Cơ chế thu hồi tài sản bất hợp pháp không qua thủ tục kết tội ở một số nước trên thế giới và tham khảo cho Việt Nam (kỳ 1)

(Pháp lý) - Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong đó có vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát thời gian qua gặp nhiều khó khăn thách thức. Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về thủ tục và phương thức thu hồi tài sản không qua hình thức kết tội, sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam…
1-1677122866.jpg

Thụy Sĩ, Australia, Vương quốc Anh, Thái Lan… là những quốc gia áp dụng thành công cơ chế thu hồi tài sản bất hợp pháp không qua kết tội

Thụy sĩ -  quốc gia ít tham nhũng nhất nhờ thực hiện hiệu quả Đạo luật Trả lại tài sản bất hợp pháp

Thụy Sĩ là quốc gia điển hình trong áp dụng biện pháp thu hồi tài sản bằng thủ tục hành chính. Năm 2010, Quốc hội nước này đã thông qua Đạo luật Trả lại tài sản bất hợp pháp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hồi số tiền thu được do tham nhũng trong các tình huống mà tình trạng nguồn gốc của tài sản không thể tiến hành thủ tục hình sự. Đạo luật Trả lại tài sản bất hợp pháp quy định việc đóng băng, tịch thu và hoàn trả tài sản do những người có quan hệ chính trị nước ngoài và cộng sự của họ nắm giữ ở Thụy Sĩ trên cơ sở quyết định của Tòa án hành chính Liên bang.

Đạo luật Trả lại tài sản bất hợp pháp cho phép Tòa án có quyền giả định nguồn gốc bất hợp pháp của những tài sản này khi “tài sản của người có quyền định đoạt tài sản đã tăng lên bất thường có liên quan đến việc thực thi chức vụ công của người có liên quan đến chính trị và mức độ tham nhũng ở quốc gia xuất xứ hoặc xung quanh người có liên quan đến chính trị được đề cập trong nhiệm kỳ của họ đã được thừa nhận là cao”. Nhờ áp dụng hiệu quả phương thức này mà Thụy Sĩ được đánh giá là một trong những quốc gia ít tham nhũng nhất trong các nước thuộc liên minh Châu Âu và thế giới.

Tịch thu tài sản thông qua thủ tục hành chính ở Thụy Sĩ được áp dụng trong trường hợp chủ sở hữu hợp pháp, hoặc người chiếm hữu trước khi thu giữ đã bỏ tài sản bị thu giữ. Bằng biện pháp này, các mệnh lệnh hành chính và các biện pháp tương tự có thể đóng băng tài sản trước khi có yêu cầu chính thức đầy đủ, bổ sung cho quy trình tương trợ tư pháp. Ưu điểm của thu hồi tài sản bằng thủ tục hành chính là diễn ra nhanh và giảm thiểu các chi phí liên quan đến việc bảo quản tài sản cho các lần áp dụng tịch thu tiếp theo. Do vậy, biện pháp này đang ngày càng được áp dụng rộng rãi và thu được nhiều kết quả tích cực trong việc ngăn chặn tẩu tán tài sản tham nhũng ở quốc gia này.

Australia: tịch thu tài sản không giải thích được và tịch thu dân sự căn cứ vào Đạo luật Tài sản phạm tội

Đạo luật Tài sản phạm tội năm 2002 (Proceeds of Crime Act 2002) của Australia quy định có 2 hình thức thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội, đó là: tịch thu tài sản không giải thích được và tịch thu dân sự. Cả hai hình thức này đều do tòa án quyết định. Tịch thu tài sản không giải thích được được áp dụng để xử lý trường hợp người sở hữu hoặc chiếm giữ tài sản nhưng không giải thích được nguồn gốc hợp pháp của tài sản đó. Hay nói cách khác là cơ chế yêu cầu một người phải chứng minh biến động tài chính của bản thân là hợp pháp.

Tịch thu tài sản không giải thích được trong Đạo luật Tài sản phạm tội năm 2002, được tòa án có thẩm quyền ở Australia áp dụng khi có lý do hợp lý để nghi ngờ rằng tổng tài sản của một người vượt quá giá trị tài sản của người đó có được một cách hợp pháp. Dựa trên sự cân bằng của xác suất (nguyên tắc chứng minh trong dân sự - khả năng cao trên 50%), rằng sự giàu có của một người không bắt nguồn từ các hành vi phạm tội có liên quan đến Liên bang, cơ quan chức năng có thể yêu cầu cá nhân đó giải thích về nguồn gốc tài sản mà thành viên này có được.

