Chuyên gia TQ: Với vai trò không thể thay thế, TQ đang nhấn nút khởi động cho nền kinh tế toàn cầu

Theo ông Vương Quân, điều này có lợi trong việc đưa nền kinh tế thế giới vốn đang đình trệ sớm thoát khỏi sa sút và suy thoái.

Song song với việc kiểm soát dịch bệnh trong nước tiếp tục được cải thiện, Trung Quốc hiện nay đã chuyển từ phòng chống dịch toàn diện sang vừa phòng chống dịch bệnh vừa khôi phục sản xuất.

Theo chỉ thị của Chủ tịch Tập Cận Bình, các tỉnh đã tích cực thúc đẩy khôi phục sản xuất vfa "công xưởng thế giới" đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Hiện tại, một loạt các chính sách được thi hành đã dần có hiệu lực, trật tự sản xuất và sinh hoạt ở nhiều địa phương phục hồi nhanh chóng.

Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường Quốc tế, Bộ Thương mại Trung Quốc Bạch Minh nhận định: "Trung Quốc là một nước lớn về công nghiệp chế tạo, việc khôi phục sản xuất sẽ giúp các hoạt động xã hội trở nên sôi nổi và có tác động kích thích tương đối lớn đối với sự phát triển kinh tế.

Đối với nền kinh tế thế giới, Trung Quốc là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng và sản xuất công nghiệp toàn cầu, đóng vai trò trong việc kết nối thế giới. Trung Quốc cung cấp linh kiện cho nhiều doanh nghiệp ô tô nước ngoài, đồng thời, cũng có nhu cập nhập chip bán dẫn từ các quốc gia khác. Việc Trung Quốc nối lại sản xuất đã tạo ra cơ hội việc làm và phát triển kinh tế cho nhiều quốc gia".

Ông này cho biết, chỉ số sản xuất PMI cho thấy, trong tháng 2, chỉ số này của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp lịch sử 35,7% nhưng sang tháng 3 đã phục hồi lên 52%, tăng 16,3 điểm phần trăm so với tháng trước, cung và cầu của thị trường được cải thiện.

Trung tâm Khảo sát Dịch vụ thuộc Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng chỉ ra rằng, chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất đã tăng đáng kể trong tháng 3, cho thấy hầu hết các công ty hiện song song thúc đẩy khôi phục sản xuất một cách có trật tự thì tình hình hoạt động kinh doanh đã được cải thiện so với tháng trước.

Hiện nay, công tác phòng chống dịch bệnh và xu thế kinh tế của Trung Quốc và các quốc gia trên thế giới đang phát sinh nhiều thay đổi lớn và mới. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách Kinh tế, Viện Khoa học Chính sách Trung Quốc Từ Hồng Tài cho biết: "Trung Quốc đã đạt được những tiến triển mang tính giai đoạn trong công tác phòng chống dịch bệnh, chuỗi cung ứng và sản xuất công nghiệp đang tăng tốc phục hồi, trong khi dịch bệnh lan rộng ở nhiều quốc gia.

Hiện tại, trọng tâm của Trung Quốc là ngăn chặn [dịch bệnh] thâm nhập từ bên ngoài, tránh tái bùng phát trong nước. Trên cơ sở vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa khôi phục sản xuất để đáp ứng hiệu quả nhu cầu trong nước, bù đắp nhu cầu bên ngoài, cứu vãn những tổn thất do dịch bệnh gây ra.

Từ góc độ trong nước, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng phải phát triển theo chiều sâu, ổn định việc làm, ổn định phát triển kinh tế và ổn định các hoạt động xã hội.

Về chi phí chìm do tình hình dịch bệnh tạo ra, cần phải thuận theo xu hướng, điều chỉnh cơ cấu doanh nghiệp, mở rộng xuất khẩu ra nước ngoài, phát triển thị trường mới và cảnh giác với làn sóng tấn công thứ hai".

Chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Trung Nguyên Trung Quốc Vương Quân cũng cho rằng, là nước sản xuất lớn nhất thế giới, Trung Quốc là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu, có vị trí không thể thay thế trong chuỗi cung ứng, sản xuất và phân công sản xuất công nghiệp toàn cầu. Do đó, sự phục hồi của sản xuất Trung Quốc có tác động mang tính toàn cầu và sự phục hồi của chuỗi cung ứng của Trung Quốc sẽ góp phần vào sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông, việc Trung Quốc khôi phục sản xuất được ví như hành động nhấn nút khởi động cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang bị đình trệ, điều này có lợi trong việc đưa nền kinh tế thế giới sớm thoát khỏi sa sút và suy thoái.

Vào ngày 27/3, tại phiên họp của Bộ Chính trị Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế, đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng vận chuyển quốc tế, đảm bảo hệ thống này vận hành trơn tru.

Ông Từ Hồng Tài cho hay, vào sáng ngày 28/3, chuyến tàu đầu tiên giữa Trung Quốc và châu Âu khởi hành từ Vũ Hán kể từ khi dịch bệnh được khống chế, dự kiến sẽ đến Duisburg, Đức sau 15 ngày. Điều này đánh dấu sự trở lại hoạt động bình thường của tuyến đường sắt Trung-Âu, xuất phát từ Vũ Hán, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo dòng chảy vận chuyển toàn cầu.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/chuyen-gia-tq-voi-vai-tro-khong-the-thay-the-tq-dang-nhan-nut-khoi-dong-cho-nen-kinh-te-toan-cau.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin