Doanh nghiệp nhà nước “ngại” đấu thầu qua mạng

Báo cáo công tác đấu thầu năm 2017 của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước lớn cho thấy, hầu như khối doanh nghiệp này không có nhiều dự án đầu tư mới; ít gói thầu được lựa chọn qua mạng.

Không có nhiều dự án đầu tư mới

Theo Báo cáo công tác đấu thầu năm 2017 của Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), cả năm Tổng công ty chỉ thực hiện 41 gói thầu, tổng giá gói thầu là 27,7 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 27,2 tỷ đồng. Tổng công ty vẫn chủ yếu phát triển sản xuất kinh doanh, mảng công tác xây dựng cơ bản thực hiện rất ít, chủ yếu là các gói thầu rất nhỏ.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco). Năm 2017, Vinapaco tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với 38 gói thầu thuộc các dự án đã được phê duyệt với tổng giá gói thầu là 73,742 tỷ đồng. Các gói thầu được thực hiện chủ yếu có quy mô nhỏ, mang tính chất duy trì sản xuất của doanh nghiệp. Đại diện Vinapaco cho biết, không phải chỉ riêng năm 2017 Tổng công ty có ít dự án đầu tư mới mà tình trạng này đã diễn ra nhiều năm trước đó. Nguyên nhân chính là Tổng công ty gặp khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư do vướng mắc trong giải quyết tồn tại ở Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam sau nhiều năm đầu tư nhưng không thể đưa vào sản xuất. Vì thế, gần như hoạt động sản xuất thời gian qua của Vinapaco chỉ mang tính chất duy trì.

Tập đoàn Công nghiệp Cao Su Việt Nam (VRG) cho biết, trong năm 2017, do giá mủ cao su vẫn duy trì ở mức thấp nên hầu hết các đơn vị thành viên ngành cao su của Tập đoàn gặp nhiều khó khăn. Từ đó, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên cắt giảm chi phí đầu tư, chỉ đầu tư những hạng mục công trình cần thiết để đảm bảo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình trạng khó khăn như hiện nay. Do vậy, số lượng gói thầu của Tập đoàn trong năm 2017 tuy có nhiều hơn gần 40% so với năm 2016, nhưng tổng giá gói thầu thực hiện chỉ bằng 95% so với năm 2016.

Tỷ lệ gói thầu đấu thầu qua mạng quá thấp

 

 EVN là một trong số ít doanh nghiệp nhà nước tích cực áp dụng đấu thầu qua mạng. Ảnh: Gia Khoa
EVN là một trong số ít doanh nghiệp nhà nước tích cực áp dụng đấu thầu qua mạng. Ảnh: Gia Khoa)

Cũng thông qua báo cáo công tác đấu thầu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có thể nhận xét, việc áp dụng đấu thầu qua mạng (ĐTQM) vẫn còn xa lạ đối với hầu hết các doanh nghiệp này. Ngay như tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) - năm 2017 thực hiện khoảng 320 gói thầu nhưng chủ yếu áp dụng theo hình thức đấu thầu truyền thống. “Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên chưa thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng”, Vinachem khẳng định. Tại Vinafood 1, cả năm 2017 ĐTQM duy nhất 01 gói thầu.

Năm qua, VRG đã phát hành văn bản khuyến nghị các công ty thành viên, ban quản lý dự án của Tập đoàn thực hiện thí điểm ĐTQM. Tuy nhiên, do mới triển khai áp dụng ĐTQM, các cán bộ, nhân viên chưa được đào tạo nên các đơn vị còn lúng túng và chưa triển khai ĐTQM. Tập đoàn sẽ tiếp tục có văn bản chỉ đạo và đề nghị các đơn vị thành viên nghiêm túc thực hiện ĐTQM theo lộ trình đã quy định.

Duy chỉ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thêm nhiều bước tiến mới trong việc áp dụng ĐTQM. Kế tiếp các kết quả đạt được trong giai đoạn thí điểm 2009 - 2011 và 2012 - 2015, trong năm 2017, hầu hết các đơn vị của EVN đã tích cực tham gia ĐTQM, với tỷ lệ tiết kiệm cao.

Trong lĩnh vực đầu tư, năm 2017, EVN thực hiện 1.742 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu khoảng 2.500 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm khoảng 14%.

Theo Báo Đấu thầu

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin