Dấu hiệu pháp lý một số tội danh thuộc nhóm tội phạm tham nhũng

(Pháp lý). Nhiều bạn đọc quan tâm muốn tìm hiểu về dấu hiệu pháp lý của Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định trong BLHS 2015. Tội danh này so với một số tội danh khác như Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ; Tội giả mạo trong công tác …có gì khác nhau ?

Tội phạm về chức vụ là gì? Các tội phạm về chức vụ theo Bộ Luật hình sự?

Dấu hiệu pháp lý một số tội danh thuộc nhóm tội phạm tham nhũng (Ảnh minh hoạ)

Để giải đáp nhu cầu của bạn đọc, chúng tôi nêu ra dưới đây dấu hiệu pháp lý đặc trưng của ba trong số các tội danh thuộc nhóm tội tham nhũng để bạn đọc có thêm kiến thức về pháp luật hình sự.

Trước tiên, các tội danh trên đều có chủ thể là người có chức vụ quyền hạn và thuộc Nhóm tội phạm về tham nhũng được quy định tại mục 1 Chương XXIII của BLHS năm 2015 gồm 7 điều, từ Điều 353 đến Điều 359. Đó là các tội: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và giả mạo trong công tác.

Những dấu hiệu pháp lý Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi làm trái với nhiệm vụ được giao của người có chức vụ, quyền hạn, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà  nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trước hết hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức đồng thời xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật tuỳ thuộc vào lĩnh vực mà hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra.

Tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có dấu hiệu pháp lý như sau:

Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm là người có chức vụ, quyền hạn. Theo Khoản 2 Điều 352 BLHS, người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

Nếu người gây thiệt hại cho xã hội không có dấu hiệu về chức vụ, quyền hạn thì hành vi gây thiệt hại có thể cấu thành một tội phạm khác. Dấu hiệu về chủ thể đặc biệt chỉ yêu cầu người phạm tội, trong trường hợp đồng phạm thì những người đồng phạm khác như người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức không cần dấu hiệu trên đây

Khách thể của tội phạm: Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trực tiếp xâm hại đến sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức; làm cho các cơ quan tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước.

Mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội này là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ. Theo đó, làm trái công vụ là không làm hoặc làm không đúng, không đầy đủ nhiệm vụ được giao.

Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc, cụ thể là hành vi phạm tội phải gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Hậu quả của tội phạm rất đa dạng, chúng có thể là những thiệt hại mang tính vật chất như tính mạng, sức khỏe, tài sản nhưng cũng có thể là những thiệt hại phi vật chất như uy tín, danh dự, nhân phẩm con người… Khi có hậu quả xảy ra thì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ bị coi là tội phạm.

Thủ đoạn phạm tội là lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tức là người phạm tội sử dụng quyền hạn được giao như là một phương tiện phạm tội để thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, tội phạm này hoàn toàn không có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản.

Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Động cơ phạm tội là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Động cơ vụ lợi là động cơ mưu cầu lợi ích vật chất cho mình, cho người khác hoặc cho một nhóm người nào đó. Động cơ cá nhân khác có thể là củng cố địa vị, uy tín cá nhân hoặc quyền lực cá nhân mà không mưu cầu lợi ích vật chất…

Hình Phạt: Điều 356 BLHS quy định 3 khung hình phạt chính với tội này, cụ thể:

Nếu người phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm;

Nếu người phạm tội phạm tội có tổ chức hoặc phạm tội 02 lần trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm;

Nếu người phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm.

Ngoài ra, BLHS còn quy định hình phạt bổ sung với tội này, cụ thể là người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Những dấu hiệu pháp lý Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ

Lạm quyền trong khi thi hành công vụ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vì mục đích vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân nào đó đã vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, của xã hội, lợi ích hợp pháp của công dân.

Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ có dấu hiệu pháp lý như sau:

Chủ thể của tội phạm: Trước hết, người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ phải là người có chức vụ, quyền hạn, nếu không có chức vụ, quyền hạn thì không thể lạm quyền được. Người không có chức vụ, quyền hạn mà tự xưng là mình có chức vụ, quyền hạn thì đó là mạo danh, giả danh có thể là lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phải là lạm quyền,

Người không có chức vụ, quyền hạn vẫn có thể trở thành chủ thể của tội này trong trường hợp đồng phạm với vai trò không phải người thực hành (ví dụ: người xúi giục).

Khách thể của tội phạm: Khách thể của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan nhà nước, tổ chức bị lung lay, suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và nhà nước. Mặc dù tội phạm này gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, nhưng không vì thế mà cho rằng khách thể của tội phạm này là những thiệt hại thực tế xảy ra cho nhà nước, của xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, mà những thiệt hại đó chỉ là hậu quả của hành vi phạm tội (dấu hiệu thuộc mặt khách quan).

Mặt khách quan của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ: Người phạm tội có hành vi lạm quyền, lạm quyền ở đây được định nghĩa là trong khi thi hành công vụ đã thực hiện hành vi vượt quá quyền hạn của mình. Ví dụ: Giáo viên chủ nhiệm lạm dụng quyền dạy học của mình mà bắt buộc học sinh đóng tiền mua tài liệu

Về hậu quả: Gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, hậu quả của tội lạm quyền trong khi người thi hành công vụ là dấu hiệu bắt buộc. Nếu hành vi lạm quyền chưa gây thiệt hại thì chưa cấu thành tội phạm này. Ngoài thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì còn có những hậu quả khác không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng trong một số trường hợp nó là yếu tố định khung hình phạt như: hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Mặt chủ quan của tội phạm:  Người thực hiện hành vi phạm tội của mình với lỗi cố ý (bao gồm cả lỗi cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp). Có nghĩa là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.

Về động cơ phạm tội của người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ: Vụ lợi, động cơ cá nhân khác. Điều này cũng được thể hiện ngay câu đầu tiên của Điều 357 Bộ luật Hình sự: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác”. Động cơ phạm tội là yếu tố bắt buộc phải xác định được. Nếu không xác định được động cơ của người phạm tội thì hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân chưa cấu thành tội phạm này.

Hình Phạt: Điều 357 BLHS quy định 4 khung hình phạt chính với tội này, cụ thể:

Nếu người phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

Nếu người phạm tội phạm tội có tổ chức hoặc phạm tội 02 lần trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản  từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm;

Nếu người phạm tội gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm.

Nếu người phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.

Ngoài ra, BLHS còn quy định hình phạt bổ sung với tội này, cụ thể là người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Những dấu hiệu pháp lý Tội giả mạo trong công tác

Tội giả mạo trong công tác cũng là loại tội phạm tham nhũng mà người phạm tội có hành vi lợi dụng lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhưng không nhằm chiếm đoạt, không phải để nhận hối lộ hay gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; để làm hoặc cấp giấy tờ giả; để giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

Xét về hành vi khách quan, tội phạm này gần giống với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xét về thủ đoạn, tội phạm này gần giống với các tội phạm khác có việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Xét động cơ, tội phạm này gần giống với các tội có động cơ vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác.

Chủ thể của tội phạm: Cũng như đối với các tội phạm về chức vụ, các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội giả mạo trong công tác cũng là các dấu hiệu quan trọng để xác định hành vi phạm tội, là dấu hiệu phân biệt sự khác nhau giữa tội phạm này với các tội phạm khác do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện.

Trước hết, người phạm tội giả mạo trong công tác phải là người có chức vụ, quyền hạn nhất định. Phạm vi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội giả mạo trong công tác cũng tương đối rộng. Tuy nhiên, người phạm tội giả mạo trong công tác là người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; để làm hoặc cấp giấy tờ giả; để giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn khác.

Nếu người có chức vụ, quyền hạn lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiếp tay cho người khác để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; để làm hoặc cấp giấy tờ giả; để giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì tuỳ trường hợp cụ thể mà người lợi dụng chức vụ, quyền hạn bị tổ chức trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội tham ô.

Khách thể của tội phạm: Khách thể của tội giả mạo trong công tác là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín. Vì vậy, giả mạo trong công tác là tội phạm tham nhũng là đối tượng bị xử lý nghiêm.

Đối tượng tác động của tội giả mạo trong công tác là giấy tờ, tài liệu, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Người phạm tội đã tác động vào làm cho tài liệu, giấy tờ, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn bị sai lệch, không đúng thực tế.

Mặt khách quan của tội phạm: Đối với tội giả mạo trong công tác, các dấu hiệu thuộc mặt khách quan cũng là những dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội cũng như để phân biệt tội giả mạo trong công tác với các tội khác.

Hành vi khách quan:  là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc giả mạo trong công tác; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện một trong các hành vi sau: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ kỹ của người có chức vụ, quyền hạn.

Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi cố ý trực tiếp, tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, nếu người phạm tội có các hành vi khách quan nếu ở trên những không  vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác thì hành vi giả mạo trong công tác chưa cấu thành tội phạm…

Hình phạt: Mức phạt đối với Tội "Giả mạo trong công tác" hiện nay được quy định tại Điều 359, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Tùy mức độ vi phạm, sẽ bị xử phạt tù từ 01 đến 05 năm với các hành vi: sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;  làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn… Hình phạt cao nhất phải chịu lên đến 20 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: dlm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên; để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 – 100.000.000 đồng.

Dấu hiệu pháp lý đặc trưng riêng giữa các tội danh

Về hành vi khách quan:

Đối với tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái công vụ. Người phạm tội sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình được giao như một “phương tiện” để phạm tội.

Đối với tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ là hành vi vượt quá phạm vi chức trách, nhiệm vụ được giao, từ đó dẫn đến làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Người có chức vụ, quyền hạn đã tự ý làm những việc thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn hoặc của người khác

Người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn tác động vào giấy tờ, tài liệu, chữ ký bị sai lệch không đúng với thực tế. Đối tượng xâm phạm là hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức, làm cho cơ quan tổ chức bị suy yếu, mất uy tín.

Về mức độ sử dụng nhiệm vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ:

Đối với Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì khi thực hiện hành vi: Người phạm tội vẫn thực hiện công việc trong phạm vi thẩm quyền, chức danh được giao (không có vi phạm về mặt phạm vi của thẩm quyền); trong quá trình giải quyết công việc được giao, người phạm tội vi phạm quy định về cách thức thực hiện công việc đó (có vi phạm về mặt nội dung của thẩm quyền).

Đối với tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ thi trong quá trình thực hiện công vụ, người phạm tội thực hiện sai thẩm quyền dẫn tới thực hiện sai nội dung của thẩm quyền; hoặc thực hiện sai thẩm quyền nhưng vẫn đúng về nội dung của thầm quyền. Bản chất của hành vi phạm tội thể hiện ở việc vi phạm về thẩm quyền thực hiện hoạt động công vụ.

Đối với tội phạm giả mạo trong công tác, là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc giả mạo trong công tác; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc giả mạo. Tuy nhiên, động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, nếu người phạm tội có các hành vi khách quan nêu ở trên nhưng không vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác thì hành vi giả mạo trong công tác chưa cấu thành tội phạm.

Xuân Trường (Tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin