(Pháp lý) - Sau một thời gian triển khai, hình thức đấu thầu qua mạng đã phát huy tác dụng tích cực, nhưng cũng nảy sinh nhiều bất cập, gây khó khăn cho cả chủ đầu tư, nhà thầu và các cơ quan quản lý. Bài viết sau đây sẽ phản ánh thực tế trên, xin chuyển tới cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật để đấu thầu qua mạng hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Ưu điểm cũng nhiều mà bất cập cũng nhiều
Đấu thầu qua mạng chính thức triển khai trên phạm vi cả nước từ đầu năm 2016. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đấu thầu qua mạng không chỉ rút ngắn thời gian, giảm bớt chi phí cho bên mời thầu và nhà thầu, mà còn góp phần chấm dứt vấn nạn “quân xanh, quân đỏ” hay cài cắm các điều khoản hạn chế sự tham gia của các bên ứng thầu. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đến năm 2017, nhiều địa phương vẫn chưa triển khai, cố tình viện dẫn nhiều lý do để trì hoãn. Cũng theo Bộ KH&ĐT, mặc dù năm 2017 là năm thứ 2 thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng theo Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC nhưng vẫn có tới 16 tỉnh/thành phố trong cả nước không thực hiện đấu thầu qua mạng, 14 tỉnh/thành phố khác có tỷ lệ thực hiện đấu thầu qua mạng dưới 1%; còn lại các địa phương có thực hiện đấu thầu qua mạng nhưng tỷ lệ đạt thấp. Trong số 37 bộ/ngành và cơ quan ngang bộ, chỉ có 3 bộ/ngành và cơ quan ngang bộ đạt chỉ tiêu áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2017, 15 bộ/ngành không thực hiện lựa chọn nhà thầu cho gói thầu nào qua mạng, các bộ/ngành còn lại có thực hiện nhưng tỷ lệ rất thấp. Trong tổng số 19 tổng công ty/tập đoàn, có đến 10 tổng công ty/tập đoàn không thực hiện lựa chọn nhà thầu cho gói thầu nào qua mạng. Điều này phản ánh sự thiếu quan tâm và trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan dẫn đến làm giảm hiệu quả và tính minh bạch, cạnh tranh trong công tác đấu thầu nói chung.
Từ thực tế trên, Bộ KH&ĐT thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân chủ quan khiến cho việc thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng chưa đảm bảo theo yêu cầu là do tâm lý ngại thay đổi từ cách làm cũ của đấu thầu truyền thống sang đấu thầu qua mạng. Dù đấu thầu qua mạng là hình thức lựa chọn nhà thầu văn minh, hiện đại, hiệu quả, nhưng nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu còn chưa thực sự tự nguyện tham gia đấu thầu qua mạng, dẫn đến tình trạng cố tình viện dẫn nhiều lý do để trì hoãn, chưa thực hiện dù lộ trình áp dụng đã được quy định. Bên cạnh đó, công tác truyền thông còn hạn chế, các nhà thầu chưa nắm bắt được thông tin liên quan để tham gia đấu thầu qua mạng; đồng thời các nhà thầu chỉ quan tâm lợi ích riêng, trước mắt cũng như giữ thói quen thực hiện hành vi tiêu cực (như chạy chọt, thông thầu) nên không muốn áp dụng đấu thầu qua mạng. Điều này thể hiện rất rõ thông qua số nhà thầu trung bình tham gia 1 gói thầu đấu thầu qua mạng trong năm 2017 còn thấp, thậm chí thấp hơn năm 2016 là 2,5 nhà thầu/gói thầu đấu thầu qua mạng.
Chia sẻ với Phóng viên Pháp lý về những khó khăn thực tế trong việc đấu thầu qua mạng ở đơn vị, ông Đỗ Thắng, cán bộ Phòng Kế hoạch, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: bên cạnh một số ưu điểm như, trong suốt quá trình đấu thầu từ lúc phát hành hồ sơ mời thầu đến thông báo kết quả đấu thầu, bên mời thầu và nhà thầu không cần gặp nhau và nhà thầu không mất thời gian đi lại. Tất cả bên mời thầu, bên dự thầu chỉ cần ngồi ở trụ sở cơ quan và làm việc trên mạng. Sau khi hồ sơ mời thầu được đưa lên mạng, trong suốt quá trình chuẩn bị đấu thầu, nhà thầu có thể gửi hồ sơ dự thầu lên mạng bất cứ lúc nào, 9h tối hay 1h sáng đều được, miễn là trước giờ đóng thầu. Chính những quy định như vậy nên việc “ABC” giữa nhà thầu và chủ đầu tư không bao giờ xảy ra. Đặc biệt, việc lưu trữ hồ sơ trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia khá hiệu quả, nên bên mời thầu không cần phải in và lưu trữ những hồ sơ của các gói thầu, giảm tải rất nhiều phần giấy tờ, thủ tục lưu trữ. Ông Thắng thông tin thêm, thực hiện theo quy định là các ban quản lý phải tổ chức đấu thầu tối thiểu 30% các gói thầu hàng năm qua mạng. Nhưng năm nay đơn vị ông tổ chức đấu thầu đến hơn 50% các gói thầu qua mạng. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức đấu thầu ngoài những khó khăn về hạ tầng, máy móc, khó khăn lớn nhất là việc lựa chọn được nhà thầu có năng lực thật sự. Bởi, việc đấu thầu qua mạng hiện chỉ áp dụng đối với những gói thầu nhỏ, có giá trị từ 15 tỷ trở xuống và áp dụng đối với những nhà thầu nhỏ và siêu nhỏ. Khi tổ chức đấu thầu những gói thầu có giá trị nhỏ như vậy, những nhà thầu lớn không thèm để ý đến.
Một vấn đề nữa làm mất thời gian, công sức và tiền bạc của chủ đầu tư là việc khi đã lựa chọn được nhà thầu rồi, nhưng khi mời đến thương thảo để ký hợp đồng nhà thầu lại không đến. Ông Thắng bức xúc nói: “năm 2017, đơn vị ông bị “dính” hai gói thầu, nhưng khi chọn được nhà thầu rồi họ lại “bỏ chạy”. Một gói thầu do nhà thầu ở Đà Nẵng trúng, nhưng khi gửi công văn mời họ ra ký hợp đồng, họ không ra. Theo quy định, đơn vị phải gửi cho họ ba lần, nhưng đơn vị gửi đến lần thứ ba rồi họ vẫn không ra với lý do xa xôi, giám đốc bận đi công tác. Một gói thầu khác, đơn vị đã chọn được nhà thầu ở Nam Định. Song, “chua chát” hơn khi đơn vị làm công văn mời họ lên thương thảo hợp đồng, họ thẳng thừng trả lời là không lên vì chỉ tham gia “đấu thầu thử”. Khi nhà thầu “bỏ chạy” như vậy, đơn vị phải hủy kết quả và tổ chức đấu thầu lại từ đầu, rất mất thời gian. Theo ông Thắng, chính những quy định chưa chặt chẽ trong việc đấu thầu qua mạng đã nảy sinh ra rất nhiều bất cập. Bởi không như đấu thầu trực tiếp, khi tham gia đấu thầu qua mạng, nhà thầu chỉ phải nộp hồ sơ là những bản scan có dấu đỏ là hợp lệ. Vì quy định như vậy, nhiều nhà thầu do không phải mất tiền mua hồ sơ, không mất tiền đi lại, nên khi có thông tin đấu thầu, họ cứ đẩy hồ sơ năng lực của mình lên “đấu thử” thôi.
Nhìn nhận những bất cập một cách tổng quát hơn, một chuyên gia pháp lý khi trao đổi với Phóng viên Pháp lý cho rằng: hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện tại đang sử dụng đã lạc hậu, vì vậy đã xuất hiện một số bất cập khiến người dùng gặp trở ngại khi thao tác; kích thước hồ sơ dự thầu cho phép quá nhỏ... Bên cạnh đó, do mới triển khai được hai năm cho nên nhiều nhà thầu, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều lúng túng với hình thức đấu thầu qua mạng, dẫn đến số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu qua mạng chưa cao. Thực tế, nhiều đơn vị hiện nay vẫn coi thông tin về đấu thầu như tài nguyên quý, không chia sẻ rộng rãi, đồng thời không quyết tâm, cố tình “chây ỳ” không áp dụng đấu thầu qua mạng. Nhưng khi đánh giá nguyên nhân lại nêu ra hàng loạt những trở ngại. Chính vì thế, số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng rất thấp, thậm chí có những đơn vị chưa thực hiện gói thầu điện tử nào. Đặc biệt, vẫn còn một bộ phận nhà thầu không muốn tham gia phương thức đấu thầu mới và hiện đại này bởi phương thức này quá minh bạch, cạnh tranh, trong khi họ vẫn có thói quen là thích nhận được những hợp đồng thông qua con đường quan hệ thân quen, “đi đêm” với chủ đầu tư, bên mời thầu. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ yếu tố tâm lý và văn hóa, không muốn mất đi quyền kiểm soát, một phần do các nhà thầu chưa tin tưởng tính bảo mật kinh doanh, quyền sở hữu trí tuệ của mình khi tất cả các thông tin được số hóa.
Giải pháp nào để đấu thầu qua mạng hiệu quả?
Bàn về những giải pháp để việc đấu thầu qua mạng hiệu quả hơn, Luật sư Vũ Văn Thiệu, Hãng luật INCIP cho rằng: đến nay, hành lang pháp lý và hạ tầng của hệ thống ngày càng được hoàn thiện đã giúp bên mời thầu, nhà thầu tương tác tốt hơn, việc triển khai đấu thầu qua mạng thuận tiện hơn rất nhiều. Thông tư số 07/2016/TT-BKH&ĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu mua sắm hàng hóa đối với đấu thầu qua mạng là bước tiến quan trọng trong việc cụ thể hóa các văn bản pháp lý thực hiện đấu thầu qua mạng. Việc có mẫu hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đã tạo thuận lợi cho các đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, thời gian tới, các văn bản chính sách cần hoàn thiện hơn trong việc áp dụng, triển khai đấu thầu qua mạng theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Khi đó, số lượng gói thầu được thực hiện đấu thầu qua mạng dự kiến sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, cần cụ thể quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu, quá trình xét thầu giúp giảm thiểu thời gian cho bên mời thầu trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Với những quy định hiện hành, bên mời thầu phải đánh giá chi tiết, có công văn hỏi, đề nghị từng nhà thầu làm rõ hồ sơ dự thầu. Song, trong trường hợp số lượng nhà thầu tham gia gói thầu đông thì việc này rất mất thời gian. Do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu, sớm ban hành văn bản pháp lý về quy trình đánh giá ngược để các bên mời thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu được nhanh, hiệu quả, minh bạch.
Bên cạnh những giải pháp trên, Luật sư Thiệu đề xuất, cần cụ thể hóa các quy định về loại tội phạm mạng (tội phạm tấn công trang web, các cơ sở dữ liệu và phát tán virus và tội phạm lợi dụng môi trường mạng để ăn cắp, tống tiền và tổ chức hoạt động phạm tội, như đánh bạc qua mạng, ăn cắp và làm giả thẻ tín dụng,…) trong Bộ luật Hình sự; hoàn thiện pháp luật về tố tụng để đấu tranh với loại tội phạm này thông qua việc xây dựng các văn bản dưới luật để kịp thời điều chỉnh các hành vi liên quan đến tội phạm mạng. Luật An ninh mạng vừa ra đời cũng là một bước tiến quan trọng nhằm khắc phục vấn đề này. Cần xây dựng các quy định về điều kiện, về quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư và nhà thầu khi tham gia hệ thống đấu thầu điện tử; xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu làm cơ sở cho việc thực hiện các hoạt động đấu thầu trên mạng. Cần có quy định hướng dẫn về quy trình thống nhất, ban hành các biểu mẫu nghiệp vụ để thực hiện hoạt động đấu thầu qua mạng chi tiết và dễ hiểu hơn nữa. Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, xây dựng cơ chế đào tạo, phối hợp đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ trực tiếp tham gia hoạt động đấu thầu điện tử và khuyến khích nhiều nhà thầu hơn nữa tham gia đấu thầu qua mạng.
Đặc biệt, Luật sư Thiệu nhấn mạnh: “khi đấu thầu qua mạng, việc thay đổi hồ sơ mời thầu khá bất tiện, có thể trục trặc gây ra sự thiếu công bằng. Chính kẽ hở trong công nghệ sẽ có trường hợp nhà thầu bị loại ra khỏi danh sách, hoặc gần đến thời điểm đấu thầu mới cho thêm vào. Do đó, phải phân quyền kiểm soát thật chặt, đến lúc mở hồ sơ mới biết được số lượng nhà thầu tham gia, không loại được nhà thầu trước khi mở. Một vấn đề lớn khác là giá trị pháp lý của các tài liệu điện tử cũng như chữ ký số trong đấu thầu qua mạng chưa được công nhận đầy đủ, chưa được quy định cụ thể ở văn bản quy phạm pháp luật và còn thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan trong thanh toán, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Vì thế, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề trên.
Đối với những nhà thầu đã được chủ đầu tư lựa chọn trúng thầu, nhưng “bỏ chạy”, ông Đỗ Thắng nêu quan điểm: khó khăn của đấu thầu qua mạng là chủ đầu tư không được giữ bản gốc hồ sơ của nhà thầu. Đối với hình thức đấu thầu trực tiếp, nếu nhà thầu “bỏ chạy”, chủ đầu tư có quyền yêu cầu ngân hàng chuyển tiền bảo lãnh về tài khoản của mình, vì chủ đầu tư đã giữ bản gốc cam kết bảo lãnh của ngân hàng. Nhưng với đấu thầu qua mạng, do hồ sơ toàn là những bản scan, nên khi trúng thầu, nhà thầu có chạy thì chủ đầu tư cũng chẳng làm gì được họ. Vì thế, để không làm mất thời gian, công sức của chủ đầu tư, ông Thắng kiến nghị cần áp dụng những biện pháp cứng rắn như cấm đấu thầu trong một thời hạn nhất định đối với những nhà thầu tham gia “đấu thầu thử”, “bỏ chạy”!.
Đình Hòa