Công khai án trên mạng: Thách thức cho thẩm phán

15/01/2017 13:32

Ngày làm việc thứ hai của hội nghị triển khai công tác TAND năm 2017 (13-1), các đại biểu chia nhóm thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có chủ trương công khai hóa các bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của tòa...

Theo dự thảo nghị quyết hướng dẫn việc công khai bản án, quyết định của tòa trên cổng thông tin điện tử, các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa phải được công khai gồm: Bản án hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động. Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động. Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động. Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành trong vụ án hành chính...

Trường hợp công khai có điều kiện

Dự thảo cũng quy định những trường hợp bản án, quyết định của tòa được công khai có điều kiện: Bản án, quyết định liên quan đến bí mật kinh doanh được công khai trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý. Bản án, quyết định liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được công khai trong trường hợp được người đó đồng ý. Bản án, quyết định liên quan đến bí mật gia đình được công khai trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý.

Trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan, chánh án tòa án đã ban hành bản án, quyết định thuộc các dạng trên có quyền quyết định việc công khai mà không cần có sự đồng ý của đương sự có liên quan.

 Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn đang điều hành thảo luận nhóm. Ảnh: M.GIANG
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn đang điều hành thảo luận nhóm. Ảnh: M.GIANG)

Nên công khai tất cả?

Theo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TAND Tối cao), hiện đang có hai luồng quan điểm về việc công khai án:

Theo quan điểm thứ nhất, cần quy định công khai tất cả các loại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa, trừ trường hợp mà pháp luật cấm. Dự thảo cũng đang được thể hiện theo hướng này nhằm đáp ứng các yêu cầu cải cách tư pháp và đòi hỏi của thực tiễn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng trong điều kiện hiện nay, việc công khai các bản án, quyết định của tòa nên được tiến hành thận trọng và có lộ trình. Trước mắt, chỉ nên quy định công khai các bản án, quyết định hình sự về tội phạm môi trường, tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, chức vụ, xâm phạm sở hữu, ma túy, an toàn công cộng, trật tự công cộng và các tội phạm về trật tự quản lý hành chính.

Bên cạnh đó, liên quan đến việc mã hóa thông tin của bản án, quyết định của tòa khi công khai, hiện cũng đang có hai luồng quan điểm:

Theo quan điểm thứ nhất, bản án, quyết định trước khi được đăng tải trên cổng thông tin điện tử phải được mã hóa các thông tin tên, địa chỉ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có trong bản án, quyết định đó, trừ tên của những người tiến hành tố tụng. Việc này nhằm bảo mật tối đa các thông tin liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đây cũng là kinh nghiệm công khai các bản án, quyết định của nhiều nước trên thế giới. Dự thảo đang thể hiện theo quan điểm này.

Theo quan điểm thứ hai, đối với những bản án, quyết định cần giữ bí mật thông tin thì pháp luật đã có quy định cấm công khai. Do đó, đối với bản án, quyết định đã được phép công khai thì tòa được đăng tải toàn văn trên cổng thông tin điện tử mà không cần phải mã hóa.

Thẩm phán “không thể dựa dẫm, ỷ lại vào ai”

“Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã yêu cầu phải sớm đưa các bản án, quyết định đã có hiệu lực lên mạng Internet” - Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết.

Theo ông Sơn, khi đàm phán tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nước ta đã cam kết sẽ dần công khai các bản án, quyết định đã có hiệu lực, mà trước hết là công khai quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Khi bản án được công khai, công tác giám đốc, kiểm tra sẽ được thực hiện nhanh hơn, tốt hơn. Các thẩm phán sẽ phải học hỏi, nâng cao năng lực, “không thể dựa dẫm, ỷ lại vào ai được”.

Tuy nhiên, ông Sơn thừa nhận việc công khai án là một khó khăn, thách thức đối với ngành. “Khi công khai án, các thẩm phán phải viết án cho tốt bởi khi đó chắc chắn các luật sư, đương sự chống lại bản án sẽ công kích bản án. Thẩm phán nào nhiều lần bị phản ảnh, kiểm tra thấy đúng quá rồi thì không ai bảo vệ được. Các đồng chí yên tâm, không có thẩm phán này thì sẽ có thư ký khác giỏi, họ thi lên làm thẩm phán được” - ông Sơn thẳng thắn.

Không công khai án có hình phạt tử hình

Theo dự thảo, những bản án, quyết định không được công khai gồm:

- Bản án, quyết định về vụ việc được tòa quyết định giải quyết, xét xử kín.

- Bản án, quyết định về vụ việc được tòa giải quyết, xét xử công khai nhưng thuộc một trong các trường hợp:

+ Có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật.

+ Có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục, bí mật điều tra, bí mật công tác, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh của cơ quan, tổ chức và bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bảo vệ người dưới 18 tuổi.

+ Nếu công khai sẽ gây nguy hại đến lợi ích nhà nước; ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống và tài sản của người khác.

+ Bản án, quyết định của tòa về hôn nhân và gia đình.

+ Bản án, quyết định của tòa có liên quan đến người dưới 18 tuổi.

+ Bản án, quyết định hình sự có hình phạt tử hình; về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

Theo Plo

Bạn đang đọc bài viết "Công khai án trên mạng: Thách thức cho thẩm phán" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin