Nguồn tin từ Kiểm toán Nhà nước cho biết, đối với dự án Đạm Ninh Bình, hiện không có đủ căn cứ, cơ sở để thực hiện việc kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành mà chỉ có thể kiểm toán tuân thủ đối với Dự án.
Liên quan tới vụ việc mới đây Thanh tra Chính phủ yêu cầu điều tra mở rộng dự án Đạm Ninh Bình, trong đó Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán toàn diện Dự án và giao Bộ Công an tiến hành điều tra, xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo nguồn tin từ Kiểm toán Nhà nước cho biết, hiện không có đủ căn cứ, cơ sở để thực hiện việc kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành mà chỉ có thể kiểm toán tuân thủ đối với Dự án.
Tuy nhiên, nội dung này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Bộ Công an đã có văn bản đề nghị cung cấp tài liệu trong quá trình hồ sơ, tài liệu liên quan.
Do đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thực hiện việc quyết toán Dự án theo đúng qui định của Nhà nước.
"Sau khi hồ sơ quyết toán đảm bảo, Kiểm toán nhà nước sẽ kịp thời tiến hành kiểm toán", Kiểm toán Nhà nước cho biết.
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng mức đầu tư là 667 triệu USD, công suất thiết kế 560.000 tấn Urê/năm, được xây dựng tại Khu công nghiệp Khánh Phú, tỉnh Ninh Bình, do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư và Tổng công ty Thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC.
Đây là dự án lớn nhất của Vinachem, do tập đoàn sở hữu 100% nhưng vốn tự có chỉ 100 triệu USD, còn lại Eximbank Trung Quốc cho vay 250 triệu USD, lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm, với điều kiện phải ký hợp đồng với nhà thầu Hoàn Cầu của Trung Quốc.
Dự án được khởi công ngày 10/5/2008, nhà thầu EPC bàn giao quyền chỉ huy Nhà máy cho Ban quản lý dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình ngày 23/9/2012. Tuy nhiên ngay khi đi vào vận hành, doanh nghiệp đã lỗ 75 tỷ đồng và lũy kế trong 4 năm liên tiếp (2012 - 2016) lỗ gần 3.100 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ nghìn tỷ được lãnh đạo nhà máy lý giải là chi phí sản xuất cao hơn giá thành, hàng tồn kho lớn trong khi giá urê trên thị trường lao dốc...
Bộ Công Thương đã thanh tra kết luận chỉ ra nhiều sai phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình.
Theo Kiểm toán Nhà nước, khi khảo sát thu thập thông tin, Kiểm toán Nhà nước phát hiện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chưa thực hiện quyết toán dự án Nhà máy đạm Ninh Bình theo qui định của Nhà nước.
Theo đó, hồ sơ quyết toán Hợp đồng EPC do Ban Quản lý Dự án Đạm Ninh Bình lập chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quyết toán Hợp đồng EPC còn thiếu các yêu cầu thanh toán của nhà thầu, hóa đơn tài chính, các hồ sơ hoàn công, QC các thiết bị… do không được nhà thầu Trung Quốc cung cấp hồ sơ để thực hiện quyết toán.
Bên cạnh đó, chi phí xây dựng của gói thầu EPC không có hồ sơ hoàn công toàn bộ hạng mục, công trình; không có hồ sơ hoàn công các hạng mục thay đổi thiết kế; các hạng mục bổ sung, thay đổi chưa được phê duyệt thiết kế, dự toán điều chỉnh làm cơ sở cho việc điều chỉnh giá hợp đồng. Chi phí thiết bị của gói thầu EPC chưa đủ hồ sơ, tài liệu.
Một số thiết bị nghiệm thu tại công trường chênh lệch với kê khai hải quan nhưng chưa xác định nguyên nhân; một số thiết bị được quyết toán chi phí lắp đặt nhưng không được quyết toán chi phí mua sắm…
Chủ đầu tư và nhà thầu thi công gói thầu EPC chưa đạt được một số thỏa thuận để quyết toán, thanh lý hợp đồng EPC như: Tổng chi phí cho chạy thử vượt so với hợp đồng, tiến độ thực hiện của nhà thầu chậm so với cam kết. Ngoài ra, một số hạng mục ngoài gói thầu EPC chưa đủ hồ sơ, tài liệu để xác định chi phí đầu tư như chi phí đoàn công tác Trung Quốc dự họp với nhà thầu, chi phí lập hồ sơ yêu cầu gói thầu chi phí thăm quan nước ngoài…
Theo Dantri