Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong khu vực tư ở Việt Nam hiện nay

Vấn đề công khai, minh bạch được đề cập từ thời kỳ La Mã cổ đại, tuy nhiên ở mỗi thời đại, phương thức và mục đích sử dụng các công cụ này có sự khác nhau. Pháp luật của nước ta hiện nay mới tiếp cận trách nhiệm công khai, minh bạch, giải trình theo hướng một chiều: Nghĩa là người có nghĩa vụ công khai thuộc bộ máy quản lý trong khi chủ thể có quyền yêu cầu công khai là người bị quản lý. Vấn đề là liệu có thể xem xét đặt vấn đề theo chiều ngược lại: trách nhiệm công khai, minh bạch, giải trình cần được áp dụng đối với cả chủ thể trong khu vực tư?

Ở góc độ doanh nghiệp, rõ ràng, chính sách này, nếu triển khai, sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, áp lực lên cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nó dường như cũng đi ngược lại một định hướng khác mà Đảng và Nhà nước đang theo đuổi, đó là xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Về khái niệm Chính phủ kiến tạo, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã định hướng phương thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là "phải chuyển từ phương thức mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo, phục vụ; quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, minh bạch, hiệu quả; nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí".

Yêu cầu về phát triển kinh tế đặt ra là tập trung vào nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp - lực lượng chính làm nên sự phát triển kinh tế. Chủ trương này đã được cụ thể hóa bởi những nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ trong việc “cởi trói” doanh nghiệp, trong đó quan trọng nhất là giảm gánh nặng thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh, áp dụng thành tựu công nghệ vào hoạt động quản trị để hạn chế tương tác giữa doanh nghiệp - cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc triển khai, thực hiện còn tương đối chậm chạp, đúng với nhận định của PGS.TS Trần Đình Thiên: “Đổi mới như hòn đá tảng vậy, để hòn đá lăn được thì khó nhất là lúc vừa mới đẩy”.(1)

Trong bối cảnh đó, việc đặt trách nhiệm công khai, minh bạch, giải trình đối với doanh nghiệp liệu có phù hợp với xu thế xây dựng Chính phủ trong thế kỷ 21? Ngoài ra, bí mật thông tin có ý nghĩa quan trọng, nếu không muốn nói là sống còn đối với hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp cũng xây dựng hệ thống bảo mật thông tin của riêng mình bởi lo ngại rằng thông tin nếu bị lộ ra bên ngoài sẽ kéo theo những thiệt hại không thể lường trước. Do vậy, rõ ràng Nhà nước yêu cầu gay gắt việc minh bạch hóa thông tin sẽ là hành động can thiệp một cách bất hợp lý vào đời sống doanh nghiệp.

Do đó, dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PCTN sửa đổi đang được Thanh tra Chính phủ soạn thảo bước đầu chỉ đề cập đến việc công khai, minh bạch để phòng, chống tham nhũng (PCTN) đối với các mô hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập.

Một buổi Hội thảo về "Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính Nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, việc áp dụng công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với chủ thể thuộc khu vực tư lại mang ý nghĩa nhất định, đặc biệt trong bối cảnh tham nhũng trong khu vực tư trở thành đề tài nóng bỏng ở Việt Nam những năm gần đây.

Theo kết quả khảo sát trong báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Việt Nam năm 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thừa nhận từng trả chi phí không chính thức liên quan đến thanh tra - kiểm tra, thông quan hàng hóa và thủ tục đất đai lần lượt là 45%, 53% và 17,5%. Trong môi trường mà rủi ro tham nhũng cao như ở Việt Nam, quan điểm cho rằng hối lộ là một phần “không thể tránh khỏi” trong hoạt động kinh doanh khá phổ biến, dẫn đến việc doanh nghiệp chấp nhận chi trả các khoản chi phí không chính thức. Như vậy, từ là nạn nhân, doanh nghiệp đã trở thành tác nhân gây ra tham nhũng.

Mặt khác, trên thực tế, nhiều giải pháp PCTN cũng xuất phát từ chính nội bộ doanh nghiệp. Một số nghiên cứu gần đây của Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), cơ quan đầu mối của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam, đã làm sáng tỏ thêm vấn đề này.

Báo cáo “Phân tích rủi ro tham nhũng đối với nhà đầu tư tại Việt Nam” (2017) do Trung tâm Nghiên cứu và Quản trị Xã hội (CENSOGOR - một trong hai đối tác chính thức của TI tại Việt Nam) và VBF (Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam) phối hợp thực hiện đã khảo sát 21 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy, rủi ro tham nhũng là một trở ngại đáng kể trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này. Đặc biệt, việc biếu, tặng và nhận quà riêng và/ hoặc các lợi ích khác giữa tư nhân với tư nhân và giữa tư nhân với Nhà nước được coi là một thực tế trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Theo báo cáo, 62% doanh nghiệp được khảo sát cho biết từng bị yêu cầu chi tiền lót tay hay cung cấp các dạng lợi ích không chính thức khác từ cán bộ, công chức Nhà nước trong vòng 12 tháng trước đó để các thủ tục, dịch vụ công được thực hiện nhanh chóng. Đa số các doanh nghiệp được khảo sát (90%) cho biết từng nhận quà biếu từ các nhà cung cấp, trong đó 81% nhận quà vào các ngày không phải ngày lễ của Việt Nam. Ngoài ra, 62% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ có tính đến việc phải đài thọ chi phí để cán bộ Nhà nước ra nước ngoài tham dự các sự kiện của công ty. Tuy nhiên, nhìn chung các doanh nghiệp này đều xây dựng và thực thi các quy định về đạo đức kinh doanh để có thể ngăn ngừa những rủi ro tham nhũng nói trên.

Báo cáo “Khảo sát liêm chính kinh doanh trong các khu công nghệ cao ở Việt Nam” (2018) của TT đưa ra cách nhìn tổng quan về những thách thức liên quan đến vấn nạn hối lộ mà các doanh nghiệp tại 3 khu công nghệ cao ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh phải đối mặt, cũng như các biện pháp đang được áp dụng để giảm thiểu những rủi ro này. Kết quả khảo sát cho thấy những nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính của các ban quản lý khu công nghệ cao đã hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động tại đây tránh hoặc hạn chế tham gia vào các hành vi hối lộ. Tuy nhiên, do phần đông doanh nghiệp tham gia khảo sát là doanh nghiệp trong nước, chịu nhiều ảnh hưởng bởi văn hóa truyền thống Á Đông nên quan điểm “tặng quà (với giá trị nhỏ) cho đối tác để duy trì mối quan hệ tốt đẹp” vẫn khá phổ biến. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp thừa nhận từng bị yêu cầu chi tiền lót tay hay cung cấp các dạng lợi ích phi chính thức khi làm việc với các cán bộ hải quan hoặc thanh tra thuế vẫn còn đáng kể, lần lượt là 35% và 32%.

Trong quá trình khảo sát về hoạt động xây dựng chính sách và chương trình chống hối lộ, kết quả thu được khá khả quan với đa số các doanh nghiệp tham gia phỏng vấn đã triển khai các chiến lược PCTN, trong khi nhiều doanh nghiệp khác đang trong quá trình triển khai hoặc xem xét triển khai nếu được hỗ trợ. Như vậy, các doanh nghiệp được khảo sát đã ý thức về việc quy định PCTN ngay trong nội bộ doanh nghiệp.

Nhìn chung, chúng ta có thể thấy rằng tình hình tham nhũng trong khu vực tư đã và đang ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, các quan hệ kinh tế, tài chính, thương mại, đồng thời cản trở hiệu quả PCTN trong khu vực công… Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên cũng đặt ra yêu cầu chống tham nhũng trong khu vực tư. Trong quá trình soạn thảo Luật PCTN sửa đổi, nhóm nghiên cứu của Quốc hội cho rằng, việc chỉ mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các loại hình doanh nghiệp là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư và một số loại hình tổ chức xã hội là chưa phù hợp.

Thực tiễn cho thấy, việc đưa, nhận hối lộ để giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh xảy ra ở nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau, kể cả các công ty TNHH hoặc công ty tư nhân, là công ty “sân sau” được sự đỡ đầu của người có chức vụ, quyền hạn (2). Vụ việc Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) là minh chứng rõ rệt cho mối quan hệ giữa tham nhũng và doanh nghiệp tư nhân. Hàng loạt công ty có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, là “sân sau” cho tội phạm của Vũ Nhôm có thể liệt kê như: Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Chấn Phong, Công ty Cổ phần thương mại đầu tư phát triển Hoàng Huy, Công ty TNHH Minh Hưng Phát (đổi tên thành Công ty TNHH Phú Gia Compound)(3).

Thực trạng trên đặt vấn đề rằng biết đâu đó hệ thống các thông tin thuộc phạm trù bí mật, được doanh nghiệp, tổ chức đặt trong bóng tối đang tồn tại những hành vi sai trái, phi pháp của cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn. Trong trường hợp này, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình áp dụng sớm và mạnh mẽ hơn sẽ góp phần hạn chế những sai phạm, phát hiện và ngăn ngừa kịp thời hành vi của những quan chức tha hóa trong bộ máy Nhà nước.

Như đã phân tích, ý niệm đầu tiên của con người về minh bạch hóa thông tin thể hiện theo hướng Nhà nước nắm bắt thông tin của xã hội, của nhân dân để quản lý tốt hơn. Quản lý tốt hơn ở đây thậm chí đã được Nhà nước La Mã cổ đại ngầm hiểu theo nghĩa kiểm soát nội bộ quan chức làm việc trong chính bộ máy của mình. Minh bạch hóa thông tin của đối tượng bị quản lý (xã hội) chính là góp phần kiểm soát đội ngũ cán bộ quản lý tốt hơn. Cách tiếp cận từ thời kỳ cổ đại này hoàn toàn vẫn mang giá trị thực tiễn trong thời buổi ngày nay, khi mà tham nhũng không còn phân biệt đáng kể ranh giới khu vực công – tư. Tuy nhiên công khai, minh bạch hay yêu cầu trách nhiệm giải trình đối với khu vực tư cần hết sức thận trọng, hạn chế việc tạo thêm gánh nặng, áp lực cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, đã và đang có những đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

Theo doanhtri.net

Nguồn bài viết: http://doanhtri.net/tin-cong-khai--minh-bach-va-trach-nhiem-giai-trinh-trong-khu-vuc-tu-o-viet-nam-hien-nay-d68100.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin