa đổi 2007, 2012)…
- Nếu đối chiếu với Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành thì việc doanh nghiệp tặng ô tô tiền tỷ cho cơ quan quản lý nhà nước như vậy có tiềm ẩn những nguy cơ thiếu minh bạch hoặc để được đổi lại những lợi ích khác từ cơ quan nhà nước?
- Theo quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 (Sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012), pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi nhận hối lộ, lợi dụng việc tặng quà, nhận quà tặng để hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác vì vụ lợi. Tuy nhiên, làm thế nào để chứng minh mục đích vụ lợi thì không phải là điều đơn giản và chúng ta chưa có cơ chế để kiểm soát việc này.
Trên thực tế, việc cho, tặng, biếu quà giữa doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước có thể làm dấy lên những nghi ngại về việc doanh nghiệp mong muốn nhận được những ưu đãi, những hỗ trợ, thậm chí là che giấu, lấp liếm cho những sai phạm của mình đã, đang, thậm chí là sẽ có trong tương lai theo kiểu “Bánh ít trao đi, bánh quy trao lại”.
Câu hỏi đặt ra là liệu giữa doanh nghiệp tặng quà và doanh nghiệp không tặng quà có sự phân biệt đối xử nào không, có sự công bằng, công khai, minh bạch, khách quan của cơ quan quản lý nhà nước giữa các doanh nghiệp này hay không? Đây thật sự là những nguy cơ tiềm ẩn mà dư luận không khỏi lo ngại.
- Từ những câu chuyện doanh nghiệp tặng ô tô ở Cà Mau, Đà Nẵng, Ninh Bình đang gây xôn xao dư luận, theo ông cần phải điều chỉnh những quy định hiện hành như thế nào?
- Theo tôi, muốn đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, chí công vô tư thì cần phải có quy định cụ thể hơn về việc kiểm soát việc trao tặng quà đó; quy định tổ chức, cá nhân được tặng quà, giá trị quà tặng được nhận; mục đích của việc trao tặng; tình hình thực tế của doanh nghiệp trao tặng quà và thậm chí là chỉ nhận quà tặng từ địa bàn, khu vực địa lý… mà doanh nghiệp không có lợi ích gì trong đó.
Ngoài ra, cần phải xử lý nghiêm việc biến tướng của các cách thức tặng quà biếu, quà tặng nhằm mục đích vụ lợi, mọi việc phải được công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát chặt chẽ và phải đảm bảo công bằng, khách quan, quản lý doanh nghiệp theo đúng với quy định của pháp luật, không có sự ưu ái nào khác để tạo niềm tin trong nhân dân.
- Xin cảm ơn ông!
Mọi sự tặng - cho tạo ra xung đột lợi ích đều không nên
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) - cho rằng, theo Quyết định 64 thì Cà Mau phải báo cáo Chính phủ việc doanh nghiệp tặng 2 ô tô Lexus giá trị trên 6 tỷ đồng.
“Nhìn chung theo quy định thì nghiêm cấm tổ chức, cơ quan, cá nhân tặng-nhận quà có giá trị lớn, đặc biệt liên quan đến hoạt động công vụ. Tôi đọc thông tin trên báo thấy Cà Mau có tạm ứng cho doanh nghiệp này một số tiền rất lớn để làm dự án, vậy thì phải làm rõ xem có phải vì chuyện đó mà doanh nghiệp tặng 2 chiếc ô tô đắt tiền như vậy không?. Việc một doanh nghiẹp tặng số lượng tài sản lớn thế thì phải xem xét nguồn gốc thế nào, có liên quan tới lợi ích nhóm, cá nhân hay không?. Còn lý do địa phương chưa có xe, thiếu xe nên nhận chỉ là một lý do thôi bởi nhiều nơi cũng thiếu xe nhưng có ai tặng đâu”- ông Đạt đặt vấn đề.
Trong khi đó, trả lời trên Vietnamnet, TS Nguyễn Sĩ Dũng- nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định mọi sự tặng - cho tạo ra xung đột lợi ích, thì đều không nên.
“Địa phương nhận xe của doanh nghiệp thì cũng giống như bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân. Người bác sĩ sẽ phải quan tâm hơn đến bệnh nhân đã biếu phong bì. Thế các bệnh nhân khác thì sao? Một bệnh nhân tặng phong bì sẽ gây áp lực bắt buộc các bệnh nhân khác cũng sẽ phải tìm cách để tặng. Hiệu ứng tặng quà cũng sẽ như vậy đối với các doanh nghiệp. Ngoài ra, nhận quà thì sẽ dễ bị há miệng mắc quai. Và điều này xung đột với chức năng quản lý của địa phương. Mà chúng ta đều biết Công ty Công lý đang phụ thuộc rất nhiều vào tỉnh, nên chứng minh sự bất vụ lợi của hành vi cho và nhận ở đây là rất khó khăn”- ông Dũng phân tích.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh Luật phòng, chống tham nhũng còn nghiêm cấm cán bộ, công chức nhận quà của “cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình” (Khoản 2, Điều 40, Luật phòng, chống tham nhũng).
Theo Dantri