Sau phiên điều trần, nếu một người không thể chứng minh hoặc không giải thích được số tiền, tài sản hợp pháp, tòa án sẽ quyết định việc ra lệnh tịch thu tài sản chênh lệch giữa tổng tài sản và tài sản hợp pháp, yêu cầu họ trả cho Liên bang số tiền chênh lệch giữa tổng tài sản và tài sản hợp pháp của họ. Đáng chú ý là trong biện pháp tịch thu tài sản không giải thích được, Nhà nước sẽ không phải chứng minh tài sản của người bị yêu cầu giải thích sở hữu, chiếm hữu là có nguồn từ tội phạm, nghĩa vụ sẽ chuyển sang cho người bị yêu cầu giải thích để chứng minh rằng tài sản là hợp pháp.

Đối với hình thức tịch thu dân sự, được Australia áp dụng bởi một quy trình rất chặt chẽ và rất minh bạch. Đối tượng khởi kiện hoặc đệ trình là cán bộ cảnh sát Liên bang Australia. Tòa án có thẩm quyền, sau khi xem xét các bằng chứng, có dấu hiệu nghi ngờ về tài sản hoặc cá nhân có liên quan đến tội phạm sẽ ban hành lệnh hạn chế (trước khi ban hành quyết định chính thức) mà không nhất thiết phải truy tố hoặc không thể truy tố một tội phạm.

Sau khi nhận được lệnh của tòa án có thẩm quyền có liên quan đến tài sản bị hạn chế, người có tài sản có thể nộp đơn giải trình, chứng minh về nguồn gốc hợp pháp của tài sản. Nếu chủ tài sản chứng minh được tài sản mình đang sở hữu là hợp pháp (như không biết tài sản mình mua có nguồn gốc từ tội phạm và không có bất kỳ căn cứ hợp lý nào để nghi ngờ điều này), tòa án sẽ thu hồi lệnh và người có tài sản có thể giữ lại tài sản. Trước đó việc loại bỏ dấu hiệu nghi ngờ nguồn gốc bất hợp pháp của chủ tài sản sẽ được sàn lọc bỡi nghiệp vụ của cơ quan có thẩm quyền bằng biện pháp ra lệnh kiểm tra chéo rất kỹ lưỡng.

Cơ quan có thẩm quyền có quyền bắt buộc chủ tài sản phải trung thực (nếu nói dối sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự) trong chứng minh nguồn gốc tài sản và không thể từ chối trả lời câu hỏi cho dù đối tượng đó là ai, ngay cả đối với thông tin được bảo vệ bởi đặc quyền không đưa ra lời khai chống lại mình. Trường hợp chủ tài sản không chứng minh được sự trong sạch hoặc tòa án nhận thấy khả năng cao tồn tại mối quan hệ giữa tài sản với tội phạm hoặc trong 06 tháng không có ai tuyên bố lợi ích liên quan đến tài sản, tòa án sẽ ban hành quyết định tịch thu tài sản.

Vương Quốc Anh và một số nước: Thu hồi tài sản bất hợp pháp ngay trong giai đoạn điều tra

So với những loại tội phạm khác thì tội phạm tham nhũng rất khó để điều tra, chứng minh và truy tố. Để giải quyết vấn đề này, một số quốc gia cho phép áp dụng quyền thu hồi tài sản của người bị tình nghi phạm tội ở bất cứ giai đoạn nào của tố tụng mà không cần phải có phiên tòa hình sự để đưa ra phán quyết buộc tội. Có nghĩa là thủ tục thu hồi tài sản không chỉ có ở giai đoạn sau khi kết án, mà còn có thể được sử dụng trong trường hợp không truy tố, hoặc trước khi truy tố hay trong trường hợp truy tố nhưng không thể kết án hình sự.

Trong trường hợp trên, cơ quan chức năng được phép thu hồi tài sản phải có “bằng chứng ưu thế” (tức Tòa án xử cho bên đưa ra chứng cứ mạnh hơn) xác định đó là tài sản bất hợp pháp hoặc có nguồn gốc từ tài sản bất hợp pháp dựa trên tiêu chuẩn cung cấp được. Khi đó, cơ quan có thẩm quyền có thể thu hồi tài sản ngay cả khi không thể kết án người đã thực hiện hành vi tham nhũng do họ đã chết, lẩn trốn, vắng mặt hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, hay ngay cả khi không tìm được người thực hiện hành vi phạm tội nhưng tìm được tài sản, thậm chí khi tài sản đang do một bên thứ ba nắm giữ mà bên thứ ba này không bị kết án, bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan chức năng nhận thức được rằng tài sản do phạm tội mà có hoặc tài sản được sử dụng làm công cụ phạm tội.

Bên cạnh đó, với những tài sản hình thành vào thời điểm mà hành vi của người có được tài sản đã thực hiện không bị xem là tội phạm thì vẫn có thể áp dụng thủ tục thu hồi không dựa trên kết án để thu hồi tài sản đó. Cách này không chỉ giúp phòng, chống tham nhũng mà còn chống tư lợi cho những người tham nhũng. Vương quốc Anh là quốc gia áp dụng rất thành công hình thức này. Khi đó các cơ quan chức năng phải nỗ lực tịch thu thông qua các thủ tục hình sự đầu tiên. Nếu tịch thu hình sự thất bại (do người phạm tội thoát án hình sự), các nhà chức trách có thể chuyển sang thu hồi tài sản không thông qua hình thức kết án (thu hồi tài sản được mua trực tiếp bằng tiền phạm tội), tiếp theo là đánh thuế thu nhập phạm tội; còn việc thu hồi các công cụ phạm tội thì có thể được thực hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của tố tụng hình sự.

Thái Lan:  vận dụng Luật Chống rửa tiền và Luật Chống tham nhũng để thiết lập cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết án

Thái Lan cũng là nước thiết lập và duy trì một số cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết án từ rất sớm thông qua Luật Chống rửa tiền năm 1999 và Luật Chống tham nhũng đồng ban hành năm 1999. Theo đó, đối với cán bộ nhà nước hoặc đã nghỉ việc nhà nước không quá 2 năm bị phát hiện có tài sản thu về hoặc tích lũy một lượng bất thường hoặc tăng lên rõ rệt hoặc có được tài sản không chính đáng do thực hiện nhiệm vụ, quyền lực, Luật Chống tham nhũng sẽ điều chỉnh bằng quy định Lệnh giàu có bất thường. Cáo buộc được đệ trình lên Ủy ban chống tham nhũng quốc gia để xem xét, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ cho Công tố viên. Căn cứ vị trí, chức vụ của cán bộ bị cáo buộc, Công tố viên sẽ đệ trình hồ sơ yêu cầu ra Lệnh tịch thu tài sản cho Nhà nước lên các tòa án có thẩm quyền. Tòa án sẽ áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự để tịch thu tài sản.

Trong khi đó, với Đạo luật Chống rửa tiền bắt buộc các tổ chức tín dụng và tài chính có nghĩa vụ pháp lý báo cáo tất cả các giao dịch tiền mặt 2.000.000 bath trở lên hoặc tất cả giao dịch tài sản trị giá 5.000.000 bath hoặc bất kỳ giao dịch đáng ngờ nào, thậm chí dưới 2.000.000 bath phải được báo cáo cho Văn phòng Phòng chống rửa tiền (VPPCRT). Nếu có bằng chứng giao dịch đó liên quan đến bất kỳ hành vi phạm tội, VPPCRT sẽ báo cáo vấn đề với Ủy ban giao dịch để áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc Tổng Thư ký VPPCRT sẽ quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn trước khi báo cáo Ủy ban. Nếu có đủ bằng chứng chứng minh tài sản có liên quan đến hành vi phạm tội thì Tổng thư ký của VPPCRT sẽ chuyển hồ sơ cho công tố viên để xem xét việc nộp đơn khởi kiện đến tòa án để tịch thu.

Khi đó, nhằm ngăn chặn tẩu tán tài sản, thẩm phán phải ban hành ngay lệnh thu giữ tạm thời hoặc hạn chế tài sản khi xét thấy đơn khởi kiện có căn cứ tin cậy. Tòa án sẽ áp dụng tiêu chuẩn chứng minh cân bằng về xác suất để quyết định xem tài sản có liên quan đến một hành vi phạm tội hay không. Chủ sở hữu tài sản đó có quyền tham gia tố tụng và chứng minh rằng bản thân là chủ sở hữu thực sự và tài sản không liên quan đến hành vi phạm tội hoặc việc mua lại với mục đích tốt đẹp và phù hợp đạo đức hoặc từ thiện công khai thì tòa án sẽ không ra lệnh tịch thu. Nếu tòa án xác định rằng tài sản có mối liên hệ với hành vi phạm tội, tòa án sẽ tịch thu tài sản bằng cách đưa ra lệnh rằng tài sản phải được giao nộp cho nhà nước.

(Còn nữa….)

 

Minh Trung

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin