Đề xuất đại biểu Quốc hội được khai thác thông tin tố cáo, khiếu nại

24/11/2021 18:39

Thanh tra Chính phủ đề xuất nhiều tổ chức, cá nhân được quyền yêu cầu cung cấp các thông tin, dữ liệu về giải quyết khiếu nại, tố cáo để phục vụ công tác.

Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh (Cơ sở dữ liệu) do Thanh tra Chính phủ chủ trì xây dựng.

Cơ sở dữ liệu là nơi tập hợp thông tin về việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như việc tiếp nhận, xử lý. Cơ sở dữ liệu được xây dựng, quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ và được tổ chức cập nhật, khai thác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố và huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố.

4-1637458665.jpeg

Thanh tra Chính phủ là đầu mối quản lý thông tin dữ liệu khiếu nại tố cáo trên toàn quốc

Theo Thanh tra Chính phủ, Cơ sở dữ liệu được xây dựng từ sau khi luật Tiếp công dân có hiệu lực và được đưa vào sử dụng từ năm 2018. Đến nay đã có 81/93 bộ, ngành, địa phương sử dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu. 12/93 bộ, ngành, địa phương chưa cập nhật các vụ việc khiếu nại, tố cáo vào hệ thống Cơ sở dữ liệu.

Tuy nhiên, việc triển khai Cơ sở dữ liệu này gặp vướng mắc do chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về việc cập nhật, duy trì, kết nối, chia sẻ và khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu, chưa có quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương phải cập nhật dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu để hình thành dữ liệu về vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thống nhất, đầy đủ từ T.Ư đến địa phương.

Ba loại vụ việc khiếu nại, tố cáo phải được cập nhật lên hệ thống

Chính vì thế, dự thảo nêu rõ nguyên tắc xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu. Theo đó, phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ thông tin cá nhân và các quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm kịp thời, đầy đủ, chính xác và đúng thẩm quyền, mục đích theo quy định của pháp luật; bảo đảm việc quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu chặt chẽ, an toàn, thông suốt.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định những hành vi bị nghiêm cấm, đó là: cập nhật thông tin, dữ liệu không đầy đủ, chính xác; làm sai lệch thông tin, thay đổi, xóa, hủy dữ liệu trái pháp luật trong Cơ sở dữ liệu...

Dự thảo Nghị định về Cơ sở dữ liệu đã đưa ra các quy định về các loại vụ việc phải được cập nhật vào hệ thống, bao gồm: việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người kiến nghị, phản ánh; việc khiếu nại có thông báo thụ lý khiếu nại, vụ việc tố cáo có quyết định thụ lý giải quyết tố cáo; vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, vụ việc đã có kết luận nội dung tố cáo kể từ ngày 15.3.2018 đến trước ngày nghị định này có hiệu lực pháp luật.

Đồng thời, Cơ sở dữ liệu cũng sẽ cập nhật thông tin vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài không thuộc trường hợp được quy định tại hai điều trên được cập nhật theo hướng dẫn, yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.

Theo dự thảo, đối với các loại vụ việc nêu trên, ngay sau khi có thông báo thụ lý, tiếp nhận thì cơ quan chức năng sẽ phải cập nhật lên hệ thống, đồng thời tiếp tục cập nhật trong quá trình tiếp công dân, xử lý khiếu nại tố cáo.

Ai có quyền khai thác cơ sở dữ liệu về khiếu nại, tố cáo?

Việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo với cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm phục vụ yêu cầu quản lý của cơ quan có thẩm quyền được thực hiện theo quy định pháp luật.

Theo dự thảo, các cơ quan có trách nhiệm cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu có quyền khai thác thông tin trên hệ thống nhưng chỉ “phân vùng” trong phạm vi cơ quan của mình.

Trong khi đó, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu trên phạm vi toàn quốc, bao gồm: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban bí thư, Phó chủ tịch nước và các Phó thủ tướng...

Tương tự, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Văn phòng T.Ư Đảng và các ban của Đảng ở T.Ư, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, Ban Dân nguyện, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu trong phạm vi toàn quốc.

Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi yêu cầu cung cấp thông tin phải bằng văn bản, trong đó xác định rõ nội dung thông tin, dữ liệu cần cung cấp và mục đích khai thác sử dụng và được giải quyết trong thời hạn 5 ngày làm việc.

Cũng theo dự thảo, cơ quan được yêu cầu cung cấp thông tin có quyền từ chối cung cấp thông tin nếu như có căn cứ cho rằng yêu cầu cung cấp là trái pháp luật, xâm phạm quy định bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật cá nhân.

Theo thanhnien.vn

Nguồn bài viết: https://thanhnien.vn/de-xuat-dai-bieu-quoc-hoi-duoc-khai-thac-thong-tin-to-cao-khieu-nai-post1403266.html

Bạn đang đọc bài viết "Đề xuất đại biểu Quốc hội được khai thác thông tin tố cáo, khiếu nại" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin