Đề xuất các khung pháp lý và chính sách ưu tiên cho phát triển trí tuệ nhân tạo

11/04/2022 10:33

Công nghiệp trí tuệ nhân tạo nói riêng và công nghệ thông tin nói chung sẽ trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng GRDP, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững.

2-1649561568.jpg
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Sáng 8/4, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “Đề xuất các khung pháp lý, tạo cơ chế và chính sách ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đang tìm giải pháp thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo hướng đến xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, đô thị sáng tạo và chương trình chuyển đổi số. Thành phố coi trí tuệ nhân tạo là công nghệ then chốt nên đang xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng, đưa AI trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển của thành phố.

Đầu năm 2021, thành phố đã phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030” (Chương trình AI) hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; đưa trí tuệ nhân tạo trở thành công nghệ then chốt phục vụ chuyển đổi số; cung cấp giải pháp thông minh cho các dịch vụ và sản phẩm thông minh.

Ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo nói riêng và công nghệ thông tin nói chung sẽ trở thành ngành kinh tế nền tảng có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng GRDP của thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc liên quan, nhất là khuôn khổ pháp lý đã ảnh hưởng đến tính khả thi, thiết thực, hiệu quả nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo.

Ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng cần có giải pháp, cách thức nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo; xây dựng và chia sẻ dữ liệu dùng chung trong phạm vi thành phố; chia sẻ nguồn lực, hợp tác trên cơ sở lợi ích kinh tế; xây dựng môi trường thử nghiệm để các đề tài, dự án thực nghiệm trước khi đưa vào ứng dụng rộng rãi.

21-1649561568.jpg

Ông Hà Thân, Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Cùng quan điểm, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, trí tuệ nhân tạo được xác định là hạt nhân giúp thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Đây là một trong những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình AI, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đề án xây dựng hạ tầng số; nghiên cứu đề xuất phương án xây dựng hạ tầng tính toán hiệu năng cao; nghiên cứu đề xuất phương án xây dựng xây dựng hạ tầng dữ liệu; xây dựng cổng thông tin giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Thành phố khảo sát nhu cầu ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo; đề xuất phương án thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển và chuyển giao trí tuệ nhân tạo; xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo tại cơ sở nghiên cứu đào tạo…

Đối với hạng mục xây dựng cơ chế, chính sách về trí tuệ nhân tạo, ông Lê Quốc Cường cho rằng cần chú trọng đến quy định, tiêu chuẩn, quy trình về công nghệ, an toàn thông tin, chia sẻ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, trách nhiệm xã hội cho các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động trong đời sống, xã hội; xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước thử nghiệm và triển khai ứng dụng AI vào sản xuất, kinh doanh; khảo sát, nghiên cứu và học tập mô hình triển khai thành công trên thế giới, từ đó đề xuất cơ chế phù hợp với địa phương.

Ông Cường cũng lưu ý cần thường xuyên cập nhật sự thay đổi về công nghệ và thị trường trên thế giới, từ đó đề xuất kịp thời chính sách, quy định liên quan đến trí tuệ nhân tạo, tạo môi trường pháp lý, tài chính, đào tạo phù hợp.

Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển, nghiên cứu trí tuệ nhân tạo thông qua hình thành mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo tại cơ sở nghiên cứu đào tạo, xây dựng chính sách thử nghiệm (sandbox)…

Ông Hà Thân, Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần xác định tính thiết thực, hiệu quả của việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI so với việc chuyển đổi số, nhất khi thành phố đã ứng dụng vào phòng, chống ngập úng, ùn tắc giao thông. Việc xây dựng nguồn dữ liệu cần có sự thống nhất, đồng bộ để tránh lãng phí và có chính sách sử dụng dữ liệu dùng chung.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Thoại Nam, Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, dữ liệu cho AI rất lớn nên cần chú trọng công nghệ nền tảng, phần cứng, hoạt động lưu trữ để tránh tình trạng đầu tư, thu thập nhiều nhưng không có cơ sở lưu trữ…

Tại tọa đàm, các đại biểu đặt vấn đề vai trò hỗ trợ của Nhà nước trong việc đầu tư hạ tầng tính toán; cần nhìn thoáng và kịp thời khi triển khai ứng dụng AI.

Các đại biểu nhất trí cần thiết có chính sách ưu tiên cho nghiên cứu phát triển AI; xây dựng khung pháp lý và cần xét đến đạo đức về AI, sự tham gia của nhiều thành phần…/.

Theo bnews.vn

Nguồn bài viết: https://bnews.vn/de-xuat-cac-khung-phap-ly-va-chinh-sach-uu-tien-cho-phat-trien-tri-tue-nhan-tao/239776.html

Bạn đang đọc bài viết "Đề xuất các khung pháp lý và chính sách ưu tiên cho phát triển trí tuệ nhân tạo" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin