Doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế

Diễn đàn nhằm khai thác tối đa trí tuệ, sức sáng tạo to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân trong việc đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế.

Diễn đàn Doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế với sự tham gia của hơn 300 đại biểu
Diễn đàn Doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế với sự tham gia của hơn 300 đại biểu)

Sáng 19/12 tại Trung tâm hội nghị Quốc tế đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế do Ban Kinh tế Trung ương và Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đồng tổ chức. Diễn đàn có sự tham gia của hơn 300 đại biểu doanh nhân trên cả nước, đại diện các ban, bộ ngành.

Diễn đàn nhằm khai thác tối đa trí tuệ, sức sáng tạo to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân trong việc đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 11-NQ/TW) và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 10-NQ/TW), trực tiếp tham gia cùng với Đảng và Nhà nước trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, phản ánh các vấn đề ách tắc, vướng mắc và đề xuất, góp ý với Đảng và Nhà nước về các giải pháp.

Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, có thể nói đây là một đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt của những "chiến sỹ" trên mặt trận kinh tế, hội nghị Diên Hồng của doanh nhân tư nhân Việt Nam nhằm phát huy trí tuệ, khơi dậy sức sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với đất nước, góp phần triển khai định hướng của Đảng và Nhà nước nhất là Nghị quyết 10, Hội nghị TW5, Ban chấp hành Trung ương khóa 12.

 PGS. TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam
PGS. TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam)

Cho đến nay, cuộc vận động doanh nghiệp doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện chính sách kinh tế do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy giới Doanh nghiệp Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đã phát động hơn 3 tháng nay, cuộc vận động thu hút sự ủng hộ tích cực của các doanh nghiệp, doanh nhân trên mọi miền đất nước, trong đó có sự tham gia hết sức quan trọng của cộng đồng doanh nghiêp doanh nhân tư nhân và các chi hội, hội viên thuộc Hội Doanh nghiệp Doanh nhân Việt Nam.

Là một hoạt động dấu ấn hết sức quan trọng trong cuộc vận đông này, chỉ trong hơn 2 tuần triển khai tổ chức diễn đàn nhận được hơn 100 bài tham luận của doanh nghiệp doanh nhân trong và ngoài nước với đầy tâm huyết.

"Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân luôn ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, chấn hưng dân tộc trong sự nghiệp đổi mới. Đội ngũ doanh nhân, tư nhân cũng luôn phát huy trí tuệ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần tự lực tự cường, đổi mới sáng tạo, vượt khó vươn lên, kinh doanh thành công góp phần làm cho đất nước cường thịnh

Chính vì thế cộng đồng doanh nhân tư nhân luôn khát khao góp ý kiến kế với Đảng, Nhà nước, đồng thời cũng luôn mong muốn Đảng và Nhà nước lắng nghe, thấu hiểu, hoàn thiện cơ chế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", ông Điều nói.

Diễn đàn có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương)

11:15 Phát biểu bế mạc diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, diễn đàn hôm nay thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với phát triển kinh tế tư nhân. “Hôm nay chúng tôi hết sức phấn khởi với sự tham gia của đông đảo thành phần, không chỉ có đại diện tham mưu của Đảng, của Quốc hội, các bộ, ban, ngành mà còn của rất nhiều doanh nhân từ nhiều ngành nghề khác nhau của Việt Nam”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho biết, các tham luận ngày hôm nay đã đưa ra nhiều đóng góp đối với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Bên cạnh đó, tất cả các phát biểu cũng chỉ ra còn có những ách tắc, vướng mắc, bất cập của cơ chế quản lý, chưa được tháo gỡ kịp thời.

Thay mặt ban tổ chức ông cảm ơn những đóng góp của các diễn giả, các doanh nhân trong diễn đàn hôm nay.

Chính phủ nên khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển quốc gia số

Ông Nguyễn Thành Lưu, Trưởng ban Marketing truyền thông Tập đoàn CMC
Ông Nguyễn Thành Lưu, Trưởng ban Marketing truyền thông Tập đoàn CMC)

11:00 Ông Nguyễn Thành Lưu, Trưởng ban Marketing truyền thông của tập đoàn CMC cho biết, công nghệ thông tin luôn là ngành phát triển nhanh và đóng góp không nhỏ cho kinh tế Việt Nam. Theo quy hoạch phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2020, công nghệ thông tin được coi như mũi nhọn để chúng ta hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thay mặt CMC, ông Lưu đưa ra đề xuất Chính phủ nên khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển quốc gia số, qua đó phát triển công nghệ số, giúp doanh nghiệp có khả năng tham gia vào mảng sản xuất và phát triển khu vực và toàn cầu. Xây dựng chính sách phát triển ngành công nghệ thông tin Việt Nam

Xây dựng chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm của Việt Nam, người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Chính phủ nên tạo hành lang pháp lý để hình thành các tổ chức cung cấp dịch vụ trong quá trình triển khai thực hiện chính phủ điện tử, xây dựng chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước cho các công trình, hệ thống công nghệ thông tin của Đảng và Nhà nước.

Chính phủ nên xây dựng cơ chế đầu tư phát triển ngành công nghệ thông tin Việt Nam, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tiếp tục tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác cơ hội mở rộng ra thị trường quốc tế như Nhật, Hàn Quốc, tạo điều kiện đưa Việt Nam thành digital hub của khu vực.

Trong lộ trình xây dựng quốc gia số phải có hạ tầng số mới xây dựng được, Chính phủ cần khuyến khích phát triển nhanh hạ tầng số, xây dựng trung tâm dữ liệu thành phố thông minh.

Nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam đang đặt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái số, phát triển Việt Nam thành trung tâm số (digital hub).

CMC đề xuất Chính phủ cho phép các công ty công nghệ thuộc CMC thực hiện các dự án lớn. Chúng tôi tán thành quan điểm của bà Nga, Chủ tịch BRG trong việc đặt kinh tế tư nhân thành trụ cột của kinh tế quốc gia, doanh nghiệp tư nhân đóng góp nhiều hơn nữa trong quá trình phát triển.

Sự nghiêm minh của pháp luật giúp các doanh nghiệp yên tâm phát triển

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Tổng giám đốc Trung Nguyên International
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Tổng giám đốc Trung Nguyên International)

10:45 Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Tổng giám đốc Trung Nguyên International, nhà sáng lập thương hiệu King Coffee, doanh nhân đã cống hiến hơn 25 năm trong ngành cà phê Việt Nam và là đại diện một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành cà phê Việt Nam đã có những chia sẻ tại diễn đàn.

Theo bà Thảo, trong quá trình đất nước phát triển cần sự đóng góp không nhỏ của doanh nhân. Doanh nhân, doanh nghiệp nào cũng mong có nền tảng pháp luật nghiêm minh hỗ trợ. “Thương trường vất vả, các doanh nhân phải ngày đêm chiến đấu, nỗ lực để phát triển doanh nghiệp, làm giàu cho gia đình cũng là làm giàu cho đất nước. Sự nghiêm minh của pháp luật giúp các doanh nghiệp yên tâm phát triển”, bà nói.

Bà Thảo cho rằng, để có thể phát triển vững mạnh các doanh nhân cần có sự gia nhập quốc tế. "Trong hơn 25 trong ngành cà phê, tôi luôn trăn trở làm gì để có thể có được chỗ đứng trên thị trường, ở thị trường Việt Nam đồng thời tìm kiếm cơ hội phát triển ra thị trường quốc tế", bà nói thêm.

"Trong hơn 25 năm qua, tôi đã đi qua 43 nước và tham dự hàng trăm hội nghị quốc tế với mong muốn có thể quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam ra khắp thế giới.

Trong quá trình đó, tôi nhận thấy mình phải nỗ lực gấp 5-10 lần so với các doanh nghiệp các nước khác. Tôi xác định đó là việc phải làm để đạt được thành tựu như ngày nay", bà Thảo cho biết.

Cũng theo bà Thảo, trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam xuất khẩu cà phê nguyên liệu xếp thứ hai thế giới nhưng giá trị mà Việt Nam nhận được chưa đáng kể. Do đó theo bà, khi xây dựng nhiều thương hiệu cà phê ở Việt Nam và phát triển ra toàn cầu chúng ta sẽ tham gia sâu, đồng bộ, toàn diện vào 98% giá trị toàn cầu còn lại của ngành cà phê.

"Riêng với Trung nguyên, G7 chúng tôi đã có những dấu ấn nhất định ở Việt Nam và thế giới. King Coffe ra đời năm 2016, trong ba năm chúng tôi cũng đã có chuỗi phân phối sắp 63 tỉnh thành và xuất khẩu ra hơn 60 nước trên thế giới, cũng như phát triển chuỗi cửa hàng cà phê trên cả nước. Gần đây nhất chúng tôi mới mở cửa hàng đầu tiên tại Hàn Quốc và sẽ mở rộng ra 1.000 cửa hàng tại Hàn Quốc trong thời gian tới", bà Thảo cho biết thêm.

Tại Việt Nam, người dân mới tiêu thụ 1,48kg cà phê/người trong khi Hàn Quốc tới 4,8kg/người nên còn rất nhiều tiềm năng để mở rộng tiêu thụ cà phê tại thị trường nội địa.

Bà Thảo cho biết, nếu như truyền thông đưa thông tin không đúng như vụ cà phê pin, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành cà phê.

"Một doanh nghiệp bất kể lớn hay nhỏ đều cố gắng để phụng sự trở lại cho cộng đồng. Chúng tôi có dự án hỗ trợ người nông dân về an ninh nguyên liệu ngành cà phê, cũng như giúp cho doanh nghiệp của mình để phát triển cà phê organic để đưa ra thị trường quốc tế", bà nói.

"Là người Việt Nam, tôi luôn mong muốn giúp sức cho ngành cà phê Việt Nam, và giúp được nhiều hơn cho đất nước. Mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là tăng cường sự nghiêm minh của pháp luật để bảo vệ cho doanh nghiệp yên tâm phát triển trong nước cũng như vươn tầm quốc tế", bà nói thêm.

Cải cách cơ chế quản trị quốc gia vô cùng quan trọng

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công Thương)
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công Thương))

10:30 Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2014, dưới thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có Nghị quyết 19, nghị quyết này rất khác nghị quyết cải cách hành chính 10 năm trước đó ở chỗ nó đưa ra được tiêu chí đo lường cụ thể.

Tôi cũng đã đề xuất chúng ta phải đưa ra được diễn biến cải cách hành chính cụ thể, ban đầu chúng ta cần đạt được mức trung bình của ASEAN 6. Từ năm 2014 đến nay, đều có nghị quyết 19 ban hành qua các năm, môi trường kinh doanh của chúng ta đã cải thiện. Năm 2019 này, năng lực cạnh tranh quốc gia đã tăng 10 bậc.

Tuy nhiên, môi trường kinh doanh luôn bị hạn chế bởi thể chế, chính thể chế tạo ra khuôn khổ và giới hạn của cải cách môi trường kinh doanh. Chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp và giờ chúng ta phải đi xa hơn, thế nhưng cải cách cái gì tập trung vào đâu hiện chưa rõ.

Cải cách thể chế cần phải tập trung vào: Cải cách chế độ sở hữu, một là chế độ hạn điền của Luật Đất đai, không tạo được khu vực sản xuất lớn, hình thành chuỗi giá trị; Doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng hơn 30% GDP và trong nhiều lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước vẫn độc quyền, điều này hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.

Cần phải điều chỉnh lại hạn điền, để hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp, nông dân góp vốn bằng đất bằng tiền, thu lợi tức từ phần góp vốn của mình. Cần phải cải cách rất mạnh doanh nghiệp nhà nước. Cải cách cơ chế quản trị quốc gia cũng vô cùng quan trọng. Theo quan điểm của tôi, tổ chức là sự sáp nhập và hình thành yếu tố hình thể, tổ chức như một cơ thể sống, tổ chức là đường dẫn cơ chế chính sách từ nhà nước đến người dân và doanh nghiệp. Cơ chế quản trị quốc gia trong đó có bộ máy tổ chức cực kỳ quan trọng. Tôi mong rằng chúng ta sẽ làm điều này rất nghiêm túc. Nghiên cứu lịch sử phát triển quốc gia, thời đại nào giải quyết tốt nhất những vấn đề này đều phát triển hùng mạnh.

Đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế chia sẻ

Ông Phan Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Xây dựng Gia Thy
Ông Phan Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Xây dựng Gia Thy)

10:10 Ông Phan Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Xây dựng Gia Thy đã có những chia sẻ về mô hình kinh tế chia sẻ.

Theo ông Tuấn, kinh tế số đang ngày càng thâm nhập vào cuộc sống của nhiều người. Chính phủ cũng đã các chính sách để thúc đẩy đồng thời quản lý mô hình kinh tế chia sẻ.

“Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế 4.0 và nó đang có tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế. Do đó để thúc đẩy kinh tế chia sẻ, tăng tính hiệu quả của mô hình này, về mặt nhà nước cần xây dựng mô hình dữ liệu quốc gia, big data để khuyến khích các doanh nghiệp cùng đầu tư phát triển”, ông nói.

Bên cạnh đó, cần tận dụng các nguồn lực tài sản công để phát triển kinh tế chia sẻ.

Thứ nữa, về hệ thống luật, cần đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế chia sẻ, nếu cần có thể học tập kinh nghiệm làm luật của các nước phát triển, nơi mà nền kinh tế chia sẻ đang phát triển mạnh.

Ngoài ra, kinh tế chia sẻ phát triển cũng nảy sinh nhiều các chiêu thức trốn thuế nên cần hoàn thiện khung chính sách thuế phù hợp để tránh thất thoát ngân sách nhà nước.

Cũng theo ông Tuấn, cần có quỹ riêng để đào tạo nhân lực. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để phát triển kinh tế chia sẻ. Trong tương lai khi công nghệ càng phát triển sẽ làm dôi dư một lực lượng lao động, nên cần tái đào tạo lực lượng này.

Song song đó, cần thúc đẩy các loại hình thanh toán sử dụng công nghệ hiện đại, có chính sách khuyến khích fintech phát triển. Để bắt kịp thế giới, nên học tập các mô hình của các nước phát triển.

Chính phủ phải xác định muốn phát triển ngành dệt may ở quy mô nào

Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP.HCM
Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP.HCM)

9:55 Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP.HCM cho biết, hàng năm doanh nghiệp của ông tiêu thụ sản phẩm tại Nhật, Hàn Quốc, EU, thị trường Mỹ và cuối cùng đến thị trường Việt Nam.

Năm 2019, mặc dù chịu nhiều tác động lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt nhờ nhiều chương trình kích cầu và hỗ trợ, các hiệp định thương mại đã ký kết, các chương trình hỗ trợ kinh doanh của Bộ Công Thương. 10 tháng qua, kim ngạch của chúng ta vượt kỳ vọng, đạt 27 tỷ USD và tính cả năm sẽ đạt 39 tỷ USD-40 tỷ USD kỳ vọng. Chúng tôi vẫn nằm trong top 5 các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, Hội Dệt may TP.HCM có kiến nghị sau:

Cạnh tranh chi phí nhân công và chi phí sản xuất cao, các chi phí này tại Việt Nam cao so với các nước trong khu vực. Hiện nay lợi thế chi phí lao động của Việt Nam không còn khi mà nhiều nước trong khu vực như Campuchia, Bangladesh, Indonesia có giá nhân công chỉ bằng 60-70% của ngành dệt may Việt Nam.

Ngoài ra, để thu hút đơn hàng, các nước trong khu vực có nhiều chính sách hỗ trợ, giảm nhiều loại thuế, hỗ trợ công nghệ đầu tư 4.0, nguy cơ mất đơn hàng của ngành dệt may Việt Nam rất cao. Vừa rồi chúng tôi có tìm hiểu về ngành dệt may Bangladesh, ví dụ một cái máy dệt có giá khoảng 400 nghìn euro, trong hội thảo, chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp luôn 200 nghìn euro.

Hiện nay chúng tôi không chủ động được nguyên phụ liệu. Nguyên phụ liệu cho ngành dệt may Việt Nam có đến 80% nhập khẩu. Nhưng với các hiệp định thương mại đã ký, doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện nghiêm các quy định về nguồn gốc xuất xứ.

Báo cáo gần đây cho thấy ngành dệt may Việt Nam nhập 90% nguyên liệu bông; 100% sơ xợi tổng hợp từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc đây là những thị trường không tham gia CPTPP vì thế nếu tiếp tục duy trì nhập từ đây sẽ không thể hưởng được các ưu đãi thuế quan đã ký.

Điều này gây ảnh hưởng đến giá và dẫn tới tỷ suất lợi nhuận của ngành dệt may Việt Nam rất thấp, nếu không có chính sách hỗ trợ, tỷ suất lợi nhuận có thể giảm và bằng 0.

Trước xu thế của cuộc cách mạng 4.0 trình độ công nghệ phát triển nhanh. Theo báo cáo mới đây của Tổ chức lao động quốc tế, công nghệ có thể thay thế đến 80% nhân công, cùng với mất lợi thế về lao động giá rẻ. Việt Nam còn đối diện nguy cơ nhiều nước sản xuất cùng mặt hàng này như Mỹ, châu Âu cũng phát triển mạnh trong mảng này.

Nguồn vốn và mặt bằng: Hiện nay điểm nghẽn của ngành là phụ trợ. Doanh nghiệp Việt Nam cần sự hỗ trợ của nhà nước để áp dụng công nghệ tốt, không xả thải ra môi trường. Chúng tôi là công ty ứng dụng công nghệ 3.5 từ năm 2018.

Công nghệ giờ đã thay đổi rất nhiều. Công nghệ ozon, lấy ô-xi bình thường, không xả thải ra môi trường. Công nghệ nano, công nghệ wap của Ý dùng để phun lên. Công nghệ in móc của Nhật, công nghệ in phun ra rất nhiều màu, công nghệ này đang được tối ưu sử dụng trong ngành dệt may.

Giá trị của công nghệ cao là sản phẩm chất lượng, người dân tiêu dùng EU chỉ đón nhận sản phẩm làm từ công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, họ sẽ không chịu sử dụng sản phẩm mà chúng ta làm với công nghệ như bây giờ.

Doanh nghiệp dệt may thường chỉ chú trọng đến khâu sản xuất mà không chú trọng đến thị trường nội địa. Hiện nay hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng được gắn mác hàng Việt.

Hội dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh đưa ra những kiến nghị sau: Chính phủ cần xác định rõ Chính phủ muốn phát triển ngành dệt may ở quy mô nào; xác định rõ các đối thủ cạnh tranh để có chính sách cho phù hợp; Chính phủ cần cải tiến thủ tục hành chính, đặc biệt thủ tục phi thuế quan, cấp phép các dự án đầu tư lớn có trình độ công nghệ cao; cần quy hoạch lại khu công nghiệp có nhà máy xử lý thải và nhà máy sản xuất sản phẩm hỗ trợ.

Chính phủ cần hỗ trợ tài chính cho các trường đại học, trung tâm nghề nhằm đào tạo nhân lực công nghệ cao. Hiện nay chúng tôi có trường Vinatex của ngành dệt may. Nhưng dù vậy vẫn còn hạn chế; Cần quan tâm đến tiền lương của người lao động nhưng vẫn phải có lộ trình nhằm đảm bảo sức chịu đựng cho doanh nghiệp;

Để có đất nước mạnh phải có doanh nghiệp mạnh, để có doanh nghiệp mạnh phải có thương hiệu mạnh. Chúng tôi sẽ thành lập trung tâm nguyên phụ liệu của ngành Việt Nam, trung tâm này cần đến hỗ trợ của nhà nước về thuế, đất đai, hạ tầng có 4 chức năng: đào tạo nguồn nhân lực thiết kế, trưng bày nguyên phụ liệu; tiêu thụ sản phẩm; triển lãm cho ngành thời trang, triển lãm cho ngành dệt may.

Khuyến khích cạnh tranh, lấy đổi mới sáng tạo là nền tảng phát triển

GS. TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)
GS. TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE))

9:30 GS. TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, còn một số vấn đề quan trọng cần tập trung trong bối cảnh Việt Nam sắp khép lại năm 2019, chuẩn bị kế hoạch kinh tế cho giai đoạn 2020-2025 và dự kiến trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 với thu nhập bình quân đầu người 10.000 USD.

Tham luận của ông chủ yếu tập trung vào các tập đoàn kinh tế, và đưa ra một số giải pháp để khuyến khích phát triển tập đoàn kinh tế. “Chúng ta đã có luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên rất cần có khung pháp lý hỗ trợ tập đoàn kinh tế tế”, ông nói.

Tại Mỹ, các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Apple, Google, Micrsoft, Facebook,… là biểu tượng của nền kinh tế số và đã có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế nước này. Sự tăng trưởng thần kỳ của kinh tế Nhật Bản trong thập niên 60-80 cũng có sự đóng góp lớn của các tập đoàn kinh tế như Honda, Toyota, Mitsubishi,… Tương tự, tại Hàn Quốc các chaebol như Samsung, Hyundai, LG,… cũng có những đóng góp lớn cho nền kinh tế, trong đó Samsung đóng góp tới 20% kim ngạch xuất khẩu.

Có thể thấy, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã trở thành những nền kinh tế phát triển của thế giới phần lớn là nhờ có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Tại Việt Nam, cùng với sự đổi mới chính sách kinh tế, ngày càng có nhiều các tập đoàn kinh tế hình thành trong đó đã có những tập đoàn kinh tế lớn vươn tầm khu vực.
Tuy nhiên, nếu như tại Mỹ, kinh tế số là động lực phát triển thì tại Việt Nam trong số những ngành mà các tập đoàn kinh tế lớn phát triển, công nghệ tin học mới chỉ chiếm 9,2%. Đa phần các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam chủ yếu là lớn mạnh nhờ bất động sản và một số lĩnh vực khác.

Theo GS. TS Nguyễn Mại, không thể phủ nhận rằng Việt Nam ngày càng có nhiều doanh tư nhân có năng lực thực hiện các dự án lớn. Chẳng hạn như Tập đoàn Đèo Cả đã thi công nhiều dự án giao thông trọng điểm của đất nước hay Tập đoàn Vingroup gần đây đang tập trung cho công nghiệp ô tô, điện thoại bên cạnh phát triển bất động sản, để xuất khẩu các sản phẩm công nghệ ra thế giới.

VietJet là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam phát triển theo mô hình hàng không thế hệ mới, hay TH True Milk phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa, trở thành tập đoàn kinh doanh đa ngành, đầu tư cả vào giáo dục. Tập đoàn FPT từ nền tảng công ty phần mềm đã phát triển thành tập đoàn kinh doanh đa ngành. Thaco cũng từ doanh nghiệp nhỏ trở thành tập đoàn sản xuất và kinh doanh ô tô lớn của đất nước,…

Từ thực tiễn trên, GS. TS. Nguyễn Mại cho rằng để tập đoàn kinh tế phát triển cần chú trọng vào một số vấn đề.

Thứ nhất, là hình thành mô hình tập đoàn kinh tế, tập hợp nhiều thành viên, công ty mẹ là hạt nhân liên kết các công ty con. Để tập đoàn mới hình thành nên có cấu trúc đa dạng, cần học tập kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam để khuyến khích phát triển, có chiến lược kinh doanh toàn cầu, có quy mô, có khả năng cạnh tranh.

Thứ hai, tập đoàn kinh tế có thể tạo ra sự độc quyền, Chính phủ cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, chẳng hạn, luật chống độc quyền của Mỹ.

Thứ ba, cần phát triển chiến lược thương hiệu để hình thành nhiều tập đoàn có uy tín trong nước và quốc tế.

Thứ tư, cần hỗ trợ tập đoàn tích lũy vốn, cần có nhiều phương thức để huy động vốn, nhà nước cần hoàn thiện thể chế để các doanh nghiệp tư nhân huy động vốn.

Thứ năm, đầu tư cho công nghệ và nguồn nhân lực. Tập đoàn kinh tế cần đầu tư cho phát triển công nghệ và nguồn nhân lực để mở rông quy mô và uy tín của doanh nghiệp. Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Áp dụng các chính sách đơn giản để doanh nghiệp tiếp cận được các quỹ. Xây dựng nhiều trường đào tạo về quản trị để đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Thứ sáu, hình thành kinh tế chuỗi. Chuỗi cung ứng xanh thay đổi cách làm việc của các doanh nghiệp, hướng tới công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý để doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo các cơ hội hợp tác để các doanh nghiệp có cơ hội vươn ra hoạt động ở nước ngoài.
Cuối cùng theo ông Mại, cạnh tranh và hợp tác là hai mặt của kinh tế thị trường. Cần khuyến khích cạnh tranh, lấy đổi mới sáng tạo là nền tảng phát triển kinh tế, vì dân giàu nước mạnh.

Doanh nghiệp Việt Nam cần đi tiên phong trong chuyển đổi số

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng LienvietPostBank
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng LienvietPostBank)

9:15 Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng LienvietPostBank cho biết, tất cả các nước trên thế giới đang bước vào cuộc cạnh tranh 4.0 trọng tâm là nền kinh tế số để xây dựng xã hội số, chính phủ số, công dân số. Cần đến thay đổi tất cả toàn diện khía cạnh của doanh nghiệp quốc gia trên thế giới, tạo cơ hội cho doanh nghiệp cá nhân trên thế giới, ai có chiến lược tốt hơn, chạy nhanh hơn sẽ về đích sớm hơn.

Ông Thắng dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng cuộc cách mạng 4.0 mang đến cơ hội cho Việt Nam thay đổi, thực hiện khát vọng phồn vinh. Để hiện thực được khát vọng bước lên con tàu 4.0 hội nhập kinh tế cần đến 3 thành tố.

Một là thể chế, nền tảng kiến tạo sự đổi mới. Thứ hai, chúng ta cần công nghệ, đổi mới sáng tạo, cải tiến ứng dụng sử dụng công nghệ cao. Thứ ba là con người, thành tố này bao gồm vai trò tiên quyết của doanh nghiệp Việt Nam.

"Chuyển đổi số là quá trình dài, nhanh lại chậm, thành công hay thất bại cần đến vai trò, sự quyết tâm của người đứng đầu. Chuyển đổi số Việt Nam muốn thành công được thì vai trò, trách nhiệm, quyết tâm quyết liệt của Đảng, Chính phủ, theo tôi đó là điều kiện tiên quyết", ông Thắng nói.

Để chuyển đổi số, ông Thắng cho rằng, cần phải đáp ứng một tập các điều kiện: chúng ta có muốn làm không; cần đến sự khát vọng như Thủ tướng đã nói là phải lao vào mà làm, vừa làm vừa điều chỉnh, chỉnh sửa; và cuối cùng điều kiện quy ra là có tiền hay không.

Để ưu tiên chuyển đổi số thì cứ ngành nào đáp ứng các điều kiện trên ta ưu tiên chuyển đối số trước.

Doanh nghiệp tư nhân đủ điều kiện bước vào chuyển đổi số quốc gia với điều kiện: Doanh nghiệp luôn cảm thấy chuyển đổi số là điều kiện sống còn của doanh nghiệp; doanh nghiệp phải sử dụng nguồn lực để đổi mới sáng tạo; doanh nghiệp đi đầu tạo ra công nghệ, làm ra sản phẩm hàng hóa.

Lãnh đạo LienvietPostBank đặt vấn đề Doanh nghiệp Việt Nam cần gì để tiên phong chuyển đổi số và cho biết, cơ hội và lợi thế cũng nằm trong cơ hội và lợi thế của Việt Nam nói chung.

Doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế là phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đầu tư nhiều vào công nghệ nên có thể đẩu tư ngay công nghệ mới.

Cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, thử nghiệm doanh nghiệp, sản phẩm mới. Cần có doanh nghiệp công nghệ lớn để tạo điều kiện chuyển đổi công nghệ.

Tạo ra những nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp giảm rủi ro cho doanh nghiệp. Tạo ra những nền cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung có phân quyền để hỗ trợ cho chuyển đổi số.

Nhà nước phải có chính sách cung ứng nguồn nhân lực công nghệ cao cho chuyển đổi số, cần có sự tư vấn hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp. Tuyên truyền tốt để giúp doanh nghiệp hiểu được lợi ích của quá trình chuyển đổi số

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 300 đại biểu
Diễn đàn có sự tham gia của hơn 300 đại biểu)

Phòng ngừa rủi ro và chiến lược phát triển, rủi ro về công nghệ, rủi ro về đầu tư, nguồn lực tài chính, pháp lý, vận hành thị trường, con người. Lĩnh vực tài chính ngân hàng có thể thực hiện được chuyển đổi số. Chuyển đổi số ngân hàng tác động ngay trực tiếp đến quy luật hàng - tiền, tín dụng thanh toán sản xuất.

Với ngân hàng, có thể thực hiên ngay và tác động lan truyền. Ngân hàng thử nghiệm phát triển dịch vụ nạp tiền mọi lúc mọi nơi để người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng và thanh toán mọi lúc mọi nơi.

Về thanh toán thẻ ngân hàng số, phát triển hệ thống thẻ ngân hàng số, kiều hối online. Ngân hàng xây dựng hệ thống kết nối thanh toán điện tử. Có chính sách hỗ trợ ngân hàng thanh toán điện tử, đẩy mạnh tín dụng và giảm tín dụng đen.

"Doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức được cơ hội chuyển đổi số, thay đổi mình để xây dựng Việt Nam hùng cường", ông Thắng kết luận bài tham luận.

Cần đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các thành phần kinh tế

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG)

9:00 Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho biết, BRG là tập đoàn kinh doanh đa ngành với gần 30 năm hoạt động đầu tư kinh doanh với đội ngũ nhân viên gần 22.000 người.

Hiến kế cho diễn đàn, bà Nga cho rằng cần xây dựng, phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn thế mạnh của quốc gia. Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động cần tập trung phát triển kinh tế mũi nhọn, tập trung vào hai cơ sở: hình thành trung tâm tài chính khu vực, sản xuất công nghiệp cần tận dụng cơ hội chuyển dịch dòng vốn đầu tư do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch vừa thu hút du khách phổ thông vừa thu hút khách cao cấp. Hiện nay, du lịch nước ta vẫn chủ yếu thu hút du khách phổ thông và đang dần chuyển dịch sang thu hút thêm phân khúc cao cấp. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch cao cấp. Chúng ta cần có chiến lược ở tầm quốc gia để đầu tư cơ sở hạ tầng, có ngân sách để đầu tư hệ thống cơ sở đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đầu tư phát triển các hạ tầng du lịch cao cấp như sân golf, casino, resort, tổ chức các festival… để phục vụ phân khúc khách du lịch cao cấp.

Bà Nga ví dụ, mới đây có một đám cưới của cặp đôi Ấn Độ tổ chức tại Đà Nẵng có tới 150 đầu bếp, và rất nhiều chuyên cơ. Đây là đám cưới lớn nhất mà bà từng thấy.
"Việc ngày càng có nhiều du khách tổ chức đám cưới tại Việt Nam chứng tỏ danh tiếng của du lịch Việt Nam ngày càng tăng. Cho nên Việt Nam cần đẩy mạnh quảng bá và đầu tư cho phát triển di lịch. Đồng thời nên xác định làm du lịch vì danh tiếng chứ không chỉ vì lợi nhuận", bà Nga nói.

Ngoài ra, cần phát triển thêm các mô hình cửa hàng miễn thuế, đặc biệt là tại các sân bay để khuyến khích các du khách quốc tế chi tiêu. Điều này, Việt Nam có thể học tập Nhật Bản, Hàn Quốc… các quốc gia rất thành công với mô hình cửa hàng miễn thuế.

Bên cạnh đó, theo bà Nga, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, hình thành các vùng chuyên canh chế biến.

Để nền kinh tế tư nhân phát triển, bà Nga cho rằng ngoài các chính sách vĩ mô, cần đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các thành phần kinh tế, cần có chính sách cụ thể để các thành phần kinh tế nhận được những ưu đãi công bằng, không quá ưu tiên cho doanh nhân FDI. Tăng cường bảo hộ cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp có đóng gớp lớn tạo thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Bên cạnh đó, cần cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các lĩnh vực mà Nhà nước vẫn độc quyền như đường sắt, truyền tải điện và hạ tầng hàng không…

“Doanh nghiệp tư nhân có đủ kinh nghiệm, nguồn lực dồi dào, có thể vận hành linh hoạt để phát triển các dự án lớn, giúp Chính phủ hạn chế nợ công đồng thời tận dụng được nguồn vốn tư nhân và vốn FDI”, bà Nga nói.

Từ đó, bà Nga cho rằng, Chính phủ nên có các ưu đãi cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có nhiều đóng góp cho nền kinh tế.

Với nền kinh tế số, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích phát triển để theo kịp xu hướng của thế giới.

Ngoài ra, theo bà Nga, Chính phủ cẩn đẩy mạnh đơn giản hóa tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đồng thời tránh các tiêu cực, nhũng nhiễu.

Theo bizlive.vn

Nguồn bài viết: https://bizlive.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-doanh-nhan-tu-nhan-hien-ke-hoan-thien-co-che-chinh-sach-phat-trien-kinh-te-3530626.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin