Đại án Phạm Công Danh: Luật sư đề nghị xem xét kiến nghị của nguyên chánh tòa hình sự TANDTC

05/01/2017 17:23

Sau phiên sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân Tối cao, tác giả các tập sách Bình luận khoa học Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng Hình sự… đã có các ý kiến rất đáng lưu ý. Trao đổi với báo chí, luật sư Hoàng Đôn Hùng- Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh và nhiều luật sư khác khi được hỏi cho biết tha thiết đề nghị Tòa Phúc thẩm xem xét các kiến nghị của ông Đinh Văn Quế về đại án ở VNCB.

14

 

Vì sao chỉ mình Phạm Công Danh phải bồi thường?

Theo Bản Kiến nghị của ông Đinh Văn Quế, vụ án có 36 bị cáo bị kết tội ở hai nhóm tội vi phạm quy định về cho vay và cố ý làm trái gây thiệt hại cho VNCB. Tuy nhiên,Tòa chỉ buộc Phạm Công Danh phải bồi thường cho VNCB, 35 bị cáo còn lại không phải bồi thường dù bị kết tội. Theo quy định pháp luật, nhiều người cùng gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường cho bên bị thiệt hại.

Ông Đinh Văn Quế nguyên Chánh tòa Hình sự, TAND Tối cao cho rằng tòa sơ thẩm xác định chưa đúng tư cách tham gia tố tụng của VNCB, đồng thời việc không buộc tất cả các bị cáo trong vụ án phải liên đới bồi thường thiệt hại cho VNCB là chưa phù hợp pháp luật. Dù Phạm Công Danh và đồng phạm phạm tội gì thì tất cả đều phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại là VNCB.

Trước đó, Tòa sơ thẩm cho rằng các bị cáo làm theo sự chỉ đạo của Phạm Công Danh, không hưởng lợi nên không phải chịu trách nhiệm dân sự, không phải bồi hoàn cho VNCB.

Phạm Công Danh có yếu tố cấu thành tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Theo phân tích cá nhân của ông Đinh Văn Quế thì xác định theo quy định pháp luật thì hành vi của Phạm Công Danh có đủ dấu hiệu cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, có tình tiết tăng nặng là lợi dụng chức vụ, quyền hạn chứ không phải tội “cố ý làm trái …” và “vi phạm các quy định về cho vay…”.

Toàn bộ số tiền hơn 18.000 tỷ đồng Phạm Công Danh rút ra từ VNCB và lập các hồ sơ khống để vay 3 Ngân hàng khác đều được Phạm Công Danh chi tiêu cá nhân, trả nợ cá nhân, chi tiêu không xác định được địa chỉ.Ông Quế cho rằng xác định chưa đúng tư cách tham gia tố tụng của Ngân hàng Xây Dựng (VNCB) ảnh hưởng tới quyết định thu hồi tài sản cho VNCB…

Cơ quan hữu trách xác định Phạm Công Trung, em trai Phạm Công Danh, giúp sức đắc lực cho Phạm Công Danh lập hồ sơ khống vayBIDV 4.700 tỷ đồng. Danh chỉ đạo Trung lấy số liệu từ 30 dự án xây dựng cho Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Lưu Trung Kiên, Phan Minh Tùng lập hồ sơ, hợp đồng mua bán khống giữa 12 công ty và 29 công ty bên ngoài làm phương án kinh doanh trong hồ sơ vay vốn BIDV. Nhiều giám đốc các công ty khaiviệc ký hợp đồng khống là do Phạm Công Trung liên hệ, thỏa thuận với họ. Phạm Công Trung trực tiếp nhờ họ đứng tên làm giám đốc và lấy thông tin của họ, đưa họ đi ký thủ tục để thành lập doanh nghiệp. Phạm Công Trung trực tiếp dùng tiền rút từ ngân hàng mua và sở hữu cổ phần VNCB, có hưởng lợi.

Do không xác định hành vi của Phạm Công Danh là chiếm đoạt, có hàng ngàn tỷ đồng không xác định được Phạm Công Danh chi tiêu vào việc gì, hàng ngàn tỷ đồng khác trả nợ cho cá nhân Danh và Tập đoàn Thiên Thanh cũng không được làm rõ tiền đi đâu.

Theo luật sư Hoàng Đôn Hùng, ông Đinh Văn Quế gửi kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền với tư cách là một cử tri để đề nghị xem xét các vấn đề của vụ án. Việc này phù hợp với luật định, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, Tòa Phúc Thẩm sẽ chỉ giải quyết các các vấn đề của vụ án thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm theo luật định chứ không quyết định hoặc trả lời những nội dung mà ông Đinh Văn Quế đã nêu trong bản kiến nghị.

“Trong phần thủ tục khai mạc phiên tòa phúc thẩm ngày 27/12, luật sư của Phạm Công Danh yêu cầu phải có mặt 2 nhân vật mấu chốt của vụ án là Trang Phố núi và đại gia Hứa Thị Phấn. Một số luật sư cũng đề nghị tòa triệu tập Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, triệu tập ông Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQ ngân hàng TMCP Đại Dương đến tòa vì ông Thắm có vai trò trong việc vay nợ giữa ông Danh và bà Hứa Thị Phấn (người đã bán ngân hàng Đại Tín cho ông Danh). Bà Hứa Thị Phấn là người liên quan có kháng cáo nhưng cũng vắng mặt tại tòa”.

Theo ANTT

Bạn đang đọc bài viết "Đại án Phạm Công Danh: Luật sư đề nghị xem xét kiến nghị của nguyên chánh tòa hình sự TANDTC" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin