Ô nhiễm môi trường là vấn đề nhức nhối
Sáng ngày 27/10, Trung ương Hội tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viện, Hội Luật gia tỉnh Quảng Ninh.
Tham dự hội nghị, về phía Hội Luật gia Việt Nam có các đồng chí: Nguyễn Văn Quyền - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; Nguyễn Văn Huệ - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam.
Về phía tỉnh Quảng Ninh, có đồng chí Ngô Đức - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, các đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành và đông đảo cán bộ, hội viên Hội Luật gia tỉnh.
Hội nghị nằm trong Chương trình công tác năm 2023, nhằm phát huy vai trò của các cấp Hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao kiến thức pháp luật bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ, hội viên của Hội, làm cơ sở để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam đồng thời góp phần thiết thực, hiệu quả vào công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, xây dựng môi trường sống trong sạch, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc, TS.Nguyễn Văn Quyền - Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta và trên toàn thế giới đang ở mức báo động và trở thành vấn đề nhức nhối. Môi trường trên thế giới ngày càng trở nên ô nhiễm nghiêm trọng, dân số thế giới ngày càng đông và tăng lên, kéo theo nhu cầu các hoạt động cao nhưng ý thức lại không được cải thiện gây nên tác động xấu cho môi trường.
“Ở trong nước, những năm gần đây, theo quy mô của nền kinh tế, dân số, mức độ công nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập kinh tế quốc tếvấn đề môi trường đang trở thành vấn đề cấp bách, phức tạp và nhạy cảm, tác động trực tiếp, nhiều mặt đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước.
Trên toàn quốc hiện đang có rất nhiều các khu công nghiệp được xây dựng để đáp ứng quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Một số khu công nghiệp lại chưa được đầu tư đúng cách, hậu quả làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng hơn do các hoạt động xả thải”, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nêu.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ, việc phun lượng lớn các hóa chất vào các loại cây trồng không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân khi tiêu dùng sản phẩm mà còn gây ô nhiễm môi trường đất khi một lượng lớn thuốc không được cây trồng hấp thụ hết.
Ngoài ra, rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế, chất thải nông nghiệp, chất thải xây dựng cũng đang là vấn đề trong những năm gần đây…
Bảo đảm phát triển bền vững
Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này, ngay từ rất sớm, Đảng và Nhà nước ta đã đưa vấn đề bảo vệ môi trường là một trong những chính sách lớn, mang tính sống còn của đất nước, vì vậy trong thời gian qua Bộ Chính trị cũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để định hướng cho vấn đề này.
Quang cảnh hội nghị
Trên cơ sở thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo trên, trong thời gian qua, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn đã liên tục được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng được với tính cấp bách trong lĩnh vực này. Gần đây nhất, ngày 17/11/2020, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo trên, trong thời gian qua, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn đã liên tục được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng được với tính cấp bách trong lĩnh vực này. Đồng thời, từ năm 2003 đến nay, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia.
Trong đó, các giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường; hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường….được đưa lên hàng đầu trong số các giải pháp tổng thể đã đề ra.
Ngày 1/7/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 14 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới. Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh, đây là văn bản quan trọng, là kim chỉ nam trong hoạt động của Hội.
Chỉ thị 14 tiếp tục khẳng định tính chất của Hội là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Với vai trò đó cùng hệ thống tổ chức Hội ở 63 tỉnh, thành phố từ Trung ương cho đến cấp cơ sở, Hội Luật gia Việt Nam mong muốn đóng góp một phần công sức của mình nhằm đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường vào cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Huệ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam trình bày báo cáo
Trước đó, ngày 5/10/2018, Hội Luật gia Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký kết Chương trình phối hợp số 03 về phối hợp công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2018-2023.
Trên cơ sở đề xuất của Hội Luật gia Việt Nam và Bộ Tài nguyên và môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ “Tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ, hội viên của Hội Luật gia các cấp”.
“Tại hội nghị hôm nay, chúng ta sẽ được nghe các báo cáo viên, chuyên gia có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trình bày, phổ biến một số nội dung nhằm giúp đại biểu hiểu rõ hơn, sâu hơn về công tác bảo vệ môi trường; vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường thời gian tới”, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.
Ông Phạm Quang Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh
Đồng thời, kỳ vọng sau khi hội nghị kết thúc, mỗi đại biểu sẽ là báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội Luật gia tỉnh Quảng Ninh giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu tham dự tập huấn đã lắng nghe 5chuyên đề do 2 báo cáo viên trình bày, bao gồm:
Pháp luật về bảo vệ môi trường trong bảo đảm phát triển bền vững; Chính sách, pháp luật về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; Vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường do ông Nguyễn Văn Huệ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam trình bày.
Giới thiệu tổng quan chung về các quy định của Luật bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành; chuyên đề pháp luật về bảo vệ môi trường trong khu vực sản xuất công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ và thực tiễn thi hành tại tỉnh Quảng Ninh do ông Phạm Quang Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh chia sẻ.
Ông Ngô Đức - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Quảng Ninh phát biểu kết thúc hội nghị
Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Ngô Đức - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Quảng Ninh cho rằng các nội dung của hội nghị là những vấn đề rất quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường hiện nay. Ông hy vọng mỗi cán bộ, hội viên Hội Luật gia tỉnh Quảng Ninh sẽ là những tuyên truyền viên pháp luật tại cơ sở góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao ý thức pháp luật về bảo vệ môi trường cho người dân.