Dân nghe sẽ không chịu

05/04/2016 03:51

(Pháp lý) - “Thuốc đắng dã tật” - thuốc trị bệnh tuy có vị đắng nhưng khiến người ta khỏi bệnh. Nếu chỉ thích các thứ ngon ngọt cho sướng miệng, không chịu uống thuốc thì bệnh đương nhiên ngày càng trầm trọng. Cho nên, nếu muốn khỏi bệnh thì phải uống thuốc, đắng cũng phải uống.  Từ thành ngữ cửa miệng dân gian đó, liên hệ đến nội dung nghị sự tại Quốc hội hiện nay, hay nhìn rộng ra các hoạt động khác, ta có thể thấy thành ngữ đó vẫn nên được nhắc lại.

Một trong những chức năng cơ bản của Quốc hội là giám sát tối cao, giám sát để thấy cái làm được, cái chưa làm được, thấy những cái đúng, phát hiện những cái sai để cùng khắc phục, cũng giống như hoạt động kiểm tra sức khỏe để điều chỉnh kịp thời. Muốn giám sát đạt kết quả cao thì người giám sát phải đủ năng lực, đủ điều kiện, đối tượng được giám sát phải báo cáo trung thực, khách quan. Về lý thuyết là thế… Nhưng bệnh thành tích, tô hồng sự thật, né tránh những vấn đề thực tế gai góc là căn bệnh không mới vẫn xuất hiện trong các báo cáo công vụ, từ cấp thấp đến cấp cao, từ cấp xã phường đến Quốc hội. Trên diễn đàn kỳ họp 11, kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIII, đại biểu Huỳnh Nghĩa, trưởng đoàn Đà Nẵng nói: Nhìn các con số trong báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ của các ngành, “sẽ là hồng phúc cho dân tộc nếu đó là thực chất” song ông nghi ngại “dân nghe sẽ không chịu”.

[caption id="attachment_138139" align="aligncenter" width="410"]Quang cảnh kì họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII Quang cảnh kì họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII[/caption]

Đại biểu Nghĩa đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy các báo cáo chưa sát thực, khiến khó thuyết phục được người dân tin tưởng. Nhận xét về báo cáo của Quốc hội, ông cho rằng cơ quan quyền lực chưa nghiêm. Ví dụ, Luật Lao động chúng ta làm ra đã quy định độ tuổi lao động rồi, thế mà khi làm nghị định, Chính phủ quy định độ tuổi cao hơn mà không thấy Quốc hội nói gì, kể cả việc đề nghị sửa lại luật chứ không thể có chuyện nghị định trên luật được.

Nhấn mạnh nói đến Quốc hội là nói đến xây dựng luật, song đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng, luật ban hành nhiều nhưng chất lượng chưa tốt. Thực tế hiện nay cơ quan làm luật là Chính phủ nên có nhiều luật không đi vào thực tiễn, có hơi hướng của lợi ích nhóm, cục bộ nhưng chúng ta không cương quyết. Luật quy định cấm hút thuốc lá, tử hình bằng tiêm thuốc độc nhưng đến giờ có thực hiện không? Người ta làm đơn xin được chết nhưng lại không tử hình được vì không có thuốc. Chúng ta làm luật như thế thì làm sao luật đi vào cuộc sống được. Mà luật không đi vào cuộc sống thì làm luật ra để làm gì.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam thì cho rằng cần có cơ chế và điều kiện để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu chuyên trách, nhất là việc xây dựng luật và giám sát chuyên đề. Điều này cần được đánh giá kỹ hơn trong báo cáo của Quốc hội.

Chia sẻ về chất lượng hoạt động giám sát, ông Huỳnh Thành (Gia Lai) đánh giá hoạt động giám sát chuyên đề đã được người dân trông đợi đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cuộc đi hàng chục xe mà chỉ giám sát có vài ba phút thì sao sâu sát được.

Ông Huỳnh Nghĩa nhận định, giám sát chuyên đề là một điểm sáng về phương thức hoạt động của nhiệm kỳ qua nếu xét về hình thức. Còn thực chất thì vẫn chưa tới, thậm chí là “cưỡi ngựa xem hoa”, ông nói. Ví dụ trong đề cương giám sát nói thành phần rất đông, Thường vụ Quốc hội đi nhiều lắm nhưng nhiều khi chỉ một anh Phó chủ nhiệm đi nên không kết luận được. Như giám sát oan sai, là chuyên đề lớn như thế, địa phương cử rất nhiều ban ngành báo cáo, nhưng rồi trưởng đoàn giám sát không kết luận được để lãnh đạo địa phương phải bức xúc tới mức nói “thôi lần sau tôi không dành thời gian cho các ông nữa”, ông Nghĩa thuật lại.

Dẫn các con số về giải quyết thành công các vụ việc đạt tỷ lệ 98,5%, rồi gần 100% từ các báo cáo của Tòa án, Viện kiểm sát, Trưởng đoàn Đà Nẵng bình luận: “Nếu thế thì hồng phúc cho dân, cho đất nước. Nhưng vậy bao vụ án oan sai đâu mà báo cáo tròn trĩnh thế!? Nghe thế này dân không chịu được đâu, oan sai, đơn thư nhiều lắm!”.

Đại biểu đặt vấn đề: “Tôi đọc hai báo cáo mà các đồng chí đọc trước Quốc hội đạt tỷ lệ quá cao nhưng tại sao oan sai vẫn còn, xử không đúng vẫn còn? Các vụ xử nói thế thì cần phải kiểm điểm nghiêm túc, đặc biệt những thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên phải kiểm điểm”.

Nhấn mạnh tới việc lựa chọn cho bằng được những người có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn thực sự đưa vào bộ máy của cơ quan tư pháp, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng khẳng định việc đó mới giúp bảo vệ được quyền lợi của người dân. Đối với những cán bộ yếu kém thì phải xử lý, thải loại. Nếu gây oan sai thì phải bồi thường thiệt hại cho nhà nước. “Mặc dù đến nay đã có Luật Bồi thường nhà nước nhưng đã có anh nào gây oan sai cho người dân phải bồi thường hay chưa? Tôi chưa thấy. Như thế làm luật làm gì?” - ông Nghĩa thẳng thắn.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa trăn trở: “Dân đặt niềm tin vào đại biểu Quốc hội, mong muốn chúng ta thể hiện ý chí, nguyện vọng của họ nhưng chúng ta làm chưa đến nơi đến chốn. Nếu chúng ta giám sát kỹ thì chắc chắn những việc oan sai, oan ức, đơn thư khiếu nại sẽ làm được nhiều việc, đem lại được niềm tin cho nhân dân với Quốc hội... Làm thế này là nặng nợ với cử tri lắm”.

Chia sẻ đầy trách nhiệm của đại biểu Quốc hội cho thấy dù có quá nhiều vấn đề phải “điều trị” nhưng xem ra không phải lúc nào “thuốc” cũng được trọng dụng, sự thật vẫn thấp thoáng đâu đó chứ chưa được thượng tôn.

Bệnh hình thức ngày càng trầm trọng, len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, nhưng bệnh hình thức được phô diễn tại diễn đàn Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất thì càng đáng lo ngại. Bệnh hình thức, làm cho có, không cốt ở thực chất thì có giám sát cũng không khác bao nhiêu so với không giám sát, có luật mà không thi hành được, luật không đi vào cuộc sống thì hậu quả nhỡn tiền là tốn tiền ngân sách và hao mòn lòng tin của cử tri, của địa phương với Quốc hội.

Các đại biểu không “tâm tư” sao được.

Thái Bảo

Bạn đang đọc bài viết "Dân nghe sẽ không chịu " tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin