Công nghệ 4.0 ảnh hưởng đến hoạt động khởi nghiệp: Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam

(Pháp lý) - Drew Houston nhập học Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) khóa 2001. Theo học ngành Khoa học máy tính, cậu sinh viên Drew thường xuyên gặp rắc rối với các đồ án vì tật đãng trí – Drew luôn quên chỗ để các USB. Từ câu chuyện quên USB, năm 2007, Drew Houston cùng với Arash Ferdowsi, phát triển công nghệ lưu trữ dữ liệu trên đám mây đặt tên là DropBox. Chỉ mất 10 năm sau, tính đến năm 2018, Dropbox cán mốc 500 triệu người dùng và được định giá 12 tỷ USD.

Văn Đinh Hồng Vũ tốt nghiệp Thạc sĩ tại Mỹ năm 2011 với trăn trở về khó khăn của việc nói tiếng Anh trong những ngày đầu đi học nước ngoài. Năm 2016, cô cho ra mắt Elsa Speak - Ứng dụng học nói tiếng Anh. Ba năm sau, tính đến 2019, Elsa có gần 1,5 triệu người dùng trên 90 quốc gia. Tháng 2/2019, Gradient Ventures - quỹ mạo hiểm chuyên đầu tư vào trí tuệ nhân tạo của Google đã quyết định đầu tư cho ELSA 7 triệu USD.

ThS.Lê Minh Hoàng Long, Khoa QTKD - ĐH Ngân Hàng TP. HCM
ThS.Lê Minh Hoàng Long, Khoa QTKD - ĐH Ngân Hàng TP. HCM)

Hai câu chuyện, với hai góc độ khác nhau, một công ty lớn, một công ty vừa mới thành lập, một của người Mỹ, một của người Việt đã minh hoạ phần nào về việc công nghệ tác động vô cùng lớn tới con đường khởi nghiệp. Công nghệ hiện nay không chỉ là mỏ vàng ý tưởng khởi nghiệp, nó còn giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp (Start-up) rút ngắn thời gian phát triển quy mô, dễ dàng tiếp cận người dùng và các nhà đầu tư.

Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới định nghĩa cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng về công nghệ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kỹ thuật số, internet, với ba trụ cột chính là công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Những biến chuyển về công nghệ và internet hiện nay đã và đang góp phần hỗ trợ rất lớn vào quá trình khởi nghiệp không chỉ trên thế giới mà còn ở Việt Nam.

Việt Nam – điểm sáng trên bản đồ khởi nghiệp Đông Nam Á

Theo số liệu của quỹ ESP Capital, trong cơ cấu vốn đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nằm trong top 3 Đông Nam Á, chỉ sau Singpore và Indonesia.

Việt Nam là một quốc gia nổi bật về khởi nghiệp trong khu vực Đông Nam Á
Việt Nam là một quốc gia nổi bật về khởi nghiệp trong khu vực Đông Nam Á)

Bên cạnh đó, báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia (Austrade) công bố đã vẽ lại bức tranh bối cảnh khởi nghiệp tại Việt Nam. Phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam bắt nguồn từ năm 2004, khi quỹ IDG Ventures Vietnam được thành lập, rót hơn 100 triệu USD vào thị trường lúc bấy giờ. Kể từ đó, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã phát triển chia thành 3 đợt bao gồm làn sóng đầu tiên (2004 - 2007), làn sóng thứ hai (2007 - 2010) và làn sóng thứ ba (2011 đến nay).

Theo Austrade, trong làn sóng thứ ba này, Việt Nam đã tăng trưởng “phi thường” với số lượng Start Up tăng trưởng từ 400 vào năm 2012 lên gần 1.800 vào năm 2015 và 3.000 trong năm 2017.

Rõ ràng, Việt Nam là một quốc gia giàu tiềm năng về khởi nghiệp, được đánh giá cao bởi giới đầu tư.

Công nghệ tạo ra cơ hội khởi nghiệp

Một số liệu thống kê của Diễn đàn kinh tế thế giới đưa ra dự báo, đến năm 2020, toàn thế giới sẽ có 4 tỷ người và 20 tỷ thiết bị kết nối với nhau bằng Internet kết nối vạn vật (IOT). Thị trường này sẽ tạo ra 1,9 nghìn tỷ USD doanh thu, với hơn 25 triệu ứng dụng. Trong khi đó, thị trường trí tuệ nhân tạo sẽ đạt tới 5,05 tỷ USD vào năm 2020. Máy tính đã và đang tham gia vào quá trình quản lý sản xuất, điều hành với tốc độ chưa từng thấy trước đây. Tại Việt Nam, theo thống kê của We Are Social, đến tháng 1/2019, có 64 triệu người dùng Internet, trong đó có 62 triệu người dùng trên các mạng xã hội và số người dùng các nền tảng điện thoại chiếm 58 triệu người. Với tốc tăng trưởng người dùng trên 10%/ năm thì đây là cơ hội vàng cho các Start Up trẻ khởi nghiệp bằng việc tạp ra các ứng dụng (Apps) trên nền tảng Internet và điện thoại di dộng (Mobiles), với hàng loạt Start Up ra đời trong giai đoạn 2017 đến nay như: Triip.me (ứng dụng du lịch), bTaskee (Ứng dụng cung cấp người gíup việc), Chudu24 (Web đặt phòng trực tuyến), Mạng xã hội du lịch GODY.VN, Nền tảng kết nối cơ hội việc làm TOPCV…

Song hành cùng internet và mạng xã hội chính là sự phát triển của công nghệ trong lĩnh vực thương mại điện tử. Sự ra đời của hàng loạt sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee, Sendo kéo theo cơ hội kinh doanh của các Start Up trẻ bán hàng trên các nền tảng này cũng như các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực hỗ trợ thương mại điện tử: giao hàng với Giaohangtietkiem.com, Supership hay hộp giấy: Ebox, Hopgiaygiare.com…

Không chỉ trong lĩnh vực internet, app, cơ hội còn đươc tạo ra cho giới trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ robot, công nghệ hỗ trợ nông nghiệp, công nghệ trong các ngành y khoa v.v…

Công nghệ rút ngắn thời gian tiếp cận khách hàng

Với giới trẻ khởi nghiệp hiện nay, sự kết nối thông qua mạng xã hội và internet đã rút ngắn thời gian cũng như công sức tiếp cận khách hàng so với các cách truyền thống. Công nghệ trong thương mại điện tử mở ra cơ hội tiếp cận hàng triệu khách hàng trong nước, xoá nhoà ranh giới địa lý trong bán hàng. Tháng 1/2019, gã khổng lồ Amazon.com đặt chân vào Việt Nam mở đường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận khách hàng nước ngoài và xuất khẩu hàng hoá thông qua thương mại điện tử.

Sự phát triển của mạng xã hội đem đến các hình thức mới để tiếp cận hàng ngàn khách hàng theo địa lý, theo hành vi (quảng cáo qua Facebook, Instagram) hay quảng cáo theo hành vi tìm kiếm của khách hàng thông qua Google. Ngoài ra các công nghệ về phát trực tiếp, video trực tuyến thông qua mạng xã hội Youtube hay tin nhắn qua công nghệ OTP đã và đang là công cụ hữu hiệu cho giới trẻ khởi nghiệp để mang đến thông tin cho khách hàng.

Công nghệ góp phần giảm chi phí khi khởi nghiệp

Bạn có sản phẩm dịch vụ mới, thay vì tốn tiền hoa hồng cho các nhà phân phối để bán sản phẩm, hãy mang nó lên một gian hàng thương mại điện tử. Thay vì tốn chi phí đến hàng triệu đồng cho các quảng cáo tivi, các Start Up giờ đây chỉ cần bỏ chi phí vừa phải cho quảng cáo Facebook để thông tin đến khách hàng.

Không chỉ là chi phí quảng cáo, bán hàng, việc vận hành doanh nghiệp, quan hệ khách hàng hiện nay cũng được công nghệ giải quyết với thời gian ngắn và chi phí ít hơn. Các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể làm việc nhóm qua Trello (phần mềm quản lý dự án), họp trực tuyến thông qua Video (nền tảng Video Call), hay thậm chí đến việc thay vì phải thuê một tổng đài chăm sóc khách hàng cố định, doanh nghiệp có thể dễ dàng có một tổng đài 24/24 thông qua app trên điện thoại với chi phí thấp.

Nếu các Start Up trẻ thiếu người hoặc ngại thuê lao động toàn thời gian vì tốn quá nhiều chi phí, hãy yên tâm, công nghệ kết nối sẽ đưa bạn đến Freelancer.com hay Fiverr, nơi các doanh nghiệp có thể tìm kiếm lao động theo dự án với chi phí phải chăng.

Công nghệ tạo ra môi trường gọi vốn thuận lợi cho giới trẻ khởi nghiệp

Một thống kê gần đây cho thấy hơn 80% Start Up gặp khó khăn về vốn khi khởi nghiệp. Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ, việc tìm kiếm và kết nối với nhà đầu tư trở nên dễ dàng hơn cho Start Up. Dạo quanh một vòng Facebook, có thể thấy nhiều Group về khởi nghiệp hoạt động khá sôi nổi và tạo ra nhiều kết nối với nhà đầu tư, thậm chí chúng ta còn có thể tìm thấy các group chuyên biệt về đầu tư, đầu tư thiên thần, chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn.

Không chỉ vậy, sự lớn mạnh của các cộng đồng gọi vốn nước ngoài thông qua app hay internet như Kickstarter, Indiegogo góp phần giúp giới trẻ Việt tiếp cận các nguồn vốn từ nước ngoài. Về phía trong nước, các nền tảng gọi vốn và kết nối nhà đầu tư như FundStart.vn hay Fundy.vn cũng đang dần hình thành và đi vào ổn định, cung cấp nhiều cơ hội gọi vốn hơn cho các nhà khởi nghiệp trẻ trong nước.

Với các lợi ích nêu trên, có thể nhận định rằng sự phát triển của công nghệ, hơn thế nữa là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang mang lại nhiều sự ảnh hưởng có lợi cho, góp phần rút ngắn con đường khởi nghiệp cho giới Start Up non trẻ tại Việt Nam.

Chính sách hỗ trợ công nghệ trong khởi nghiệp của các nước trên thế giới

Tại Đức, các công ty khởi nghiệp lớn thường tập trung gần các trường đại học, nơi đào tạo ra nhân sự có trình độ cao. Đồng thời, doanh nghiệp tại Đức được bảo trợ bởi một môi trường kinh tế, chính trị ổn định với hệ thống Luật bản quyền, Luật sáng chế và Luật thương hiệu được thiết kế để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt. Đặc biệt, Luật Cạnh tranh đảm bảo các đối thủ không được phép tung các thông tin sai sự thật về nhau để thu hút khách hàng.

Còn tại Israel, nơi mô hình quốc gia khởi nghiệp đầu tiên ra đời, Chính phủ luôn hướng đến phát triển môi trường khởi nghiệp trong nước song song với việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Để thu hút nhà đầu tư quốc tế, các ý tưởng khởi nghiệp của doanh nghiệp đều hướng tới giải quyết các vấn đề mang tầm thế giới. Đặc biệt, các nhà khởi nghiệp luôn sẵn sàng chấp nhận mức rủi ro cao, kể cả khi chúng chưa được lên kế hoạch hoàn thiện và mang trong mình nhiều rủi ro khi triển khai. Bên cạnh đó, tại vườn ươm khởi nghiệp Israel, nhà khởi nghiệp và nhà đầu tư mạo hiểm được đặt gần nhau để họ có cơ hội giao lưu, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, từ đó, các quyết định đầu tư mạo hiểm, hoạt động kêu gọi vốn được thực hiện dễ dàng hơn. Theo đó, “Thung lũng Silicon” tại thủ đô Tel Aviv là một tổ hợp các ngành công nghiệp công nghệ cao gồm nhiều công ty khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm và cả quân sự.

Tại Việt Nam, các Start Up vẫn đối diện với nhiều khó khăn thách thức mà theo báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” của Austrade chỉ ra là khả năng tiếp cận tài chính, tài năng và kỹ năng điều hành, hệ sinh thái phân mảnh, khả năng nghiên cứu và phát triển, vấn đề sở hữu trí tuệ.

Tuy Chính phủ Việt Nam cùng Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang có nhiều hoạt động tạo điều kiện cho khởi nghiệp thành công như hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như cải thiện chính sách, hạ tầng, thiết chế tài chính và dịch vụ hỗ trợ, song, vẫn còn đó rất nhiều điều phải làm, phải học hỏi các quốc gia trên thế giới để giúp đỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và phát triển bền vững.

* ThS. Lê Minh Hoàng Long
Khoa QTKD - ĐH Ngân Hàng TP. HCM

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin