Để “siêu” Ủy ban hoạt động thực sự hiệu quả…

(Pháp lý) - Có thể trong vài năm đầu hoạt động, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ gặp những khó khăn. Song, muốn hoạt động tốt, cơ quan này phải tuyển chọn được những nhân sự có kinh nghiệm, chuyên môn giỏi và phải có tầm nhìn chiến lược...Đó là ý kiến của chuyên gia kinh tế khi trao đổi với PV Pháp lý.

Ông Mạc Quốc Anh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Doanh nghiệp N&V trao đổi với PV Pháp lý
Ông Mạc Quốc Anh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Doanh nghiệp N&V trao đổi với PV Pháp lý)

Ngày 3/2/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2015 - 2020, giữ chức vụ Chủ tịch ủy ban này. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được nhiều người ví như “siêu” ủy ban, khi quản lý khối lượng vốn lên đến 5 triệu tỷ đồng của nhiều doanh nghiệp Nhà nước.

Trước ngày Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động, Phóng viên Tạp chí Pháp lý đã có cuộc trao đổi với ông Mạc Quốc Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Doanh nghiệp N&V, về những kỳ vọng liên quan đến hoạt động của “siêu” ủy ban này.

Phóng viên: Hiện nay số vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp đang được ước tính khoảng 5,4 triệu tỷ đồng, phân tán tại nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, đặt ra thách thức không nhỏ trong công tác quản lý và kiểm soát. Theo ông, “siêu” Ủy ban phải quản lý thế nào cho hiệu quả?.

Ông Mạc Quốc Anh: Muốn Ủy ban hoạt động tốt, việc đầu tiên phải tính tới là công tác nhân sự. Ủy ban phải tuyển dụng những nhân sự có kinh nghiệm, chuyên môn giỏi, có tầm nhìn chiến lược để phát triển những ngành mũi nhọn. Hiện nay, Việt Nam đang tiến tới nền kinh tế thị trường, yếu tố nhân sự về mặt nhà nước được chuyển sang chỉ là điều kiện cần, còn quan trọng không kém là những nhân lực chất lượng cao từ khối tư nhân chuyển vào. Chúng ta có thể tuyển dụng trực tiếp hoặc thu hút người tài thông qua việc cổ phần hóa các doanh nghiệp mà “siêu” ủy ban đang quản lý.

Cơ quan quản lý này có trách nhiệm hết sức nặng nề, bởi phải quản lý một số vốn cực lớn như vậy là tương đương GDP 1 năm của quốc gia. Tuy nhiên, tính chất là ủy ban, không phải là doanh nghiệp, nên cách quản trị cũng phải khác, nên đòi hỏi người lãnh đạo rất cần thiết phải có chuyên môn. Bởi việc quản trị của ủy ban này không dễ dàng, vì số vốn lớn, lại có đến hơn 30 tập đoàn, tổng công ty trong các ngành nghề khác nhau. Vì thế, người lãnh đạo phải làm sao am hiểu công việc các lĩnh vực đó. Từ kinh doanh hóa chất đến thép và dệt may… nó khác nhau rất nhiều.

Kinh tế hiện nay là kinh tế mở, cần phải mở rộng cho tư nhân họ vào. Tính năng động, đổi mới, sáng tạo của tư nhân sẽ góp phần khiến bộ máy hoạt động nhanh nhạy hơn, có thể tiếp cận được những chuyển động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thời đại bây giờ không chỉ là “cá lớn nuốt cá bé nữa”, mà còn xem “cá” nào nhanh hơn. Muốn nhanh hơn thì phải có được những nhân sự có tư duy hiện đại, có tầm nhìn xa, có nhiều kinh nghiệm về thị trường quốc tế. Chứ còn nắm trong tay một lượng tài sản lớn mà không kinh doanh hiệu quả thì rất lãng phí.

Bên cạnh đó, “siêu” Ủy ban cũng cần phải có chiến lược hoạt động lâu dài. Để làm được việc này thì cần phải có các chuyên gia, các nhà kinh tế, các viện nghiên cứu tư vấn, góp ý. Cần tập hợp được các doanh nhân có kinh nghiệm để giúp cho các chiến lược đi được một cách sâu rộng hơn. Ngoài ra, “siêu” Ủy ban cũng cần tập trung nguồn lực để phát huy các ngành mũi nhọn, sao cho các lĩnh vực mũi nhọn phải dẫn dắt được thị trường, nhưng cũng phải chống việc cạnh tranh không lành mạnh đối với kinh tế tư nhân. Bởi vì việc thúc đẩy kinh tế tư nhân cũng là một nhiệm vụ quan trọng.

Tiếp theo là phải lập được giá trị chuỗi trong các sản phẩm “siêu” Ủy ban đang kinh doanh để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, “siêu” ủy ban cũng cần có doanh nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Một rủi ro lớn có thể xảy ra là “siêu” Ủy ban sẽ phải đối mặt với các doanh nghiệp có tình hình tài chính phức tạp, của những người bị mất lợi ích hoặc không thích sự chỉ đạo của “siêu” Ủy ban”. Nếu những tình huống đó xảy ra, “siêu” Ủy ban phải làm thế nào để kiểm soát được, thưa ông?

“Siêu” Ủy ban ra đời sẽ phải có những quy định rõ ràng. Ai chỉ đạo về mặt Nhà nước thì chỉ đạo ở tầm nào, còn doanh nghiệp thì thực hiện những công việc gì. Qua đó từng bước gỡ khó cho doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp có tình hình tài chính phức tạp thì cần phải chú ý hơn nữa.

Có thể trong vài năm đầu tiên hoạt động, khó tránh khỏi việc có thể chệch choạc về nguồn lực, chính sách, thậm chí là lợi ích, quyền lợi. Vì thế, để kiểm soát được tình hình, “siêu” Ủy ban cần phải có những kế hoạch hết sức rõ ràng và quyết liệt. Đặc biệt, cần phải tìm được người phù hợp cho từng vị trí lãnh đạo một, tránh tình trạng ngồi nhầm ghế. Nếu có lãnh đạo ngồi nhầm ghế vào “siêu” Ủy ban thì sẽ rất nguy hiểm, sẽ tiếp tục làm trì trệ thêm tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp.

Khi đi vào hoạt động, “siêu” Ủy ban có nhiệm vụ tìm và tạo quan hệ với các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước khi tiến hành thoái vốn ở các doanh nghiệp Nhà nước. Theo ông, để phát huy tốt nhất vai trò và nhiệm vụ của mình, “siêu” Ủy ban phải làm gì?

Vấn đề thoái vốn còn phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố như, có hấp thụ được nguồn vốn đó không, rồi năng lực, khả năng kinh doanh của các doanh nghiệp có đáp ứng được nhu cầu thị trường hay không. Hiện nay chúng ta cũng đang làm mọi cách để thoái vốn ở các doanh nghiệp Nhà nước. Muốn làm tốt được việc trên, vấn đề quan trọng nhất là phải có nhiều phương án kinh doanh để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, để khi đưa ra thị trường cổ phần hóa mới đạt được kỳ vọng. Còn hiện nay chúng ta chỉ có lợi thế về bất động sản, vị trí đất đai thôi, còn những vấn đề về công nghệ, quản trị… thì chưa có. Do đó, “siêu” Ủy ban cần phải có những con người làm thật, tạo được những thành tựu nhất định thì mới có thể thu hút được vốn. Chứ những doanh nghiệp đọc tên người ta còn chả biết, kinh doanh bết bát thì làm sao người ta bỏ vốn vào được.

“Siêu” Ủy ban sẽ quản lý khối lượng vốn lên đến 5 triệu tỷ đồng (ảnh minh họa)
“Siêu” Ủy ban sẽ quản lý khối lượng vốn lên đến 5 triệu tỷ đồng (ảnh minh họa))

Theo chức năng, thay vì bộ, ngành, từ tháng 10 tới là “siêu” Ủy ban quản lý các DNNN, nhưng các bộ, ngành vẫn còn chức năng “mờ” khác là quản lý ngành. Về bản chất vẫn là duy trì chức năng sở hữu Nhà nước và quản trị doanh nghiệp. Như vậy, theo ông “siêu” Ủy ban có giải quyết tận gốc được vấn đề của DNNN không?. Nếu không, đâu là giải pháp tối ưu nhất để “siêu” ủy ban quản lý các DNNN?

Quyền hạn của “siêu” Ủy ban đến đâu đã có những quy định cụ thể. Nếu vẫn còn bất cập, cần phải xin ý kiến của cấp cao hơn, thậm chí là của Bộ Chính trị. Nếu hai đơn vị là bộ, ngành và ủy ban cùng quản lý một đơn vị, doanh nghiệp cấp dưới thì sẽ dễ xảy ra xung đột, chồng lấn. Theo đó, cần phải giao nhiệm vụ thật rõ ràng. Đã giao quyền thì phải giao 100% chứ không chỉ đạo gì thêm nữa. Nếu các bộ, ngành cũng chỉ đạo nữa thì quyền lực dễ bị phân chia. Khi đó, doanh nghiệp làm gì cũng phải xin ý kiến của nhiều bên, tốn thêm thời gian, thủ tục và không dám quyết đoán.

Được biết, “siêu” Ủy ban sẽ là cơ quan trực thuộc của Chính phủ, với vai trò cực lớn là giúp Chính phủ quản lý, giám sát toàn bộ vốn và tài sản nhà nước tại các DNNN, thay vì để tại các bộ ngành và địa phương như hiện nay. Việc quy định chức năng, nhiệm vụ như vậy đã tạo điều kiện tốt nhất cho “siêu” Ủy ban” hoạt động chưa?

Hiện nay “siêu” Ủy ban vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Tuy nhiên với mô hình này, tôi cho rằng là hợp lý. Việc điều hành của Chính phủ về vấn đề này sẽ linh hoạt hơn khi không phải thông qua các bộ, ngành nữa. Hơn nữa, “siêu” Ủy ban cũng là một cơ quan ngang bộ, có thể trực tiếp báo cáo các vấn đề lên Chính phủ. Còn trong các lĩnh vực chuyên ngành như thuế, hải quan… thì đã có các bộ chuyên ngành quản lý.

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “siêu” Ủy ban còn có một trách nhiệm nặng nề là xử lý các dự án thua lỗ vừa qua. Nghĩa là vừa phải lo rà soát lại, tìm ra những biện pháp thúc đẩy hiệu quả của các doanh nghiệp trong thẩm quyền, vừa phải xử lý các đơn vị thua lỗ. Theo tôi, nếu cần thiết thì có thể cho phá sản những đơn vị không thể xử lý được. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét lại những doanh nghiệp đã hoạt động lại, nhưng nếu làm không hiệu quả cũng nên chấm dứt hoạt động.


Hiện, các cơ quan đang hoàn thiện việc góp ý về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Nghị định sẽ quy định rõ nguyên tắc Ủy ban chỉ thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước, không thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn thuộc chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp do các Bộ quản lý ngành thực hiện. Dự kiến, vào tháng 10 tới, Uỷ ban sẽ chính thức hoạt động. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đúng như thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp. Tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các bộ, UBND cấp tỉnh tập trung năng lực vào thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Nguyễn Hòa (thực hiện)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin