Cổ đông “tố” Lãnh đạo Coteccons xung đột lợi ích: Pháp luật qui định thế nào về ngăn ngừa xung đột lợi ích trong doanh nghiệp ?

11/06/2020 11:45

(Pháp lý) - Luật Phòng chống tham nhũng mới năm 2018 đã mở rộng điều chỉnh công tác phòng chống tham nhũng trong khu vực tư nhân và bao gồm một cơ chế mới về kiểm soát xung đột lợi ích. Luật Phòng chống tham nhũng 2018 cũng yêu cầu những người có chức vụ, quyền hạn của một công ty cổ phần đại chúng, hoặc một tổ chức tín dụng phải báo cáo trong trường hợp người đó biết hoặc buộc phải biết bất kỳ xung đột lợi ích nào với người có thẩm quyền.

Theo đó, người có chức vụ, quyền hạn của công ty có thể phải tuân theo các quy tắc về xung đột lợi ích theo Luật Phòng chống tham nhũng 2018 bao gồm: Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị, thành viên Hội Đồng Quản Trị, Giám Đốc hoặc Tổng Giám Đốc, thành viên Ban Kiểm Soát và những người nắm giữ các vị trí quản lý khác mà có thẩm quyền thay mặt Công Ty tham gia ký kết giao dịch của Công Ty theo điều lệ công ty; hoặc những người khác được giao một số nhiệm vụ và quyền hạn nhất định để thực hiện các nhiệm vụ đó.

Có hay không xung đột lợi ích ở Coteccons Group?

Thông tin trên một số báo vừa qua cho biết: Kustocem Pte. Ltd. - cổ đông có trụ sở tại Singapore đang nắm giữ 17,55% cổ phần Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) vừa thông báo triệu tập đại hội cổ đông bất thường vào giữa tháng 7. Mục đích nhằm bầu Hội đồng quản trị mới và chỉ định kiểm toán độc lập hoạt động của Coteccons từ 2017 đến nay để làm rõ vấn đề xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan. Kusto muốn một số lãnh đạo cấp cao của Coteccons từ chức vì xung đột lợi ích khi đồng thời giữ nhiều chức quan trọng tại công ty đối thủ.

Coteccons làm lễ cất nóc một dự án tại TP HCM.

Động thái này, theo Kusto, được thực hiện sau nhiều năm nỗ lực không thành trong việc đối thoại với Hội đồng quản trị hiện tại để giải quyết các vấn đề một cách nội bộ. Cổ đông này từng nhiều lần đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo về việc liên quan đến xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan, sử dụng tài nguyên và uy tín công ty để phục vụ lợi ích của các thành viên trong "Coteccons Group" nhưng không được trả lời thoả đáng.
Kusto nêu ví dụ, một số thành viên trong ban lãnh đạo Coteccons đang nắm giữ đồng thời các chức vụ quản lý quan trọng tại Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons, trong đó có vị trí Chủ tịch và người đại diện theo pháp luật. “Chính họ và/hoặc những người liên quan có sở hữu số cổ phần đáng kể trong Ricons trong khi đồng thời là những người có quyền quyết định các hoạt động hàng ngày tại Coteccons”, thông cáo của Kusto nhấn mạnh.

Ricons ngoài tư cách nhà thầu phụ của Coteccons còn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong lĩnh vực tổng thầu, thiết kế và thi công cùng phân khúc. Lợi nhuận sau thuế của Ricons năm 2015 chỉ bằng 11% Coteccons, nhưng đến năm ngoái đã bằng phân nửa.

"Điều này đặt ra câu hỏi lãnh đạo cấp cao của Coteccons quyết định chọn công ty nào đấu thầu cho dự án khi họ đồng thời quản lý cả hai doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp với nhau; lãnh đạo cấp cao của Coteccons và Ricons phân bổ lợi nhuận cho từng bên như thế nào trong các hợp đồng giữa hai bên", phía Kusto thắc mắc.

Kusto cho rằng nếu lãnh đạo Coteccons hành động vì lợi ích tốt nhất của công ty thì họ không thực hiện đúng nghĩa vụ với cổ đông của Ricons, và ngược lại. Nhóm cổ đông khẳng định không thể tiếp tục đặt niềm tin vào Hội đồng quản trị và ban giám đốc hiện tại.

Trước lùm xùm trên, phía lãnh đạo Coteccons , ông Nguyễn Sỹ Công ( Tổng GĐ Coteccons) cho biết, với những dự án lớn, Coteccons không thể tập trung toàn bộ nguồn lực mà phải quản lý các nhà thầu phụ thi công trực tiếp. Công ty có hợp đồng chi tiết, quy định rõ trách nhiệm pháp lý với tất cả nhà thầu phụ và nhà cung cấp, kể cả những công ty con hoặc liên kết như Ricons, Unicons. Tuy nhiên, theo ông Công, vì không muốn Kusto tiếp tục có những hành động gây hấn nên doanh nghiệp này đã không ký bất cứ hợp đồng vào với Ricons từ cuối năm 2019 đến nay.

Đại diện Coteccons cũng cho rằng, khi Kusto ký thoả thuận cổ đông với ban lãnh đạo vào tháng 3/2012, hai bên đã thống nhất sẽ ủng hộ những quyết định cần thiết để hợp nhất Ricons (tiền thân là Phú Hưng Gia) vào Coteccons. Coteccons ban đầu sở hữu 20% cổ phiếu Ricons, sau đó giảm còn 14,87% do phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ.

Ricons chưa lên sàn chứng khoán, có phân khúc khách hàng riêng và đội ngũ nhân sự chất lượng nên tiềm năng tăng trưởng lớn. Đây là lý do Coteccons muốn sáp nhập Ricons để gia tăng thị phần nhưng nhóm Kusto bác bỏ. Tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông Nguyễn Sỹ Công tại Ricons ít hơn so với tỷ lệ tại Coteccons. Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Dương không sở hữu cổ phiếu Ricons.

"Vì vậy, việc vu cáo ban lãnh đạo Coteccons tập trung nguồn lực cho Ricons là hoàn toàn không có căn cứ", ông Công khẳng định.

Về yêu cầu chỉ định kiểm toán độc lập để làm rõ xung đột lợi ích giữa các thành viên của Coteccons, ông Nguyễn Sỹ Công nói, báo cáo tài chính mỗi năm đều được kiểm toán bởi những công ty trong nhóm Big4 nên không ai có thể can thiệp.

Pháp luật quy định thế nào về ngăn ngừa xung đột lợi ích trong doanh nghiệp ?

Luật Phòng chống tham nhũng mới năm 2018 đã mở rộng điều chỉnh công tác phòng chống tham nhũng trong khu vực tư nhân và bao gồm một cơ chế mới về kiểm soát xung đột lợi ích.

Theo Luật Phòng chống tham nhũng 2018, xung đột lợi ích là tình huống mà lợi ích của một người có chức vụ, quyền hạn trong công ty hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ của người đó. Người có chức vụ, quyền hạn của công ty có thể phải tuân theo các quy tắc về xung đột lợi ích theo Luật Phòng chống tham nhũng 2018 bao gồm:

Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị, thành viên Hội Đồng Quản Trị, Giám Đốc hoặc Tổng Giám Đốc, thành viên Ban Kiểm Soát và những người nắm giữ các vị trí quản lý khác mà có thẩm quyền thay mặt Công Ty tham gia ký kết giao dịch của Công Ty theo điều lệ công ty; hoặc những người khác được giao một số nhiệm vụ và quyền hạn nhất định để thực hiện các nhiệm vụ đó.

Luật Phòng chống tham nhũng 2018 cũng yêu cầu những người có chức vụ, quyền hạn của một công ty cổ phần đại chúng, hoặc một tổ chức tín dụng phải báo cáo trong trường hợp người đó biết hoặc buộc phải biết bất kỳ xung đột lợi ích nào với người có thẩm quyền.

Nghị Định 59/2019 hướng dẫn thi hành Luật PCTN năm 2018 quy định một số trường hợp trong đó xung đột lợi ích được coi là tồn tại trong khu vực công. Một công ty cổ phần đại chúng, hoặc một tổ chức tín dụng phải dựa trên các điều khoản này để cung cấp một danh sách các ví dụ về xung đột lợi ích. Những trường hợp này bao gồm: Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của tổ chức, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình; Sử dụng những thông tin có được từ chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc để phục vụ tổ chức hoặc cá nhân khác; Ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột hoặc để doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của họ ký hợp đồng với Công Ty của mình khi được giao thực hiện các giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ký kết hợp đồng cho Công Ty; Có vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người có quyền, lợi ích trực tiếp liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình; và can thiệp hoặc tác động không đúng đến hoạt động của Công Ty, vì lợi ích cá nhân.

Theo Nghị Định 59/2019, một công ty cổ phần đại chúng, hoặc tổ chức tín dụng sẽ cần phải ban hành: Chính sách về xung đột lợi ích cho tất cả nhân viên và thành viên của Công Ty; và Cơ chế nội bộ về tiếp nhận và xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích.

Theo qui định của NĐ 59, có 9 trường hợp được xem là xung đột lợi ích

Trước đó, năm 2017, Chính phủ cũng bàn hành một Nghị định qui định khá rõ về vấn đề này - Nghị định số 71/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về trách nhiệm trung thực và tránh các xung đột về quyền lợi của người quản lý DN.

Theo đó, thành viên HĐQT, Kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng giám đốc) và người quản lý khác phải công khai các lợi ích liên quan theo quy định của Luật DN và các văn bản pháp luật liên quan.

Thành viên HĐQT, Kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng giám đốc), người quản lý khác và những người có liên quan của các thành viên này không được sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ của mình để tư lợi cá nhân hay để phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác.

Thành viên HĐQT, Kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng giám đốc) và người quản lý khác có nghĩa vụ thông báo cho HĐQT, Ban kiểm soát về các giao dịch giữa công ty, công ty con, công ty do công ty đại chúng nắm quyền kiểm soát trên 50% trở lên vốn điều lệ với chính thành viên đó hoặc với những người có liên quan của thành viên đó theo quy định của pháp luật.

Đối với các giao dịch của các đối tượng nêu trên do Đại hội đồng cổ đông hoặc HĐQT chấp thuận, công ty đại chúng phải thực hiện công bố thông tin về các nghị quyết này theo quy định của pháp luật chứng khoán về công bố thông tin.

Bên cạnh đó, thành viên HĐQT không được biểu quyết đối với giao dịch mang lại lợi ích cho thành viên đó hoặc người có liên quan của thành viên đó theo quy định của Luật DN và Điều lệ công ty.

Thành viên HĐQT, Kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng giám đốc), người quản lý khác và những người có liên quan của các thành viên này không được sử dụng các thông tin chưa được phép công bố của công ty hoặc tiết lộ cho người khác để thực hiện các giao dịch có liên quan.

Lê Phúc

Bạn đang đọc bài viết "Cổ đông “tố” Lãnh đạo Coteccons xung đột lợi ích: Pháp luật qui định thế nào về ngăn ngừa xung đột lợi ích trong doanh nghiệp ?" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin