(Pháp lý) - Dưới góc nhìn của các chuyên gia pháp luật, chuyên gia kinh tế, các vụ việc nổi cộm được chúng tôi nhắc trong bài trước không còn “đúng quy trình”. Có những vi phạm pháp luật hoặc lách luật để làm giàu.
Vụ đất dinh thự khủng ở Yên Bái: Vi phạm quy định về hạn mức giao đất và dấu hiệu làm trái quy hoạch ?
Nhiều lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã khẳng định việc cấp đất cho gia đình ông Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái xây dựng biệt phủ là đúng quy trình. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp luật chia sẻ với Phóng viên Pháp lý những dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai và dấu hiệu của tham nhũng quy hoạch trong vụ việc này.
Theo nội dung vụ việc được báo chí thông tin, chỉ trong ngày 20/7/2015, đã có 6 quyết định liên tiếp được ông Nguyễn Yên Hiền (Phó Chủ tịch UBND TP.Yên Bái) ký để chuyển đổi hơn 13.000m2 đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở cho gia đình ông Quý. Luật sư Vũ Lợi cho rằng: Vấn đề giao đất ở phải theo hạn mức được quy định tại khoản 2 Điều 143, khoản 4 Điều 144 Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể, điều 144 thì đất ở tại đô thị bao gồm đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư đô thị, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đất ở tại đô thị phải bố trí đồng bộ với đất sử dụng cho mục đích xây dựng các công trình công cộng, công trình sự nghiệp, bảo đảm vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị hiện đại….Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và quỹ đất của địa phương quy định hạn mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở đối với trường hợp chưa đủ điều kiện để giao đất theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở.
Tại Yên Bái, tỉnh này có Quyết định 16/2014/QĐ-UBND về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Tại Điều 7 về hạn mức giao đất ở mới tại đô thị và hạn mức giao đất ở mới tại nông thôn có ghi rõ: Đối với các thửa đất tiếp giáp với đường giao thông có tên trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định là không quá 250 m2; Đối với các thửa đất tại các vị trí còn lại là không quá 300 m2; Hạn mức giao đất ở mới tại các xã thuộc thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và các thị trấn (đối với các thửa đất tiếp giáp với đường giao thông có tên trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định là không quá 300 m2, đối với các thửa đất tại các vị trí còn lại là không quá 350 m2); Hạn mức giao đất ở mới tại các xã còn lại là không quá 400 m2.
Như vậy diện tích đất tối đa được giao cho một hộ dân là không quá 400 m2. Tuy nhiên với các quyết định mà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã kí thì trong cùng một ngày gia đình ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường được giao nghiễm nhiên có khu “đất ở” với tổng diện tích 13.577m2 và hợp thành một khu đất rộng bao la. Điều này vi phạm nghiêm trọng các quy định về hạn mức giao đất ở.
Phải nhấn mạnh rằng, trước khi giữ vị trí là Giám đốc Sở, ông Quý là Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Yên Bái kiêm Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường. Nếu nhìn lại các mốc thời gian của vụ việc này, ta còn thấy nhiều bất thường khác. Ngày 12/5/2014, UBND tỉnh Yên Bái có quyết định 6666/QĐ-UBND về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 -2015) của Thành phố Yên Bái. Ngày 23/6/2014, UBND TP Yên Bái cũng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho rất nhiều mảnh đất của bà Hoàng Thị Huệ, vợ ông Quý. Như vậy thời điểm ông Quý làm Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường kiêm Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Yên Bái cũng là giai đoạn việc mua bán, chuyển nhượng đất đai của biệt phủ này diễn ra. Dư luận băn khoăn rằng, đã có một quá trình chuẩn bị để những mảnh đất của gia đình ông Quý được xác định là hợp quy hoạch, sau đó dễ dàng chuyển đổi thành đất ở?
“Những mốc thời gian rất gần nhau, từ quyết định quy hoạch đến việc mua bán đất của gia đình ông Giám đốc Sở, khiến dư luận và các chuyên gia pháp luật băn khoăn đặt câu hỏi có hay không vấn đề "tham nhũng quy hoạch" trong vụ việc này? Chừng ấy bằng chứng chưa đủ để kết luận có hay không, nhưng cũng khiến dư luận đặt câu hỏi về vấn đề bất thường đó.
Tham nhũng trong quy hoạch được biểu hiện rõ nét nhất là sự tùy tiện thay đổi quy hoạch. Quy hoạch tuy đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng vì những tính toán cá nhân, “lợi ích nhóm” những người có chức quyền sẵn sàng điều chỉnh với việc viện dẫn rất nhiều lý do. Lãng phí trong quy hoạch còn lớn hơn, nguy hại hơn là tình trạng tham ô, tham nhũng ở các lĩnh vực khác. Có hay không việc cố tình thâu tóm đất đai và điều chỉnh quy hoạch để tạo điều kiện cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng những mảnh đất của gia đình ông Quý? Từ phát hiện này, Luật sư Vũ Lợi kiến nghị: “Các cơ quan Thanh tra cần thận trọng xem xét, xem từ vị trí trước đây, ông Quý có cố tình tham gia vào việc sửa đổi quy hoạch từ đó tạo cơ hội tư lợi cho gia đình mình hay không?”.
Để ngăn chặn tham nhũng quy hoạch, Luật sư Vũ Lợi hiến kế: Hoạch định chính sách về quy hoạch phải công khai. Xây dựng quy hoạch phải có sự ổn định trong một thời gian nhất định, tránh sửa đổi quy hoạch nhiều lần trong thời gian ngắn. Đồng thời các cơ quan xây dựng chính sách cần hết sức chú ý đến việc thiết kế các chính sách, để tránh tình trạng người thân của các quan chức, lợi dụng ảnh hưởng của quan chức để làm ăn, kiếm lời.
Vụ đấu giá đất ở Lào Cai: Vi phạm quy định về đối tượng đấu giá?!
Nhiều quan chức của tỉnh Lào Cai trúng đấu giá đất ở vị trí đắc địa với giá chỉ cao hơn giá khởi điểm từ 19 đến hơn 100 nghìn/1m2. Bình luận vụ việc này, Luật sư Nguyễn Quang Ngọc (Đoàn Luật sư Hà Nội) phát hiện: Theo quy định Thông tư 48/TT-BTC về hướng dẫn về giá khởi điểm và chế độ tài chính khi bán đấu giá đất thì cơ quan được giao xử lý việc đấu giá quyền sử dụng đất có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị xác định giá khởi điểm đến Sở Tài chính. Sở Tài chính phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xác định giá khởi điểm trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Theo quy định, Điều 30 Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản quy định người không được tham gia đấu giá tài sản như sau: Người làm việc trong tổ chức bán đấu giá tài sản, nơi thực hiện việc bán đấu giá tài sản đó, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó; người trực tiếp giám định, định giá tài sản, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó…
Tuy nhiên vụ đấu giá ở Lào Cai thì những người trúng đấu giá gồm: Bí thư Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Bí thư Huyện ủy Sa Pa và gia đình một cán bộ biên phòng tỉnh. Như vậy, Giám đốc sở tài chính có tham gia vào quá trình định giá lại là người trúng đấu giá thì có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đối tượng đấu giá trong vụ việc trên.
Nhìn nhận về những bất thường trong vụ đấu giá ở Lào Cai, Luật gia Quản Văn Minh (Chủ tịch Hội đấu giá thành phố Hà Nội – Giám đốc Công ty Luật số 5 Quốc gia) cho rằng: Nếu chỉ nhìn đơn thuần vụ việc, có thể thấy vụ việc “đúng quy trình”, đúng pháp luật. Đầu tiên là vấn đề giá trúng đấu giá, theo quy định của pháp luật về đấu giá, chỉ cần bằng giá khởi điểm là đã có thể bán tài sản mang ra đấu giá. Về việc, toàn quan chức trúng đấu giá thì quy định hiện hành cho thấy quan chức cũng không phải là đối tượng bị hạn chế khi mua đấu giá.
Tuy nhiên, dưới con mắt của một Luật gia, một đấu giá viên có kinh nghiệm thì theo ông Minh trong vụ việc trên có một số điều cần bàn. Đầu tiên là hoạt động bán đấu giá trên thu được quá ít nguồn lợi cho nhà nước, tiếp đến là thiếu một cơ quan độc lập trong việc ngăn ngừa hiện tượng thông thầu, khi tất cả những người mua đấu giá quen biết nhau. Pháp luật về đấu giá chưa đủ sức khuyến khích bán được giá cao thu được nguồn tài chính tốt cho nhà nước. Các công ty đấu giá chuyên nghiệp được phép tham gia hỗ trợ hoạt động bán đấu giá nhưng chế độ, đãi ngộ đối với các tổ chức này chưa cao.
Theo ông Minh, chính vì chính sách đãi ngộ như vậy nên không khuyến khích được các đơn vị đấu giá chuyên nghiệp, công chức thực thi nhiệm vụ liên quan đến hoạt động đấu giá tổ chức đấu giá hiệu quả, mang lại nguồn lợi cho nhà nước.
Trong vụ đấu giá ở Lào Cai, có nhiều trường hợp người tham gia đấu giá quen biết nhau, với kinh nghiệm của mình, Luật sư Quang Ngọc cho rằng: Cần kiểm tra dấu hiệu thông thầu giữa các cá nhân đấu giá bởi những người tham gia đấu giá, cơ quan tổ chức đấu giá gần gũi, là cấp trên cấp dưới của nhau. Đồng thời, qua sự vụ này, cần nghiên cứu sửa đổi các quy định pháp luật về đối tượng tham gia đấu giá để hạn chế tình trạng thông thầu xảy ra.
Kẽ hở trong thâu tóm cổ phần của DNNN giúp gia đình quan chức làm giàu
Theo tìm hiểu của Phóng viên, những biểu hiện của việc “thâu tóm” mới chỉ được nhắc đến trong Luật Doanh nghiệp 2014 ở mức độ thâu tóm giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác trong quá trình mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Còn vấn đề thâu tóm cổ phần của cổ đông trong cùng một doanh nghiệp thì chưa có điều luật cụ thể nào điều chỉnh.
Mới đây, khi trao đổi với Phóng viên Pháp lý xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Mặc dù pháp luật về cổ phần hóa DNNN không cấm thâu tóm cổ phần nhưng không có nghĩa mọi hành vi thâu tóm đều đúng luật. Bản chất nằm ở phương pháp thâu tóm, có chính đáng hay không? Nếu một cổ đông có được lượng cổ phần cực kỳ lớn nhưng bằng con đường công khai, minh bạch, bằng năng lực bản thân và khả năng kinh tế thật sự thì việc thâu tóm này hoàn toàn được chấp nhận và đáng học hỏi. Tuy nhiên nếu hành vi thâu tóm được triển khai trên một loạt thủ thuật, thủ đoạn không chính đáng như: lách kẽ hở của pháp luật, dùng quyền lực gây sức ép hoặc mua chuộc các cổ đông khác phải chuyển nhượng cổ phần (trái ý muốn, không tự nguyện)…thì rõ ràng đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm pháp luật về cạnh tranh (Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004).
Cũng theo Tiến sĩ Phong, trong doanh nghiệp cổ phần hóa, người lao động là bộ phận dễ bị gây sức ép hoặc mua chuộc để bán lại cổ phần nhất. Người lao động với ưu thế là một bộ phận đông đảo được pháp luật cho phép mua cổ phần với giá bán bằng 60% giá đấu thành công thấp nhất. Quy định này rất dễ tạo điều kiện cho việc lãnh đạo hay người thân của lãnh đạo doanh nghiệp đứng đằng sau “âm thầm” thu gom lại cổ phần từ người lao động (bằng cách gây sức ép, mua chuộc…). Như vậy, một chính sách phúc lợi cho người lao động lại có nguy cơ giúp chuyển lợi ích sang nhóm khác. “Thâu tóm mà trái với đạo đức kinh doanh sẽ bị quy về hành vi cạnh tranh không lành mạnh và sẽ bị xử lý theo Nghị định số 120/2005 Quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh” – TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Theo ông Phong, việc không quy phạm hóa hành vi thâu tóm cổ phần là một “lỗ hổng” của pháp luật. Tuy nhiên, cần quy định để kiểm soát chứ không thể ngăn chặn. Bởi gia tăng cổ phần trong doanh nghiệp là quyền làm giàu chính đáng của mỗi người.
Vậy làm sao để kiểm soát được hành vi thâu tóm cổ phần khi cổ phần hóa doanh nghiệp mà không vi phạm quyền làm giàu của các cổ đông? TS. Nguyễn Minh Phong hiến kế: “Bằng cách liệt kê các hành vi thâu tóm cổ phần bị cấm, kết hợp quy định giới hạn tỉ lệ cổ phần được phép mua đối với nhà đầu tư trong nước!”
Công khai, minh bạch khi cổ phần hóa DNNN là một nguyên tắc cực kỳ quan trọng, nếu được đảm bảo xuyên suốt quá trình cổ phần hóa sẽ tránh được hiện tượng “thâu tóm không chính đáng”, làm thất thoát vốn nhà nước, phục vụ lợi ích nhóm… Đồng thời sẽ giúp cho việc cổ phần hóa được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực cả về kinh tế lẫn năng lực quản lý, điều hành.
Muốn thu hút nhiều nhà đầu tư nhất là các nhà đầu tư chiến lược, thì cách thức quan trọng và hiệu quả nhất là niêm yết công khai trên sàn chứng khoán. Pháp luật hiện hành cũng quy định điều đó, tuy nhiên lại theo hướng: chỉ doanh nghiệp nào có tình hình tài chính đáp ứng đủ điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán mới phải niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán. Nếu “nhóm lợi ích” nào đó không muốn thu hút nhà đầu tư bên ngoài để phục vụ ý đồ riêng của mình thì sao? Đương nhiên là họ sẽ tìm cách “lách” quy định này. Bằng cách “hợp pháp hóa” báo cáo tài chính, “đi đêm” với tổ chức định giá để hạ giá trị thực của doanh nghiệp xuống thật thấp. Như vậy vừa không phải niêm yết công khai, vừa dễ bề thâu tóm được nhiều cổ phần vì doanh nghiệp được định giá càng thấp thì giá trị mỗi cổ phần càng bị hạ xuống. Nếu đấu giá công khai trên Sàn chứng khoán, sẽ rất khó “gom” được lượng cổ phiếu “khủng”, bởi vì đấu giá sẽ giúp cho giá trị của cổ phiếu tăng lên rất nhiều so với mức khởi điểm.
TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: Mặc dù pháp luật về cổ phần hóa DNNN không cấm thâu tóm cổ phần nhưng không có nghĩa mọi hành vi thâu tóm đều đúng luật. Bản chất nằm ở phương pháp thâu tóm, có chính đáng hay không? Nếu một cổ đông có được lượng cổ phần cực kỳ lớn nhưng bằng con đường công khai, minh bạch, bằng năng lực bản thân và khả năng kinh tế thật sự thì việc thâu tóm này hoàn toàn được chấp nhận và đáng học hỏi. Tuy nhiên nếu hành vi thâu tóm được triển khai trên một loạt thủ thuật, thủ đoạn không chính đáng như: lách kẽ hở của pháp luật, dùng quyền lực gây sức ép hoặc mua chuộc các cổ đông khác phải chuyển nhượng cổ phần (trái ý muốn, không tự nguyện)…thì rõ ràng đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm pháp luật về cạnh tranh (Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004).
Không công khai, minh bạch, không thu hút các nhà đầu tư bên ngoài sẽ làm cho quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm trễ. Bằng cách này một cá nhân lãnh đạo là đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có thể kéo dài vị trí của mình. Từ đó sử dụng quyền lực “cấp tốc” thu gom cổ phần cho bản thân và gia đình, sau đó chờ thời cơ thích hợp bổ nhiệm người nhà vào những vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp. “Điều này có thể thấy được qua cơ cấu nhân sự của không ít các doanh nghiệp đang hoặc sau cổ phần hóa” – TS. Nguyễn Minh Phong phân tích.
Từ thực tế đó, ông Phong đề xuất: Một là không nên có giới hạn tài chính nào trong việc niêm yết các doanh nghiệp cổ phần hóa trên Sàn chứng khoán. Hai là phải có cơ chế kiểm soát thật chặt chẽ quá trình cổ phần hóa DNNN, như thành lập hẳn một Ban kiểm tra, giám sát. Pháp luật hiện hành thể hiện rất rõ lỗ hổng này khi chỉ quy định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp, nhưng lại bỏ trống một Ban kiểm tra, giám sát riêng biệt.
Ba là, về vấn đề chế tài xử lý vi phạm: Hiện nay, các vi phạm về cổ phần hóa DNNN được quy định lẻ tẻ tại các văn bản liên quan, ví dụ như Luật Chứng khoán, Luật Cạnh tranh và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực này. Cách quy định rải rác như vậy không thể hiện được tính nghiêm khắc của pháp luật và quyết tâm của Nhà nước trong xử lý vi phạm về cổ phần hóa DNNN. Do đó, bên cạnh việc tăng mức độ nghiêm khắc của các chế tài xử lý lên gấp nhiều lần, cũng cần phải quy định tập trung trong văn bản pháp luật riêng biệt về cổ phần hóa DNNN.
Nếu thực hiện được những điều chỉnh trên, nguyên tắc công khai, minh bạch trong cổ phần hóa DNNN mới có thể được đảm bảo, góp phần kiểm soát được việc thâu tóm cổ phần, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, biến tài sản nhà nước thành tài sản cá nhân, biến doanh nghiệp nhà nước thành công ty gia đình một cách bất hợp pháp.
Qui chiếu những phân tích trên với vụ việc cụ thể là tài sản khủng của gia đình Thứ trưởng Kim Thoa, thời gian đầu lên làm Thứ trưởng, bà Kim Thoa được giao phụ trách Vụ Công nghiệp nhẹ thuộc Bộ Công thương, đây là đơn vị quản lý trực tiếp DQC. Có ý kiến cho rằng nếu đối chiếu với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, thì có căn cứ để khẳng định bà Hồ Thị Kim Thoa đã vi phạm pháp luật, mà cụ thể là vi phạm Điều 37 của Luật: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nýớc”; “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp”.
TS. Nguyễn Minh Phong nhận định: Ở vụ việc này có hai cái sai, cái sai thứ nhất thuộc về Bộ Công thương đã bổ nhiệm bà Thoa vào vị trí đó mà “không chịu” biết đến Điều 37 của Luật Phòng, chống tham nhũng 2005. Cái sai thứ hai là về phía bà Thoa, cũng “không chịu” làm thủ tục chuyển nhượng cổ phần của mình sang cho người khác. “Mặt khác, cần điều tra làm rõ quá trình bà Thoa phụ trách Vụ Công nghiệp nhẹ, có sử dụng quyền của mình để can thiệp tạo lợi ích cho DQC hay không? Từ đó mới có biện pháp xử lý thích đáng”, ông Phong cho biết thêm.
Mong rằng các nhà lập pháp, các cơ quan quản lý, từ các vụ việc cụ thể trên cần sớm có những sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cần thiết để chặn tiêu cực, tham nhũng đặc biệt là liên quan đến vấn đề lợi ích nhóm, người thân, người nhà lợi dụng vị trí, chỗ đứng của quan chức mà làm giàu và trục lợi.
Vi phạm của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa là nghiêm trọng
Mới đây, ngày 3/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra kết luận: vi phạm của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa là nghiêm trọng phải xem xét thi hành kỉ luật. Theo đó, trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (tháng 1-2004 đến 5-2010), bà Hồ Thị Kim Thoa đã có các vi phạm, khuyết điểm như: Vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật; không báo cáo Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) xử lý và xử lý không đúng số tiền lãi vay được ngân hàng cho miễn 6,7 tỷ đồng.
Thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục theo quy định, quyết định của Nhà nước về quản lý đất đai trong quá trình Công ty Điện Quang ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng về hợp tác đầu tư tại khu đất số 12 Tôn Đản, Thành phố Hồ Chí Minh với Công ty Constrexim - Bộ Xây dựng, khi chưa được chủ sở hữu và cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn, chấp thuận.. Không báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xử lý và xử lý không đúng khoản thu 30 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng quyền khai thác, sử dụng khu đất 12 Tôn Đản. Mua cổ phần vượt mức quy định; chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định của Điều lệ của Công ty. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của Nhà nước vào Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Điện Quang không báo cáo, xin ý kiến chủ sở hữu là vi phạm quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong thời gian dài, nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.
Nhóm PV Nội chính (thực hiện)