Nhìn các con số trong báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ của các ngành, đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng “sẽ là hồng phúc cho dân tộc nếu đó là thực chất” song ông nghi ngại “dân nghe sẽ không chịu”.
Sáng 23/3, Quốc hội thảo luận tại tổ về 6 báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước.
"Góp ý cho cả nhiệm kỳ, cũng là để rút ra bài học, chuẩn bị cho cả khóa mới thế nhưng chỉ trong một buổi mà làm đến 6 báo cáo thì sao nói hết được. Chỉ là cưỡi ngựa xem hoa thôi", trưởng đoàn Đà Nẵng - đại biểu Huỳnh Nghĩa bức xúc.
Không phủ nhận thành tích đề cập trong các báo cáo, song ông Nghĩa muốn dành thời gian để nói về “những điều chưa làm được”.
[caption id="attachment_137450" align="aligncenter" width="410"]
Đại biểu Huỳnh Nghĩa. Ảnh: Quochoi.vn[/caption]
Nhận xét về báo cáo của Quốc hội, ông cho rằng cơ quan quyền lực chưa nghiêm.
“Luật Lao động chúng ta làm ra đã quy định độ tuổi lao động rồi. Thế mà khi làm nghị định, Chính phủ quy định độ tuổi cao hơn không thấy Quốc hội nói gì, kể cả việc đề nghị sửa lại luật chứ không thể có chuyện nghị định trên luật được”, ông dẫn chứng.
Đặc biệt, theo ông việc một số nhân sự quá tuổi quy định ở trung ương được giới thiệu làm đại biểu quốc hội, trong khi đại biểu ở địa phương bị giới hạn là điều không công bằng.
Hướng về phía Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, ông Nghĩa kiến nghị ông Sơn phản ánh lên trung ương, lên thường vụ Quốc hội vấn đề này.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội, ở các nước, đại biểu Quốc hội chuyên trách không bị giới hạn tuổi nếu còn sức khỏe, năng lực và có nguyện vọng. “Ví dụ Thượng nghĩ sỹ John McCain của Mỹ chắc đã gần 80 tuổi”, ông Sơn dẫn chứng và cho rằng cũng nên xem xét nâng trần thêm 5 tuổi với đại biểu chuyên trách ở Việt Nam vì phần lớn họ là những người am hiểu, hoạt động chuyên sâu và có nhiều đóng góp để nâng cao chất lượng của hoạt động nghị trường.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam thì cho rằng cần có cơ chế và điều kiện để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu chuyên trách, nhất là việc xây dựng luật và giám sát chuyên đề. “Điều này cần được đánh giá kỹ hơn trong báo cáo của Quốc hội”, ông lưu ý.
Chia sẻ về chất lượng hoạt động giám sát, ông Huỳnh Thành (Gia Lai) đánh giá hoạt động giám sát chuyên đề đã được người dân trông đợi đánh giá cao. “Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cuộc đi hàng chục xe mà chỉ giám sát có vài ba phút thì sao sâu sát được”, ông lo ngại.
Ông Huỳnh Nghĩa nhận định, giám sát chuyên đề là một điểm sáng về phương thức hoạt động của nhiệm kỳ qua nếu xét về hình thức. “Còn thực chất thì vẫn chưa tới, thậm chí là cưỡi ngựa xem hoa”, ông nói.
“Ví dụ trong đề cương giám sát nói thành phần rất đông, thường vụ Quốc hội đi nhiều lắm nhưng nhiều khi chỉ một anh Phó chủ nhiệm đi nên không kết luận được. Như giám sát oan sai, là chuyên đề lớn như thế, địa phương cử rất nhiều ban ngành báo cáo. Nhưng rồi trưởng đoàn giám sát không kết luận được để lãnh đạo địa phương phải bức xúc tới mức nói “thôi lần sau tôi không dành thời gian cho các ông nữa”, ông Nghĩa thuật lại.
Dẫn các con số về giải quyết thành công các vụ việc đạt tỷ lệ 98,5%, rồi gần 100% từ các báo cáo của tòa án, viện kiểm sát, trưởng đoàn Đà Nẵng bình luận: “Nếu thế thì hồng phúc cho dân nhân, cho đất nước. Nhưng tôi e nghe vậy dân không chịu được đâu, oan sai nhiều lắm, đơn thư nhiều lắm, sao báo cáo lại tròn trĩnh vậy được”.
Theo Vnexpress