Để không còn những đại dự án nghìn tỷ “trôi sông”

25/07/2016 03:46

(Pháp lý) - Hàng nghìn tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đã trôi theo những dự án đầu tư công đang đắp chiếu hoặc chết yểu khắp trong Nam ngoài Bắc. Thực tế này không chỉ khiến ngân sách nhà nước bị thất thoát nghiêm trọng mà còn tạo ra những hệ lụy nguy hiểm cho nền kinh tế đất nước. Những lỗ hổng trong đầu tư công chưa được vá triệt để, không truy cứu được trách nhiệm thuộc về ai, sẽ còn những dự án nghìn tỷ trôi sông. Trước thực trạng rất đáng quan ngại này, nhiều chuyên gia tâm huyết đã lên tiếng kiến nghị.

Bài 1: Những đại dự án nghìn tỷ chết yểu, trách nhiệm thuộc về ai?

Khi những dự án có tổng số vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng đang chết lâm sàng ở nhiều nơi mới khiến người ta giật mình về độ hoang phí của nó. Khi những đại dự án này bị chết cũng là lúc hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ tiền vốn ngân sách nhà nước cũng được chôn theo. Nhưng ai phải chịu trách nhiệm thì cho đến nay vẫn chưa tìm được?

Điểm mặt những đại dự án nghìn tỷ chết yểu

Với tham vọng đáp ứng nhu cầu phân bón trong nước, giảm nhập khẩu, năm 2005, Tổng công ty Hóa chất, nay là Tập đoàn Hóa chất VN (Vinachem), đã kiến nghị và được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất phân đạm urê từ than cám, công suất 560.000 tấn/năm. Nhà máy được đầu tư tại Khu công nghiệp Ninh Phúc (tỉnh Ninh Bình) với tổng vốn đầu tư tới 667 triệu USD (thời giá lúc đó khoảng 10.673 tỉ đồng), nhưng vốn tự có của Vinachem cho dự án này 100 triệu USD.

Sau khi đàm phán, Vinachem quyết định chọn vay vốn từ Trung Quốc 250 triệu USD với Tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer (Trung Quốc) làm tổng thầu thực hiện dự án. Đến năm 2012, nhà máy sản xuất phân đạm urê (còn gọi là Nhà máy đạm Ninh Bình) đi vào hoạt động nhưng liên tiếp gặp khó khăn. Theo báo cáo của Vinachem, năm 2012 Đạm Ninh Bình lỗ 75 tỉ đồng, năm 2013 lỗ 759 tỉ đồng, năm 2014 lỗ khoảng 500 tỉ đồng, năm 2015 lỗ trên 370 tỉ đồng. Tổng mức lỗ tới nay đã lên tới trên 2.000 tỉ đồng.

[caption id="attachment_144935" align="aligncenter" width="410"]Dù chỉ mới hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đã lỗ hơn 1.700 tỉ đồng Dù chỉ mới hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đã lỗ hơn 1.700 tỉ đồng[/caption]

Trong văn bản gửi các bộ ngành nêu thực trạng nhà máy, tổng giám đốc Vinachem Nguyễn Gia Tường giải thích do chi phí sản xuất quá cao, giá urê trên thị trường liên tục giảm nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy đạm Ninh Bình rất khó khăn. Và lý do khiến chi phí sản xuất cao, văn bản của Vinachem do ông Nguyễn Gia Tường ký đã gián tiếp chỉ ra: dây chuyền, máy móc thiết bị chủ yếu được nhập từ Trung Quốc chất lượng ở mức trung bình, thường xuyên xảy ra sự cố.

Một đại dự án khác là dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex, Hải Phòng) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư

Được biết, dự án có tổng mức đầu tư lên tới gần 7.000 tỉ đồng, với mong muốn Việt Nam sẽ làm chủ nguyên liệu dệt may. Thế nhưng chỉ sau một thời gian đi vào hoạt động, nhà máy liên tục “đắp chiếu”, lỗ lên tới hàng nghìn tỉ đồng và đứng trước nguy cơ phá sản..

Theo Bộ Công thương, nhà máy của PVTex được thiết kế để sản xuất 500 tấn xơ sợi/ngày, phục vụ ngành công nghiệp dệt, may trong nước. Thế nhưng ngay khâu thi công nhà máy chậm tiến độ tới... hai năm. Khi đi vào hoạt động năm 2014, chỉ vận hành khoảng bảy tháng nhà máy lỗ hơn 1.085 tỉ đồng, doanh thu không đủ bù chi phí tối thiểu.

Và mục tiêu “hỗ trợ” ngành dệt may giảm nhập khẩu đến nay vẫn là... mong ước. Bởi rất nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước không mua xơ sợi của PVTex do chất lượng và giá hàng nhập khẩu cạnh tranh hơn.

Do nhà máy “đắp chiếu”, khoảng 1.000 công nhân viên PVTex đang phải tạm nghỉ việc.

Năm 2007, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO - thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam) thuê nhà thầu Trung Quốc xây nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 với số vốn hơn 8.100 tỉ đồng, nhưng đến nay nhà máy vẫn “đắp chiếu” và thiết bị đã thành đống sắt gỉ. Hiện nhà thầu Trung Quốc đã rút người về sau khi nhận hơn 90% tiền chủ đầu tư thanh toán phần thiết bị dự án.

Sau khi ký hợp đồng tổng thầu EPC (E - thiết kế, P - cung cấp thiết bị, C - xây dựng công trình) với Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC), chủ đầu tư liên tiếp gặp khó khăn. Đến nay sau gần 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng, Nhà máy vẫn chỉ là đống sắt nằm im. Điều đáng nói, do không chặt chẽ khi ký hợp đồng nên dù đã bị “chôn” vốn từ gần 10 năm qua, thiết bị cung cấp chất lượng kém, phía chủ đầu tư TISCO còn bị phía Trung Quốc đòi phạt hàng tỉ đồng.

Trong tình thế đó, TISCO vẫn “dũng cảm” lập đề án xin bổ sung vốn nâng lên 9.000 tỉ đồng, mà dư luận đều ngờ rằng với mức vốn này, chưa chắc nhà máy đã thật sự hoạt động ổn định. Nhưng điều chắc chắn là với công nghệ lạc hậu, mức khấu hao tài sản cố định quá cao, sản phẩm sẽ càng khó có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nếu tiếp tục đầu tư nhà máy này, ngân sách phải tiếp tục cấp vốn, bù lỗ để nuôi nhà máy.

[caption id="attachment_144936" align="aligncenter" width="410"]Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên ngốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng nay đang “chết lâm sàng” Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên ngốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng nay đang “chết lâm sàng”[/caption]

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã sáng suốt bác bỏ yêu cầu này và chỉ đạo cơ quan chức năng cổ phần hóa, thanh lý nhà máy. Đây là quyết định đúng đắn, tuy nhiên chắc rằng việc thực hiện không dễ chút nào. Có ai dám bỏ tiền tỉ mua một “con bệnh đang hấp hối”, ngoại trừ khi bán với giá sắt vụn như những con tàu “thây ma” của Vinashin?

Ngoài những đại dự án trên, còn hàng loạt các đại dự án khác cũng “chết lâm sàng”, có thể kể đến như: Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất là một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia với số vốn đầu tư lên đến hơn 2.200 tỷ đồng đã dừng hoạt động. Nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi - tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6) đầu tư với số vốn 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Dư luận bức xúc quan tâm tới vấn đề ai chịu trách nhiệm chính cho những thất thoát tiền ngân sách nhà nước khi đầu tư vào các đại dự án này?

Theo ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội khoá XIII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng để xảy ra thất thoát tiền ngân sách nhà nước thì cần phải có cá nhân chịu trách nhiệm chứ không thể đổ mãi cho tập thể chịu trách nhiệm được. “Ai quyết định, phê duyệt thẩm định đầu tư thì phải chịu trách nhiệm. Người đứng đầu có quyền quyết định cơ mà. Ta khi nào chưa làm rõ trách nhiệm người đứng đầu thì hoà cả làng hết”.

Còn Luật sư Trương Thanh Đức thì phân tích: Điểm chung nhất của các đại dự án này cũng mang mục tiêu rất tốt đẹp như: Phát huy truyền thống thành quả của thương hiệu thép Thái Nguyên, sản xuất lượng thép nội địa chất lượng tốt; hay cung ứng nguồn sợi nội địa chất lượng cao... Điểm chung thứ hai là có báo cáo tiền khả thi rất lạc quan với con số hiệu quả lợi nhuận rất cao. Nhưng thực tế, các mục tiêu tốt đẹp ấy chỉ là bánh vẽ, các con số đẹp chỉ là con số ảo. Những người chịu trách nhiệm về dự án hoàn toàn vô trách nhiệm và đi ngược lại các cam kết.

Có thể thấy rằng, thép Thái Nguyên đội vốn đến gấp 3 lần, trễ hạn hơn 5 năm, mà nhà máy vẫn chưa hoàn thành. Xơ sợi Đình Vũ tăng vốn gần 3 lần, trễ hạn hơn 2 năm, làm ra sợi chất lượng kém và giá thành cao không có khả năng cạnh tranh. Giấy Phương Nam đội vốn gấp 2 lần, có nhà máy nhưng không thể làm ra giấy. Đây cũng là căn nguyên của chứng bệnh nan y “mất máu” ngân sách, nợ công phình to, trong khi kinh tế - xã hội tăng trưởng chưa đạt mục tiêu.

Với những biểu hiện ấy và hậu quả thiệt hại kinh khủng ấy, những người lập, phê duyệt và triển khai dự án vẫn “bình chân như vại”. Cơ quan quản lý cứ như vô can trước hàng chục ngàn tỉ ngân sách bị “bốc hơi”?
Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, việc không có người chịu trách nhiệm cụ thể khi để nhà máy đắp chiếu là nguyên nhân khiến ngân sách nhà nước bị thất thoát rất lớn. Nếu một cán bộ ngân hàng chỉ cần có sai sót nhỏ trong cho vay gây thiệt hại vài trăm triệu, thì đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn ở đây, những người giữ chức trách xét duyệt, thẩm định, cấp vốn lại để cho những dự án rởm được nhận vốn đầu tư, rồi khi có vấn đề, chậm tiến độ lại được cho tăng vốn, lẽ nào vô can không chịu trách nhiệm gì?

Theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh, các dự án mà báo chí điểm mặt thời gian qua chưa phải là đã hết và cần phải quy định rõ ai là người chịu trách nhiệm với các dự án nghìn tỷ kém hiệu quả này. Bởi lẽ vì sử dụng vốn Nhà nước nên những dự án này có nguy cơ ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia. Những hệ lụy của những dự án "đắp chiếu" hay còn gọi là những "xác sống" này, là rất nghiêm trọng. Về mặt tài chính, nó làm tăng thêm gánh nặng nợ nần của ngân sách Nhà nước. Về mặt kinh tế, dự án kém hiệu quả làm tăng thêm chi phí của toàn bộ ngành kinh tế. Về mặt xã hội, đầu tư kém hiệu quả không tạo được việc làm, sẽ làm tăng nguy cơ thất nghiệp đối với lực lượng lao động đã được đào tạo. Tình trạng này góp phần tăng tham nhũng và làm giảm niềm tin của xã hội. Vì vậy, cần phải thay đổi cơ bản cơ chế đầu tư công của Nhà nước.

Q.T – H.A

Bạn đang đọc bài viết "Để không còn những đại dự án nghìn tỷ “trôi sông”" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin