Chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp truy và thu hồi tài sản bất minh

07/08/2017 11:00

(Pháp lý) - Với những quy định pháp luật hiện thời thì làm sao chứng minh tài sản bất minh là tài sản tham nhũng để có biện pháp thu hồi những khối tài sản này? Phóng viên Pháp lý đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia, ghi nhận những kiến nghị của họ.

Tố tụng là cách tốt nhất để truy tài sản bất minh có phải là tài sản tham nhũng

Đánh giá cao kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương khi kết luận về những sai phạm của một số quan chức thời gian gần đây, một số chuyên gia pháp luật còn đề nghị, đối với những quan chức có sai phạm lại có tài sản khủng hoặc gia đình của họ có tài sản khủng thì cần phải khởi tố vụ án để điều tra, chứng minh có hay không tội phạm, từ đó mới có căn cứ để thu hồi tài sản bất minh do phạm tội mà có.

Để chứng minh tài sản bất minh, không rõ nguồn gốc có phải là tài sản tham nhũng, Tiến sĩ Đào Lệ Thu (Giảng viên Đại học Luật Hà Nội) cho rằng khi có vi phạm xảy ra rồi, để chứng minh tài sản bất minh không rõ nguồn gốc có phải là tài sản tham nhũng, cần huy động cơ quan thuế vào cuộc. “Các nước họ đặc biệt coi trọng hoạt động của cơ quan thuế. Ví dụ, tôi không chứng minh được đó là tài sản tham nhũng và không áp dụng chế tài hình sự, nhưng cơ quan thuế có thể hỏi tài sản kê khai để đóng thuế thu nhập cá nhân của anh lâu nay rất khiêm tốn, sao bây giờ lại có khối tài sản lớn như thế này? Nếu đối tượng không giải thích được, lúc đó cơ quan thuế sẽ đưa ra chế tài chứ không phải cơ quan phòng, chống tham nhũng”.

Như vậy, nếu chúng ta nhìn rộng ra từ góc độ kiểm soát thu nhập, tài sản và sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng khác nhau thì vẫn đạt hiệu quả thu hồi tài sản bất hợp pháp về cho ngân sách Nhà nước. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy minh bạch tài sản, thu nhập là một trong những điều kiện tiên quyết để đấu tranh triệt để với hành vi tham nhũng, thực hiện các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả.

TS. Đào Lệ Thu (ĐH Luật Hà Nội): Có thể huy động cơ quan thuế vào cuộc để chứng minh tài sản bất minh và xử lý.
TS. Đào Lệ Thu (ĐH Luật Hà Nội): Có thể huy động cơ quan thuế vào cuộc để chứng minh tài sản bất minh và xử lý.)

Trung tướng Trần Văn Độ thì phân tích: Chỉ có hoạt động điều tra của các cơ quan tư pháp với việc áp dụng những biện pháp ngăn chặn mới có thể ngăn chặn việc chuyển dịch, tẩu tán tài sản bất minh. Có nhiều ưu điểm của hoạt động tố tụng mà hoạt động thanh tra không có được trong việc ngăn chặn tội phạm tham nhũng. Những vụ việc gần đây cho thấy trong quá trình thanh tra, kiểm tra tội phạm có dấu hiệu tham nhũng đã bỏ trốn, tẩu tán tài sản nên khi xét xử xong, có bản án thì thu hồi tài sản được rất ít. Thực tế đáng báo động đó, cho thấy cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp tố tụng ngay khi có dấu hiệu tội phạm, không thể chờ thanh, kiểm tra xong mới chuyển cơ quan điều tra.

Lấp những lỗ hổng của luật

Cũng theo nhiều chuyên gia khi trao đổi với Phóng viên Pháp lý, ngoài tố tụng thì việc cấp thiết cần làm để có thể truy tài sản bất minh có hay không liên quan tới tham nhũng thì cần lấp các lỗ hổng pháp luật về kê khai tài sản, quy định ngay trong Luật PCTN sửa đổi lần này. TS. Đinh Xuân Thảo chia sẻ: Hiến pháp 2013 đã khẳng định quyền tài sản của công dân, mà tài sản thì có thể chuyển từ sở hữu này sang sở hữu khác nên không dễ “đụng” vào. Tuy nhiên ở đây chúng ta cần thống nhất nhận thức rằng Hiến pháp và pháp luật chỉ bảo hộ tài sản hợp pháp của công dân, còn tài sản không hợp pháp dĩ nhiên không được bảo hộ. Tiếp cận vấn đề như vậy sẽ thấy rằng tài sản bất hợp pháp, tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì cơ quan chức năng có quyền xử lý theo quy định pháp luật, bao gồm cả việc thu hồi và tịch thu.

Ở nước ta, vấn đề minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập của xã hội nói chung cũng như đối với những người có chức vụ, quyền hạn nói riêng còn nhiều bất cập. Tài sản rất dễ rơi vào trạng thái không rạch ròi, của chồng cho vợ, bố cho con…, tài sản ngoài thống kê và kiểm soát của cơ quan chức năng rất lớn. Muốn làm tốt công việc chứng minh thu hồi tài sản bất minh, trước hết phải làm tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của xã hội. Khi kiểm soát tốt rồi thì việc phân định đâu là tài sản hợp pháp được pháp luật bảo hộ, đâu là tài sản bất hợp pháp sẽ thuận lợi hơn.

TS. Luật sư Đào Ngọc Chuyền thì hiến kế: Luật hiện nay, quy định vi phạm kê khai tài sản chỉ bị xử lý hành chính. Muốn chứng minh tài sản bất minh là tài sản tham nhũng chỉ khi khởi tố, điều tra và xác định được đó là tài sản có được do phạm tội mới có thể thu hồi. Như vậy, với quy định pháp luật hiện nay, nếu không có bản án thì không thể thu hồi được tài sản bất minh. Bởi vậy, nếu muốn quyết tâm chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả, thì cần kiến tạo ra các quy định pháp luật từ giai đoạn kê khai tài sản.

Tôi đi nhiều nước, qua nhiều cửa khẩu hải quan hiện đại thấy ở trình độ hiện đại các máy soi của hải quan rất chuyên nghiệp trong việc phát hiện tài sản của người giấu trong hành lý. Tôi tự hỏi, nếu áp dụng hoạt động “máy soi” đối với khối tài sản của người kê khai tài sản có được không? Lập một cơ quan độc lập và chuyên nghiệp có chức năng kiểm tra, xác minh các tài sản đã kê khai của quan chức. Đồng thời quy định rõ ràng: Nếu kê khai gian dối thì bị thu hồi khối tài sản kê gian dối đó. Kiểm soát từ xa như vậy tôi tin là hạn chế được tài sản bất minh và thu hồi tài sản bất minh sẽ dễ dàng hơn. Việc quy định được phép tịch thu bất cứ khoản tiền và tài sản nào của một công chức nếu họ không giải trình được nguồn gốc là cần thiết. Biện pháp này sẽ giảm thiểu gánh nặng chứng minh tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Đề xuất thêm những tội danh hình sự

Trung tướng Trần Văn Độ nhấn mạnh rằng cần sớm lấp những lỗ hổng cơ chế kinh tế như: bít lại các lỗ hổng của pháp luật về cổ phần hóa, đấu thầu, đấu giá...vv... để người có chức vụ quyền hạn không thể lợi dụng để tham ô, tham nhũng. Đồng thời để đạt hiệu quả hơn nữa trong việc răn đe và phòng ngừa, tôi đã từng có kiến nghị bổ sung vào Bộ Luật hình sự các tội danh để ngăn ngừa. Cụ thể “Tội nhận quà biếu có giá trị lớn”. Theo Tướng Độ thì thực tế nhận quà biếu hiện nay rất nhức nhối. Việc tặng quà biếu giá trị lớn được coi như một hình thức “hối lộ bảo hiểm”, “hối lộ trá hình”. Thời điểm này không nhờ vả nhưng có thể gửi gắm để thời điểm sau…. Thực tế, tôi từng biết có những vị lãnh đạo Sở, lãnh đạo hàng nghìn doanh nghiệp nếu mỗi dịp lễ Tết đều gửi quà biếu thì số tiền mà quan chức thu lợi sẽ rất lớn, nó là nguồn gốc của tài sản có giá trị lớn. Để ngăn ngừa việc này, ta cần quy định việc nhận quà biếu giá trị lớn là vi phạm pháp luật hình sự để ngăn ngừa, răn đe.

Tướng Trần Văn Độ khẳng định các biện pháp của tố tụng hiệu quả hơn nhiều so với thanh tra, kiểm tra để truy và thu tài sản bất minh
Tướng Trần Văn Độ khẳng định các biện pháp của tố tụng hiệu quả hơn nhiều so với thanh tra, kiểm tra để truy và thu tài sản bất minh)

Đồng thời, việc khai báo tài sản hiện nay còn nhiều bất cập. Trong rất nhiều vụ việc người ta khai đó là tài sản của cậu em, của vợ, của con, của người thân khác… Việc khai báo tài sản gian dối lại chỉ bị chế tài hành chính. Nếu thêm chế tài hình sự bằng việc quy định trong BLHS tội danh “Khai báo tài sản gian dối” thì phần nào sẽ ngăn ngừa, răn đe được sự gian dối này. Khi thấy có hành vi khai báo tài sản gian dối cũng có cơ sở để vào điều tra, làm rõ và chứng minh tài sản đó có nguồn gốc thế nào.

Cuộc chiến chống tham nhũng với mong mỏi thu hồi được nhiều tài sản tham nhũng là cuộc chiến vô cùng khó khăn. Phải tiến hành song song tất cả biện pháp nhằm thu hồi tài sản bất minh có nguồn gốc tham nhũng và tịch thu tài sản do tham nhũng mà có. Đó là yêu cầu quan trọng, là vấn đề cả xã hội đang rất quan tâm, đồng thời là thước đo hiệu quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng.

Minh Minh

Bạn đang đọc bài viết "Chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp truy và thu hồi tài sản bất minh" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin