(Pháp lý) - Quy định về quản lý tài sản nhà nước thể hiện ở rất nhiều văn bản Luật, Nghị định khác nhau tuy nhiên vẫn còn thiếu một chế tài đủ mạnh để răn đe và ngăn chặn việc sử dụng lãng phí làm thất thoát và khiến tài sản công bị “xà xẻo” - đó là ý kiến của Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến - Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội LGVN, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội khi trao đổi với Phóng viên Pháp lý.
Nhiều vi phạm không bị xử lý
Phóng viên: Tổng giá trị tài sản Nhà nước (TSNN) tại cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN đến ngày 31/12/2014 là 999.692,08 tỷ đồng; trong đó: tài sản là quyền sử dụng đất: 692.372,26 tỷ đồng, tài sản là nhà: 240.641,96 tỷ đồng, tài sản là ô tô: 20.623,27 tỷ đồng, tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản: 45.911,83 tỷ đồng; tài sản khác có nguyên giá dưới 500 triệu đồng của các dự án sử dụng vốn nhà nước: 142,76 tỷ đồng. Đó là những con số rất lớn. Là một luật gia, ông có đánh giá gì về thực trạng quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện nay?
Ông Nguyễn Hồng Tuyến: Tài sản nhà nước xét về số lượng thì rất lớn, tuy nhiên hiện nay quản lý còn rất lỏng lẻo. Việc quản lý lỏng lẻo thể hiện trong tất cả lĩnh vực như đất đai, sử dụng văn phòng làm việc, sử dụng xe công, sử dụng trụ sở công, sử dụng vốn đầu tư công... Tôi thấy phổ biến nhất là tình trạng đất công bị sử dụng sai mục đích, lãng phí các công trình xây dựng tiền tỉ của nhà nước... Lãng phí tài sản công làm thiệt hại cho nhà nước số tiền rất lớn. Lãng phí còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng.
Ông có nhận xét gì về các quy định pháp luật về quản lý tài sản nhà nước hiện nay?
Quy định về quản lý tài sản nhà nước thể hiện ở rất nhiều văn bản Luật, Nghị định khác nhau. Cụ thể như Luật Quản lý tài sản nhà nước; Luật Nhà ở; Luật đấu giá tài sản; Luật đất đai, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương; Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí... Tuy quy định như vậy nhưng lại chưa có nhiều ý nghĩa, bởi có nhiều vi phạm rõ ràng nhưng không bị xử lý.
Hiện nay, việc quản lý nhà công vụ có hẳn một chương trong Luật Nhà ở. Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định trách nhiệm quản lý và tổ chức sử dụng có hiệu quả công sở, tài sản, các phương tiện làm việc và ngân sách nhà nước được giao trên địa bàn theo quy định của pháp luật; Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí quy định trách nhiệm người đứng đầu, minh bạch trong quản lý sử dụng tài sản nhà nước và tài sản hình thành từ vốn nhà nước. Hay tại Nghị định của Chính phủ quy định định mức sử dụng xe công, chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Hay Luật Đầu tư công quy định về việc sử dụng nguồn vốn nhà nước vào đầu tư. Luật Đấu giá quy định việc đấu giá tài sản nhà nước cho tư nhân thu về nguồn lực cho nhà nước...
Tôi nhận thấy quy định pháp luật về Quản lý tài sản nhà nước hay quản lý tài sản công thì nhiều và rộng, tuy nhiên khi có vi phạm thì còn thiếu những chế tài nghiêm khắc và quyết tâm chống lãng phí, tham nhũng. Khi sửa đổi Luật Quản lý tài sản nhà nước lần này, nên ghi nhận những quy định chung, khái quát về quản lý tài sản nhà nước và quy định thêm các chế tài nghiêm khắc để xử lý khi có vi phạm xảy ra.
Xin ông điểm qua những thực tế mà “chế tài” xử lý với những thất thoát, lãng phí trong quản lý tài sản nhà nước bị lãng quên?
Nhiều lãnh đạo tỉnh thành đi xe vượt định mức nhưng không bị mất chức, bị kỉ luật. Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định HĐND phải ban hành nghị quyết đưa ra các biện pháp quản lý tài sản nhà nước nhưng tôi chưa thấy HĐND ở đâu ban hành nghị quyết chuyên đề này. Điều đó khiến tài sản nhà nước ở khắp nơi tiếp tục bị lãng phí, tham nhũng nhưng chưa có Chủ tịch HĐND bị kỉ luật, phê bình.
Luật Đất đai quy định 9 trường hợp thu hồi đất không có bồi thường. Thế nhưng có nhiều trường hợp đất bị sử dụng sai mục đích, đất giao cho dự án quá 24 tháng mà không tiến hành làm dự án cũng không bị thu hồi và không có ai chịu trách nhiệm kỉ luật trong vấn đề này. Nói chung là vi phạm nhan nhản nhưng không bị áp dụng chế tài...
Cần một chế tài đủ mạnh
Dự thảo Luật Quản lý tài sản nhà nước (sửa đổi) do Bộ Tài chính soạn thảo có rất nhiều quy định mới. Số lượng các điều luật tăng lên vài chục điều. Phạm vi điều chỉnh của dự luật lớn hơn... Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Theo quy định của Hiến pháp 2013: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Có lẽ nếu nhìn nhận từ góc độ này thì tài sản thuộc diện quản lý của nhà nước nhiều hơn và trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước sẽ bao quát và rộng lớn hơn.
Tôi cho rằng việc sửa đổi Luật Quản lý tài sản nhà nước hiện nay là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, bảo đảm việc đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản nhà nước hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới về khai thác nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, đồng thời thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật mới được Quốc hội ban hành có liên quan, tác động trực tiếp tới quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Tuy nhiên nếu Dự luật soạn thảo theo hướng này, tôi cho rằng nên thay đổi tên của Dự Luật là Luật quản lý tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Điều đó sẽ phù hợp với Hiến pháp và Bộ Luật dân sự. Luật này sẽ quy định những nguyên tắc chung nhất quản lý những tài sản thuộc sở hữu toàn dân.
Khi đã xác định rõ được phạm vi điều chỉnh thì những quy định nào sẽ được ưu tiên thể chế để quản lý và sử dụng tốt nhất tài sản nhà nước hay tài sản công, thưa ông?
Theo tôi, nguyên tắc đầu tiên là nguyên tắc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài sản công. Đây cũng được coi là nguyên tắc quan trọng nhất nếu muốn phòng chống lãng phí, tham nhũng. Từ công khai và minh bạch, người dân có thể giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công. Sau đó là nguyên tắc trách nhiệm người đứng đầu. Đây cũng là một nguyên tắc phổ biến trong nhiều luật quy định liên quan. Phải có trách nhiệm người đứng đầu thì mới phát huy được vai trò của người đứng đầu trong quản lý tài sản công, tránh trốn tránh trách nhiệm khi lãng phí, tham nhũng xảy ra.
Và cuối cùng theo tôi là cần một chế tài đủ mạnh để quản lý tài sản công hiệu quả. Hiện nay chế tài đối với hành vi vi phạm trong quản lý tài sản công rải rác ở nhiều văn bản khác nhau. Tuy nhiên thực tế thì khi có sai phạm xảy ra thường chỉ áp dụng chế tài xử lý kỉ luật rất nhẹ, điều đó không đủ sức răn đe những sai phạm trên thực tế.
Theo ông cần thể chế và quy định cụ thể về chế tài như thế nào?
Trong hầu hết các quy định pháp luật của ta đều có quy định rằng tùy theo tính chất vi phạm, mức độ thiệt hại thì người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên khi đi vào thực tế, quy định này bị lợi dụng. Việc vận dụng nó không công bằng, không giống nhau ở các địa phương, dù sai phạm rất phổ biến và giống nhau.
Theo tôi luật cần quy định rõ, gây thiệt hại với tài sản công bao nhiêu thì phải bồi hoàn bấy nhiêu. Cụ thể, nếu sử dụng xe công vượt định mức sẽ phải chịu hoàn lại toàn bộ khoản tiền vượt định mức và bị kỉ luật. Khi xảy ra thất thoát lãng phí tài sản công thì cần có quy định yêu cầu bồi hoàn 100% số tiền bị lãng phí và chịu những trách nhiệm pháp lý khác theo luật định.
Phan Tĩnh (thực hiện)