(Pháp lý) - LTS: Trước thực trạng nhức nhối lãng phí, xà xẻo, tham nhũng tài sản công thời gian qua, Quốc hội đã sửa đổi hai đạo Luật quan trọng đó là Bộ luật Hình sự và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Hai Luật sửa đổi này đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Nhiều ý kiến chuyên gia pháp luật cho rằng để Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đi vào cuộc sống thì cần thực hiện nghiêm quy định trong một số Luật liên quan khác, đồng thời khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn và cần vận dụng triệt để các quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) để xử lý và trừng trị nghiêm minh những đối tượng gây thất thoát, lãng phí, xà xẻo, tham nhũng tài sản công.
Nhiều quy định mới kì vọng chặn tham nhũng tài sản công
Những nguyên tắc chung trong quản lý, sử dụng tài sản công
Theo định nghĩa của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.
Như vậy, rõ ràng định nghĩa tài sản công rất rộng và công tác quản lý lĩnh vực này cũng rất phức tạp. Điểm mới nổi bật của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công là có nhiều quy định ngăn ngừa tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát tài sản công.
Đối tượng áp dụng của Luật gồm: cơ quan nhà nước; đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; đơn vị sự nghiệp công lập; cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội; Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công.
Luật đã xây dựng những nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công; kế thừa những nội dung, quy định luật cũ còn phù hợp, đã được thực hiện ổn định, có hiệu quả trong thực tế; sửa đổi những quy định không còn phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý trong tình hình mới; đổi mới phương thức quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng nắm chắc, hạch toán đầy đủ tài sản công cả về giá trị và hiện vật; coi tài sản công là nguồn lực quan trọng, quy định các cơ chế quản lý, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, phòng ngừa tham nhũng, thất thoát, lãng phí; xây dựng cơ chế khai thác tài sản công hợp lý gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội để cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác tài sản công, tạo lập nguồn lực tài chính đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội…
Bên cạnh những quy định áp dụng chung cho tất cả các loại Tài sản công, trong nội dung Luật khi quy định về chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản có sự phân biệt các cấp độ khác nhau. Việc quy định như trên nhằm bảo đảm nguyên tắc tất cả các loại tài sản công đều được điều chỉnh bởi pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo cơ sở để nắm được tổng thể nguồn lực từ tài sản công. Nội dung cơ bản của Luật đã khắc phục những hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, nhất là tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản đồng thời thể hiện một số điểm mới trong từng chương.
Các vấn đề công khai tài sản công được đặc biệt đề cao.
Công khai là một biện pháp quan trọng để đảm bảo tài sản công không bị sử dụng bừa bãi gây lãng phí, tham ô, tham nhũng. Công khai tài sản công được quy định tại điều 8 của Luật. Theo đó: Việc công khai tài sản công phải được thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác theo quy định của pháp luật; trường hợp không thực hiện công khai hoặc công khai không đầy đủ, kịp thời, chính xác thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nội dung công khai bao gồm: Văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, thủ tục hành chính về tài sản công; Tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công; Tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công.
Hình thức công khai bao gồm: Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công; Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công; Hình thức công khai khác theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm công khai được quy định như sau: Bộ Tài chính có trách nhiệm công khai đối với tài sản công của cả nước; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm công khai đối với tài sản công thuộc phạm vi quản lý; Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm công khai đối với tài sản công thuộc phạm vi quản lý, sử dụng; Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm công khai kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công và các hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.
Luật cũng đề cao giám sát của cộng đồng đối với tài sản công (điều 9). Theo đó, việc quản lý, sử dụng tài sản công được giám sát bởi cộng đồng, trừ tài sản thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận và cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức việc giám sát của cộng đồng đối với tài sản công.
Nội dung giám sát: Việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; Tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công; Tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công;
Một điểm mới của Luật là quy định cụ thể về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công nhằm sử dụng tiết kiệm tài sản công. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là các quy định về chủng loại, số lượng, mức giá, đối tượng được sử dụng do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành. Quy định về mức giá trong định mức sử dụng tài sản công là giá đã bao gồm các loại thuế phải nộp theo quy định của pháp luật; trường hợp được miễn các loại thuế thì phải tính đủ số thuế được miễn để xác định định mức. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công được sử dụng làm căn cứ để lập kế hoạch và dự toán ngân sách; giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê tài sản, khoán kinh phí sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng và xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (Điều 24). Nguyên tắc ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công phải đúng thẩm quyền; Tuân thủ trình tự, thủ tục ban hành theo quy định của pháp luật; Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; khả năng của ngân sách nhà nước; mức độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (điều 25).
Đấu giá, đấu thầu chặt chẽ nếu muốn dùng tài sản công
Thời gian gần đây, hiện tượng các dự án BT và BOT gây thất thoát cho nhà nước và bất bình cho người dân đã bị cảnh báo. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có quy định, tất cả những dự án BT và BOT muốn thực hiện phải qua đấu thầu. Các quy định này được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng nhằm ngăn ngừa tham nhũng trong lĩnh vực này. Theo đó, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao: Nhà nước cho phép sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao theo quy định của pháp luật về đầu tư. Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá; giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán theo quy định của pháp luật. Giá trị dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao được xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan. Đặc biệt, việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Giá trị tài sản công được sử dụng để thanh toán dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao được tổng hợp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Tình trạng xây dựng các công trình, trụ sở các cơ quan nhà nước đồ sộ gây tốn kém từng bị dư luận lên án. Đó là một sự thất thoát, lãng phí nguồn lực tài sản công. Để ngăn ngừa Luật này quy định: Việc đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp, kể cả trong trường hợp sử dụng vốn vay, vốn huy động, liên doanh, liên kết, được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: Chưa có cơ sở hoạt động sự nghiệp hoặc cơ sở hoạt động sự nghiệp hiện có còn thiếu diện tích so với tiêu chuẩn, định mức; Nhà nước không có tài sản để giao và không thuộc trường hợp thuê cơ sở hoạt động sự nghiệp. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan. Không bố trí vốn đầu tư công, ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng mới tài sản chỉ sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết….
Dư luận từng lên án tình trạng tài sản công nhất là đất công bị cho thuê với giá bèo. Luật cũng có những quy định rõ ràng về việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê. Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập được cho thuê tài sản công trong các trường hợp sau đây: a) Tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất; b) Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để cho thuê mà không do ngân sách nhà nước đầu tư.
Đặc biệt, phương thức thuê là đấu giá; giá cho thuê là giá trúng đấu giá; Đối với tài sản không phải là bất động sản, giá trị thấp thì giá cho thuê tài sản do người cho thuê và người đi thuê tài sản thoả thuận theo giá thuê trên thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ.
Quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công
Hệ thống thông tin về tài sản công và cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý, giám sát, sử dụng tài sản công. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (2017) dành 1 chương mới cho các quy định này. Theo đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công sẽ là một trong 4 bộ phận (cùng với hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; hệ thống phần mềm hệ điều hành, phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng; hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công) hình thành nên Hệ thống thông tin tài sản công. Hệ thống thông tin tài sản công được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống thống nhất trên phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu; theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quốc tế được công nhận tại Việt Nam.
Theo đó, hệ thống thông tin về tài sản công là hệ thống tổng hợp các yếu tố hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm, dữ liệu và quy trình, thủ tục được xây dựng để thu thập, lưu trữ, cập nhật, xử lý, phân tích, tổng hợp và truy xuất thông tin về tài sản công và cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công là tập hợp các dữ liệu về tài sản công được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử..
Thông tin lưu giữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công được sử dụng để: Thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Làm căn cứ để lập dự toán, xét duyệt quyết toán, quyết định, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, giám sát việc giao đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, khoán kinh phí sử dụng tài sản công, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, khai thác, xử lý tài sản công; Phục vụ mục đích khác theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.
Ngoài ra, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công còn chứa đựng các điều luật khung, cần sự hướng dẫn cụ thể bằng các văn bản dưới Luật. Như vậy, để Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đi vào cuộc sống, rất cần sự vào cuộc của các Bộ, Ngành khẩn trương ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực thi Luật.
Minh Minh