Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Việt Nam năm 2017 vừa chính thức được công bố. Một trong các xu hướng đáng lo ngại báo cáo đưa ra đó là hầu hết doanh nghiệp cần có “mối quan hệ” mới tiếp cận được tài liệu của tỉnh...
Doanh nghiệp ngày càng khó tiếp cận đất đai
Báo cáo PCI năm 2017 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố đã chỉ ra một loạt các xu hướng đáng lo ngại đối với doanh nghiệp.
Trong đó, xu hướng liên quan đến đất đai được nhấn mạnh. Kết quả điều tra cho thấy doanh nghiệp đang ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, mở rộng mặt bằng kinh doanh. Họ cũng cảm thấy mức độ rủi ro bị thu hồi đất gia tăng.
Tỷ lệ doanh nghiệp có đất và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm nhẹ so với năm 2016 và thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục từng được ghi nhận trong năm 2012 và 2013.
Để tìm hiểu nguyên nhân cho vấn đề này, nhóm chuyên gia PCI cho biết đã tiếp tục hỏi doanh nghiệp về khó khăn lớn nhất của họ trong việc tiếp cận, mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh là gì.
Kết quả cho thấy, vấn đề lớn nhất không phải là thiếu quỹ đất sạch. Chỉ 16% doanh nghiệp lựa chọn nhận định này. Thay vào đó, doanh nghiệp cho biết sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, họ gặp phải rất nhiều phiền hà trong các thủ tục về giải phóng mặt bằng, bồi thường cho người dân hay các thủ tục quy định khác của tỉnh.
Khoảng một phần ba (32%) doanh nghiệp đánh giá quy hoạch đất đai của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, khiến nhiều lô đất xa cơ sở hạ tầng hiện có hoặc ở các địa điểm thuận tiện, chẳng hạn như lân cận các cơ sở gây ô nhiễm hoặc quá gần các khu dân cư.
Kết quả điều tra từ PCI cũng cho thấy mức độ ổn định trong quá trình sử dụng đất của các doanh nghiệp đang xấu đi. Tỉnh trung vị chỉ đạt 1,6 điểm trên thang 5 điểm, cho thấy mức độ rủi ro bị chính quyền thu hồi đất đối với doanh nghiệp ngày càng cao. Đây là mức điểm thấp nhất được ghi nhận trong 13 năm điều tra PCI.
Những lo ngại này có tác động rất tiêu cực đến đầu tư vì doanh nghiệp khi phải đối mặt với những rủi ro này sẽ rất dè dặt đầu tư trên khu đất mà họ biết rằng sẽ có thể bị thu hồi, nhóm nghiên cứu PCI nhận định.
Vấn đề thậm chí còn đáng lo ngại hơn đó là doanh nghiệp cho rằng mức bồi thường không thỏa đáng đối với mặt bằng kinh doanh nếu bị thu hồi. Chỉ có 28% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị cho rằng mức bồi thường là thỏa đáng. Con số này có nhỉnh hơn một chút so với năm 2016, nhưng vẫn là mức điểm thấp thứ hai trong lịch sử điều tra PCI.
Cuối cùng, một phần tư các doanh nghiệp nhận định rằng việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng.
Doanh nghiệp phải có “quan hệ”
Báo cáo PCI 2017 cũng cho thấy, tuy đã có nhiều tiến bộ, nhưng môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều những xu hướng đáng lo ngại, cần được khắc phục như: Tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn chưa cao, thiết chế pháp lý, hệ thống giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu...
Đặc biệt, năm 2017, trung bình vẫn có trên 59% doanh nghiệp cho biết họ vẫn còn phải trả các chi phí không chính thức, dù chỉ số này đã giảm so với những năm trước, 28% doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng với kết quả giải quyết công việc của các công chức.
"70% doanh nghiệp cho biết cần có "mối quan hệ" để có được các tài liệu của tỉnh. Chỉ 50% doanh nghiệp có thể tiếp cận được thông tin đấu thầu qua các kênh công khai", báo cáo PCI cho biết.
Ngoài ra, tình hình an ninh trật tự ở một số địa phương cũng là mối quan ngại cho nhiều doanh nghiệp… Kết quả điều tra năm 2017 cho thấy không có dấu hiệu tội phạm lan tràn ngoài tầm kiểm soát, nhưng vẫn có 3% doanh nghiệp cho biết phải trả tiền bảo kê cho các băng nhóm côn đồ, tổ chức xã hội đen để được yên ổn làm ăn.
Được biết, đây là năm thứ 13 liên tiếp VCCI thực hiện công bố kết quả điều tra PCI. Cuộc điều tra PCI 2017 nhận được sự phản hồi của 10.245 doanh nghiệp tư nhân trong nước tại 63 tỉnh, thành phố (trong đó có 2.003 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2016 và 2017) và 1.765 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 47 quốc gia đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Theo Dantri