Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, nhiều đoàn đại biểu nghiêm túc lấy ý kiến chuyên gia về các dự án luật, trong đó có nhiều ý kiến hay, xác đáng nhưng không được tổng hợp tiếp thu.
Sáng 26/7, phát biểu trong phiên thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 , đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề cập đến những sai sót của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015.
Ý kiến hay, xác đáng không được tiếp thu
Vị đại biểu đoàn Ninh Thuận cho rằng, rút kinh nghiệm các lỗi sai sót của BLHS 2015, quốc hội cần xem xét, rút kinh nghiệm trong việc xây dựng luật, rút kinh nghiệm trong cách thức làm luật tại quốc hội, để huy động được trí tuệ của tất cả các đại biểu.
Nói về quy trình thẩm tra các dự án luật, ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, đại biểu quốc hội nào không phải là ủy viên của ủy ban chủ trì thẩm tra dự án luật, sẽ ít cơ hội được tham gia ý kiến, vì nhiều hoạt động không được tham dự, không ai mời.
[caption id="attachment_145069" align="aligncenter" width="410"]
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: Quochoi.vn.[/caption]
Khi thẩm tra sơ bộ hay thẩm tra chính thức, ủy ban chủ trì có mời đại diện của các ủy ban khác dự, tuy nhiên một đại biểu đến không nói lên điều gì, có khi họ bận, hoặc không quan tâm đến dự án luật đó thì sự tham gia bằng không - ông Cương nêu quan điểm và nhấn mạnh rằng, thực tế có nhiều đại biểu tâm huyết nhưng không có cơ hội tham gia.
Ngoài ra, nhiều khi đại biểu xin tài liệu nghiên cứu cũng không có, vì trong quá trình thẩm tra các dự án luật có thay đổi, chỉnh lý liên tục. Xin tài liệu cũng không được nên cơ hội tham gia chỉ còn lại trong kỳ họp.
Theo quy định, tài liệu phải gửi cho đại biểu trước 20 ngày khi diễn ra kỳ họp, tuy nhiên, thường đến họp rồi đại biểu mới có, thậm chí khi vào họp, sắp đến ngày thảo luận mới có. “Vậy thời gian đâu để mà tham gia?” – đại biểu đặt câu hỏi.
Nhấn mạnh việc Quốc hội phải rút kinh nghiệm trong việc xây dựng luật, làm luật, đại biểu Cương dẫn chứng ở các phiên họp tổ - thời gian dành cho các đại biểu nói, góp ý khá nhiều nhưng khâu tổng hợp ý kiến thì rất yếu. “Qua 2 khâu tổng hợp - tại tổ và tổng hợp chung thì rất nhiều ý kiến của đại biểu biến đi đâu mất” – đại biểu nói.
Khi các dự án luật được gửi lấy ý kiến của các đoàn, ông Cương cho rằng rất nhiều nơi làm nghiêm túc, tổ chức lấy ý kiến ở địa phương, của các cơ quan tổ chức, chuyên gia. Rất nhiều ý kiến hay, xác đáng nhưng không được tổng hợp để tiếp thu, vì thế, nhiều đoàn đại biểu "rất nản vì làm mất công nhưng không được tiếp thu, ghi nhận ý kiến dù có văn bản tham gia".
[caption id="attachment_145070" align="aligncenter" width="410"]
Bộ luật hình sự 2015 được nhiều nhà xuất bản phát hành. Ảnh: V.Đ.[/caption]
“Tôi đề nghị Quốc hội cần có sự cải tiến, điều hành linh hoạt trong thảo luận để huy động được trí tuệ của gần 500 đại biểu quốc hội thì chất lượng các dự án luật mới nâng lên được” - đại biểu kiến nghị.
Cùng quan điểm, đại biểu Ngô Văn Minh cũng kiến nghị quốc hội xem xét lại quy trình xây dựng, ban hành luật. “Nếu chúng ta rà lại, ngẫm nghĩ lại Quốc hội 2 khóa gần đây, nhiều đạo luật còn sai sót, không chỉ BLHS mà như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Ngân sách nhà nước” - ông Minh chỉ rõ và kiến nghị, những sai sót đó cần phải được nhìn nhận nghiêm túc và xác định rõ trách nhiệm trong thời gian tới.
Bộ luật Tố tụng hình sự cũng sai sót
Vẫn theo ông Nguyễn Sỹ Cương, Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) bị hoãn thi hành vì liên quan đến các sai sót của BLHS. Tuy nhiên, bản thân Bộ luật TTHS không phải không có sai sót.
Đại biểu viện dẫn Điểm e, Khoản 2, Điều 39 quy định khi tiến hành tố tụng hình sự đối với các tội ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang thì các cơ quan khác có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành các biện pháp điều tra và được áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của bộ luật. Tuy nhiên, tại Điều 124 biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp ngăn chặn lại quy định chỉ có thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án có quyền áp dụng. "Vậy là bỏ sót thẩm quyền của các cơ quan khác" - đại biểu Cương nói.
Hay Điều 40, Khoản 3 quy định: "Cán bộ điều tra của cơ quan khác, cơ quan công an nhân dân và quân đội nhân dân, được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có quyền lấy lời khai của người bị kiến nghị khởi tố". Trong khi đó, Điều 145 quy định chỉ có cơ quan điều tra mới có quyền giải quyết kiến nghị khởi tố.
Về Điều 179 quy định: "Sau khi ra quyết định khởi tố bị can phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát mới giao quyết định cho người bị khởi tố", tức là khi đó họ mới là bị can. Trong khi đó Điều 183 quy định việc hỏi cung bị can được tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can - đại biểu Cương chỉ rõ.
Hai ngày trước khi BLHS 2015 có hiệu lực, hôm 29/6 các đại biểu Quốc hội khoá XIII đã hoàn tất biểu quyết lùi thời hiệu áp dụng, do phát hiện Bộ luật này có khoảng 90 lỗi kỹ thuật. Theo Nghị quyết của Quốc hội khi thông qua Bộ luật này, thời hạn thi hành là 1/7/2016.
Cùng với việc lùi lại hạn thi BLHS 2015, Nghị quyết của Quốc hội cũng quyết định cho lùi hiệu lực thi hành của 3 đạo luật được thông qua năm 2015 gồm Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Các đạo luật này có nhiều điều khoản viện dẫn, liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự mới.
Theo Zing