Cụ Trần Văn Thêm - người hai lần bị kết án tử hình oan, năm nay đã ngoài 80 tuổi, ốm đau bệnh tật, dù đã được ký văn bản bồi thường oan sai 6,7 tỷ đồng từ cách đây gần 4 tháng nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được tiền hoặc thấy hồi âm.
Ngóng chờ tiền bồi thường từng ngày
[caption id="attachment_169178" align="aligncenter" width="546"]
Cụ Trần Văn Thêm (bên trái) đang ngóng chờ tiền bồi thường từng ngày[/caption]
Ngày 2/8, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hòa (Phó Giám đốc công ty luật Hòa Lợi, là người tham gia bảo vệ quyền lợi miễn phí cho cụ Thêm) cho biết: "Tại buổi công khai xin lỗi cụ Thêm hôm 11/8/2016, đại diện liên ngành tư pháp Trung ương đã phát biểu 'cụ Thêm đã tuổi cao thì việc giải quyết oan sai cho cụ Thêm sẽ được giải quyết sớm'. Ngay sau buổi công khai xin lỗi, tôi đã làm đơn yêu cầu bồi thường oan sai gửi đến TAND tối cao, TAND cấp cao tại Hà Nội đề nghị giải quyết. Bên cạnh đó, tôi đã nhiều lần đến toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị nhưng chưa được giải quyết".
[caption id="attachment_169179" align="aligncenter" width="595"]
Đại diện Liên ngành Tư pháp Trung ương trao quyết định đình chỉ điều tra bị can cho cụ Thêm tại buổi xin lỗi công khai[/caption]
Qua nhiều lần đối thoại, làm việc căng thẳng với TAND cấp cao do ông Trần Văn Tuân - Phó chánh án TAND cấp cao chủ trì, đến ngày 17/4/2017, giữa các bên mới ký được biên bản thương lượng việc bồi thường oan sai với số tiền bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần, thu nhập thực tế bị mất, hoặc bị giảm sút và các thiệt hại khác, tổng là 6,7 tỷ đồng.
"Nhưng từ đó đến nay, tôi tiếp tục nhiều lần đến TAND cấp cao làm việc thì nhận được câu trả lời là TAND cấp cao đã trình vụ oan sai lên Tòa án nhân dân tối cao để thẩm định và có ý kiến chỉ đạo giải quyết giải bồi thường. Nhưng việc bao giờ giải quyết thì TAND cấp cao không xác định thời hiệu, thời gian trả lời. Tôi kiến nghị cơ quan chức năng sớm giải quyết bồi thường cho cụ Thêm vì cụ đã tuổi cao, sức yếu, sống chết lúc nào không hay, chỉ sợ cụ chưa nhận được tiền bồi thường mà cụ đã ra đi..." - ông Hòa cho biết.
[caption id="attachment_169180" align="aligncenter" width="554"]
Ngôi nhà của gia đình cụ Thêm đã xuống cấp nghiêm trọng[/caption]
Trao đổi với phóng viên, cụ Thêm chua xót nói: "Tôi bây giờ hơn 80 tuổi, già yếu lắm rồi, ốm đau liên miên, đi viện liên tục, hai chân sưng húp, đi lại phải có người dìu, chỉ ăn được cháo, không ăn được cơm, hoàn cảnh gia đình thì khó khăn. Không biết tôi có chạm đến được tiền bồi thường hay không, chỉ lo mình ra đi rồi mà tiền vẫn chưa nhận được. Tôi mong sớm nhận được tiền bồi thường để bù đắp nỗi vất vả, cơ cực của các con cháu trong bao năm qua phải gánh chịu".
Bi kịch dẫn đến cụ Thêm hai lần bị tuyên án tử hình oan
Trước đó, năm 1970, cụ Trần Văn Thêm (SN 1936, trú tại Xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cùng người em họ là Nguyên Khắc Văn ghé vào ngủ ở lều cắt tóc. Nửa đêm, hung thủ xông vào dùng búa bổ củi đánh ông Văn tử vong. Cụ Thêm sau đó bị kết tội là hung thủ giết người.
Năm 1973, các cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú đưa ra xét xử và kết tội cụ Thêm mức án tử hình. Không đồng ý với bản án, cụ Thêm kêu oan. Đến năm 1974, Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm kết tội y án sơ thẩm mức án tử hình.
Năm 1975, sau khi đối tượng Phan Thanh Nhàn khai giết hại nạn nhân Nguyễn Khắc Văn, Ủy ban thẩm phán Tòa án tối cao đã mở phiên toà theo thủ tục giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm và giao hồ sơ để cơ quan công an điều tra, xử lý lại theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở quyết định của giám đốc thẩm, cơ quan công an đã tạm tha cho ông Trần Văn Thêm, với giải thích là do có vết thương trên đầu nên Bộ công an cấp cho một giấy miễn lao động nặng. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, việc điều tra lại vẫn chưa được thực hiện, về mặt pháp lý vẫn chưa có quyết định đình chỉ hoặc tiếp tục truy tố đối với ông Trần Văn Thêm. Gần nửa thế kỷ qua, cụ Thêm sống với nỗi oan sai khổ nhục, là tù nhân giết em để cướp của.
Sau khi được tạm tha, ông Trần Văn Thêm đã có nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan cao nhất của Đảng, Quốc hội, cơ quan tiến hành tố tụng.
Đến năm 2015, Tòa án nhân dân tối cao đã sao chụp và nhận được các tài liệu liên quan, do cụ Thêm và Luật sư trợ giúp cho cụ cung cấp. Từ đó các cơ quan tố tụng Trung ương tiến hành xem xét để có quyết định cuối cùng cho ông Trần Văn Thêm trong thời gian sớm nhất.
Mặc dù ông Thêm không xuất trình được đầy đủ các giấy tờ, do hoàn cảnh khó khăn sau chiến tranh, chia tách tỉnh nên một số tài liệu không còn, tuy nhiên sau đó Bộ công an đã tìm được một số tài liệu, trên cơ sở đó liên ngành tố tụng đã họp ngày 13/4/2016. Đến ngày 8/8/2016, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận có đủ căn cứ xác định bị can Thêm không thực hiện hành vi giết ông Văn nên đình chỉ điều tra.
Ngày 11/8/2016, Liên ngành Tư pháp trung ương đã tổ chức buổi công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi cụ Trần Văn Thêm – Người đã hai lần bị kết án tử - tại Trung tâm văn hóa huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Theo Dantri