Công lý nào cho nạn nhân vụ Hàn Đức Long?

Khi tấm bảng xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long ở Bắc Giang bị kéo xuống, nhiều người hành nghề luật đã phải thốt lên: Công lý nào cho gia đình nạn nhân?!

Sự kiện buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long ở Bắc Giang diễn ra trong hỗn loạn khiến những người trong ngành tố tụng có lẽ phải suy nghĩ rất nhiều.

Mục đích xin lỗi bất thành

Ông Long là người bị kết án tử hình oan và đã ngồi tù 11 năm về hai tội giết người và hiếp dâm trẻ em. Ấy thế nhưng ngày được xin lỗi, minh oan, ông đã phải lên huyết áp vì diễn biến quá bất ngờ. Đó là lúc thẩm phán Trần Văn Tuân, Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội, đọc lời xin lỗi, nhiều người đã ném dép tới tấp về phía ông Tuân, khiến hai cán bộ phải dùng tấm bìa carton che chắn thì ông mới đọc xong văn bản này và nhanh chóng ra về.

Có thể nói buổi xin lỗi đã không đạt mục đích đề ra như luật định. Người được xin lỗi là ông Long đã chưa kịp nói được gì về những khổ đau, uất hận suốt mười mấy năm trời. Chính quyền địa phương cũng chưa kịp chia sẻ , động viên để ông Long sớm ổn định tinh thần, vượt qua những mặc cảm đeo đẳng từ bà con lối xóm.

Không ít người không đồng tình với hành xử thiếu chuyên nghiệp của phía cơ quan tổ chức xin lỗi oan. Việc không lường trước tình huống người nhà nạn nhân phản ứng đã là thiếu sót, việc quyết định tiếp tục đọc lời xin lỗi vội vã trong “cơn mưa dép” rồi ra về còn khó được thông cảm hơn.

Đã có người lên tiếng rằng TAND Cấp cao tại Hà Nội có lẽ nên tổ chức lại một buổi xin lỗi khác một cách trang trọng, ấm cúng để người bị oan đỡ phải chạnh lòng. Ông Long và vợ ông cũng nói sẽ cân nhắc khả năng yêu cầu tòa xin lỗi lại. Hy vọng đôi bên tìm được tiếng nói chung, trong đó phía tòa án nên chủ động, cầu thị, đảm bảo giữ vững hình ảnh là cơ quan bảo vệ công lý.

[caption id="attachment_164131" align="aligncenter" width="622"] Có lẽ những người trong ngành tố tụng phải suy nghĩ rất nhiều về sự cố này. Ảnh: TUYẾN PHAN
Có lẽ những người trong ngành tố tụng phải suy nghĩ rất nhiều về sự cố này. Ảnh: TUYẾN PHAN[/caption]

“Dân vận” và chia sẻ với gia đình nạn nhân

Khi bị can, bị cáo, bị án kêu oan tức là họ đi đòi công lý. Khi họ được minh oan nghĩa là công lý đã đến với họ. Cùng với việc minh oan, nếu cơ quan tố tụng tìm ra được hung thủ thật sự để quy án thì công lý được thực thi hoàn toàn - như trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, cũng ở Bắc Giang. Nếu kẻ thủ ác vẫn còn lẩn khuất trong bóng tối thì công lý mới chỉ thực thi nửa chừng. Vụ án mạng mà ông Hàn Đức Long bị oan là một vụ như thế.

Lẽ dĩ nhiên, hành xử của gia đình nạn nhân tại buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long hôm 25-4 hoàn toàn không đúng chút nào. Có lẽ nỗi đau thấu trời vì mất con đã khiến họ, qua thời gian dài của tiến trình tố tụng, vẫn cứ đinh ninh ông Long chính là hung thủ (mà nói cho ngay, kể cả những người tiến hành tố tụng vụ này chẳng phải đã từng tin tưởng như thế nên truy tố và xét xử còn gì!). Vì vậy, khi ông Long được minh oan, trong cơn hụt hẫng và phẫn uất, họ không thể chấp nhận được chuyện này nên đã phản ứng mất kiểm soát...

Từ phản ứng này, nên chăng cơ quan tố tụng quan tâm hơn đến khâu xử lý hậu án oan. Cơ quan làm oan nên có hình thức chia sẻ nào đó với phía gia đình nạn nhân, chẳng hạn gửi thư thông báo và an ủi gia đình họ, hoặc nếu tiện thì cũng có thể kết hợp ghé thăm nhà nạn nhân trước hoặc sau khi xin lỗi người bị oan. Nếu công tác “dân vận” này tốt, chẳng những sẽ không vấp phải sự phản ứng của họ mà còn nhận được sự thông cảm từ gia đình họ, để họ an ủi được phần nào. Qua đó họ biết rằng cơ quan tố tụng vẫn chưa từ bỏ việc truy tìm hung thủ để quy án, còn với người bị oan thì phải xin lỗi sòng phẳng, rõ ràng…

Tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc suy đoán vô tội

Chia sẻ với sự phản ứng thái quá của gia đình nạn nhân, chúng ta càng nặng nề khi nghĩ đến sự không hoàn thành trách nhiệm của cơ quan tố tụng.

Dẫu biết việc làm oan ấy xuất phát từ sự nóng lòng muốn phá án nhanh để phần nào làm vơi đi nỗi đau mất mát của gia đình nạn nhân. Dẫu biết ấy là do non kém nghiệp vụ, do sai lầm trong đánh giá chứng cứ chứ không phải xuất phát từ tiêu cực, bạc tiền. Nhưng cái sai này của cơ quan tố tụng lại mang đến hậu quả rất nặng nề. Bởi khi anh đánh giá sai thì ngoài việc anh làm oan người vô tội, anh còn có thể đã vô tình bôi xóa dấu vết của hung thủ thật sự, khiến hung thủ lọt lưới pháp luật.
Những vụ án oan luôn là bài học đắt giá cho các cơ quan và người tiến hành tố tụng. Để khắc phục, giảm thiểu án oan, có lẽ chúng ta phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc suy đoán vô tội khi điều tra, truy tố và xét xử. Nguyên tắc tiến bộ này tuy có làm khó khăn cho cơ quan và người tiến hành tố tụng nhưng cơ bản nó không phải là kẽ hở để tội phạm lọt lưới mà là bộ lọc để chúng ta không làm oan người vô tội. Nó còn là chìa khóa để chúng ta không còn phải mắc nợ gia đình những nạn nhân câu trả lời vậy ai mới là hung thủ sát hại con em họ!

Ngày 25-4, khi tấm bảng xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long ở Bắc Giang bị kéo xuống, không ít người hành nghề luật đã phải thẫn thờ thốt lên câu hỏi: Công lý nào cho gia đình nạn nhân?

Cục phó bồi thường nhà nước nói về buổi xin lỗi oan

Tại phiên họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp sáng 26-4, nhiều nhà báo đặt câu hỏi với ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Bộ Tư pháp), về sự cố trong buổi xin lỗi oan ông Hàn Đức Long.

Dẫn ba nội dung chính về quy định xin lỗi công khai trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, ông Trần Việt Hưng nói từ trước tới nay những vụ lớn thì chưa bao giờ việc xin lỗi diễn ra sau bồi thường.

Để bảo đảm phục hồi danh dự cho người dân, cơ quan chức năng đều tổ chức xin lỗi trước khi người bị hại yêu cầu bồi thường. “Trường hợp ông Long cũng không phải ngoại lệ. Các cơ quan tố tụng đã chủ động tổ chức xin lỗi ông Long. Chúng tôi trao đổi với TAND Tối cao, ông Long chưa có đơn yêu cầu bồi thường gửi đến tòa tối cao” - ông Hưng cho biết.

Ông Hưng cũng thừa nhận luật hiện hành chỉ quy định tổ chức xin lỗi nghiêm túc, công khai, còn tổ chức ra sao, nội dung thế nào, thời gian bao lâu, thành phần ra sao thì trong luật quy định chưa rõ ràng. “Việc có những sự cố khi người nhà người bị hại có hành vi vượt quá thì Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa quy định. Về hành vi phản ứng của gia đình người bị hại, quan điểm của tôi là nên tuyên truyền giáo dục để người nhà thực hiện theo đúng pháp luật, còn việc ông Long bị oan các cơ quan tố tụng đã chứng minh một cách có căn cứ. Việc này với vai trò quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề bồi thường nhà nước, tôi chia sẻ như vậy chứ không bình luận thêm” - ông Hưng nói.

Giới thiệu về dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), ông Hưng cho biết: “Chúng tôi quy định một cách cụ thể địa điểm, thành phần, nội dung, cũng như trách nhiệm của cơ quan xin lỗi trong tổ chức xin lỗi công khai. Theo quan điểm của chúng tôi, những quy định này mang tính khả thi nhất trong quá trình thực hiện”.

“Việc hạn chế người gây rối thì phụ thuộc vào các phương án bảo vệ của bên tổ chức để bảo đảm việc xin lỗi được tổ chức nghiêm minh, đầy đủ nội dung trong buổi xin lỗi” - ông Hưng cho biết.

Theo Plo

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin