Mặc dù chỉ thay đổi 3 điều, song Bộ quy tắc tố tụng trọng tài VIAC 2017 có thể giúp giảm tối đa thời gian theo kiện của các bên, tiết kiệm từ 15- 37% phí trọng tài…
Công bố Quy tắc tố tụng trọng tài VIAC 2017: Giảm thời gian, tiết kiệm chi phí cho DN
Sáng nay, 22/2, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã chính thức công bố Quy tắc tố tụng trọng tài VIAC 2017. Đây là bộ quy tắc trọng tài đầu tiên tại Việt Nam ra đời đáp ứng sự thay đổi của quy định pháp luật tại Nghị quyết 01/2014/HĐTP/TANDTC ngày 22/3/2014 liên quan tới việc gộp các quan hệ pháp luật vào giải quyết chung trong một vụ tranh chấp…
Thay đổi có lợi cho doanh nghiệp
Theo Luật sư Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký VIAC, Thành viên Viện Trọng tài London (MCIArb), với các quy định hoàn toàn mới tại Điều 6 “Tranh chấp từ nhiều hợp đồng”; Điều 15 “Gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ tranh chấp” và Điều 37 “Thủ tục rút gọn”, các tranh chấp phát sinh từ nhiều quan hệ pháp luật đã có thể được gộp vào để giải quyết trong một vụ tranh chấp theo các quy định của pháp luật, giúp tiết kiệm từ 15%-37% phí trọng tài, giảm tối đa thời gian theo kiện của các bên (trước đây phải tham gia song song các vụ kiện tương tự nhau, nay chỉ cần tham gia 01 vụ kiện gộp) từ đó tiết kiệm được thêm các chi phí thuê luật sư, chi phí đi lại và các phí tổn khác cho DN.
“Cả hai Điều 6 và Điều 15 sẽ giúp cho DN có thể gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ, giảm được những chi phí không cần thiết như thời gian và phí tổn cho việc theo kiện. Ví dụ trong lĩnh vực xây dựng, hợp đồng bảo hiểm, tài chính… – các lĩnh vực mà có nhiều quan hệ pháp luật đan xen nhau. Việc gộp vào một vụ giúp cho việc tìm ra bản chất pháp lý của sự việc để giải quyết…” – Luật sư Đạt nhấn mạnh.
Đặc biệt, với Điều 37 “Thủ tục rút gọn”, trong đó điều khoản trọng tài mẫu áp dụng cho thủ tục rút gọn nêu rõ: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) theo quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này. Các bên thỏa thuận rằng tố tụng trọng tài sẽ được tiến hành theo Thủ tục rút gọn quy định tại Điều 37 của Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC”, theo Luật sư Đạt, thay đổi này hứa hẹn sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp tại VIAC, đặc biệt là đối với các vụ việc có tình tiết đơn giản; hồ sơ chứng cứ gọn nhẹ, điển hình là các tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm, mua bán hàng hóa.
“Với đội ngũ trọng tài viên là các chuyên gia hàng đầu trong hầu hết các lĩnh vực của hoạt động thương mại, và Ban Thư ký chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệp trong hỗ trợ điều phối quá trình tố tụng, VIAC tự tin vận hành Thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp nhanh chóng mà vẫn đảm bảo chất lượng của quá trình” – Phó Tổng Thư ký VIAC khẳng định.
Được biết, các quy tắc tố tụng VIAC 2017 sẽ chính thức được thực hiện từ 1/3/2017.
Cải cách kinh tế đi liền với cải cách tư pháp
Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch VIAC, nguyên Trưởng ban Pháp chế VCCI, công cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam đang đến hồi khẩn trương và quyết liệt. Trong nhiệm kỳ mới này, Chính phủ đã đưa ra thông điệp: Kiến tạo – Liêm chính – Hành động, và từng bước một Chính phủ đang thực hiện phương châm được thể hiện trong thông điệp này.
“Theo nhìn nhận của VIAC, công cuộc cải cách kinh tế sẽ bị chậm lại nếu không có tư pháp. Ví dụ: Nghị quyết 19 của Chính phủ năm 2014 không có một đoạn nào đề cập đến cải cách tư pháp, không có vai trò của tòa án và viện kiểm sát. Sau 3 năm, ở Nghị quyết 19 năm 2017, số lượng chủ thể đã tăng lên, Nghị quyết đã đề cập đến TANDTC, VKSNDTC nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp. Việc đưa thêm chủ thể vào Nghị quyết 19 năm 2017 cho thấy Chính phủ đã nhìn thấy cải cách kinh tế phải đi liền với cải cách tư pháp..”- Chủ tịch VIAC nhận định.
Đặc biệt, Luật sư Trần Hữu Huỳnh cũng lưu ý một nội dung trong Nghị quyết 19 năm 2017, trong đó yêu cầu tòa án không can thiệp đến nội dung phán quyết của trọng tài. “Nguy cơ phán quyết của trọng tài bị hủy về nội dung sẽ giảm đi rất nhiều…”- Chủ tịch VIAC kỳ vọng.
Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thị Mai xác nhận: “Nếu nói tới hoạt động trọng tài ở Việt Nam thì không thể không nhắc tới VIAC. Trong 2016 không có phán quyết nào của VIAC bị huỷ. Và chính điều này đã tạo lập được niềm tin và trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho giới kinh doanh đầu tư. Với bộ quy tắc tố tụng năm 2017 được công bố hôm nay với việc chỉ có 3 điểm mới nhưng lại rất cơ bản và mang tính đột phá rất nhiều…”
Cũng theo đại diện Bộ Tư pháp, quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC vừa công bố giống như đạo luật trong luật tố tụng và gần với quy tắc quốc tế của Hồng Kong, ICC,… “Trong bối cảnh Chính phủ đang cải cách thủ tục hành chính, cải thiện đầu tư, môi trường kinh doanh thì sự ra đời của Quy tắc này là sự ủng hộ rất thực tiễn và kịp thời đối với quyết sách của Chính phủ. Bản thân tôi cũng đánh giá rất cao và cũng hy vọng với những cải tiến thuận tiện như cải cách nhiều hơn, quy trình gọn hơn, với đội ngũ trọng tài viên tốt hơn thì sẽ tiếp tục thành công hơn trong thời gian tới. Qua quá trình làm việc, các toà án của Singapore, Hong Kong… đánh giá cao đội ngũ trọng tài của VIAC và VIAC đã thể hiện vai trò có thể đương đầu giải quyết tranh chấp cả trong nước và quốc tế”. – bà Mai nhấn mạnh.
* Theo Luật sư Nguyễn Đức Mạnh, Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Bizlink, Trọng tài viên VIAC, với việc cho phép gộp nhiều vụ việc nếu phía các bên xảy ra tranh chấp đồng ý hoặc quy tắc của trung tâm cho phép thì đây là điểm rất tích cực. Bởi nếu lấy ví dụ về vụ việc giữa hai DN xuất khẩu ký kết nhiều hợp đồng, trong đó có 5 hoặc 10 hợp đồng đều có tranh chấp, nếu trước đây, trong khoảng từ tháng 7/2014 tới nay, phải tách từng hợp đồng theo từng vụ việc và mỗi vụ việc lại có một hội đồng trọng tài riêng, sẽ gây mất rất nhiều thời gian và chi phí; thì với quy định tại điều 6, điều 15 quy tắc VIAC 2017 đã có thể giải quyết được điều này. Về điều 37 yêu cầu thủ túc rút gọn, có quy định các bên có thể giải quyết tranh chấp, không cần đến trụ sở trung tâm mà có thể thông qua video conference và teleconference và nhiều phương tiện khác, Luật sư Mạnh cho rằng, đây là điểm rất có lợi cho các DN, đặc biệt là DN nước ngoài.
* Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, Trọng tài viên VIAC cũng cho rằng, Quy tắc tố tụng trọng tài VIAC 2017 đã giải quyết được rất nhiều vấn đề của lĩnh vực ngân hàng bởi đối với hoạt động ngân hàng rất hay có người thứ 3 tham gia vào các vụ tố tụng. Theo Luật sư Đức, trước đây việc gộp các vụ lại có thể có nhưng vì chưa có quy tắc nên mọi người rất ngại thực hiện. Điều 6, Điều 15 đã mở ra cánh cửa rộng rãi có thể đưa ra giải quyết tranh chấp trọng tài. Luật sư Đức cũng cho rằng Quy tắc mới có một điểm rất hay, đó là khi chọn Toà án để giải quyết thì không được chọn Toà trọng tài nhưng ngược lại khi chọn Toà trọng tài thì vẫn có thể đưa lên Toà án giải quyết. Đặc biệt, trong lĩnh vực ngân hàng có rất nhiều vụ và rất phức tạp thì với sự chuyên nghiệp trong chi phí, thời gian và quy tắc cả trong và ngoài nước của Quy tắc tố tụng trọng tài VIAC 2017 đã giải quyết được nhiều vấn đề cho lĩnh vực này…
Theo Bao Phapluat