Chủ đầu tư có được bán căn hộ chung cư, nhà thấp tầng… thuộc dự án đang thế chấp ngân hàng?

(Pháp lý) - Sau khi Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội công khai hàng loạt dự án đang thế chấp ngân hàng, nhiều bạn đọc hỏi: Chủ đầu tư có được bán căn hộ chung cư, nhà thấp tầng… thuộc dự án đang thế chấp ngân hàng?

92 dự án đang thế chấp ngân hàng

Theo thống kê từ Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, tính đến ngày 23/8/2018, trên địa bàn Hà Nội có 92 dự án đang thế chấp ngân hàng. Cụ thể, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đang thế chấp dự án khu nhà ở phía đông hồ Nghĩa Đô, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy. Công ty Cổ phần đầu tư và dịch vụ khách sạn SOLEIL thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai một phần dự án tại số 2 Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ.

Công ty Cổ phần Hải Phát thế chấp quyền sử dụng đất (đất xây dựng nhà ở thấp tầng: Thửa BT+LK1+LK2+LK3) và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (gồm 59 căn nhà ở thấp tầng), thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là công trình hỗn hợp cao tầng tại dự án đầu tư xây dựng Tổng hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp Hải Phát Plaza (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm). Hải Phát cũng đang thế chấp tài sản với đất hình thành trong tương lai tại Phú Lãm, quận Hà Đông.

[caption id="attachment_198617" align="aligncenter" width="400"]Ảnh minh họa Ảnh minh họa[/caption]

Công ty Cổ phần Địa ốc MB (MBLand) thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai Lô 1 .A.IV thuộc quỹ đất xây dựng công trình công cộng hỗn hợp Khu đô thị Mỹ Đình 1 (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm).

Liên doanh Công ty TNHH Mai Trang và Công ty Cổ phần xây dựng Sunshine Việt Nam thế chấp dự án xây dựng tòa nhà Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng và nhà ở tại số 16 Phạm Hùng (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm); Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Thượng thế chấp dự án nhà ở chung cư tại Lô CT03A-CT, khu đô thị Nam Thăng Long (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) thế chấp bằng quyền sử dụng khu CT1, CT2, CT3 với diện tích 3.687,5m2 đất và tài sản gắn liền với đất.

Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 và Công ty Cổ phần Ecoland đã thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại Eco Lakeview, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (không bao gồm phần tài sản là 8.609m2 sàn và các lợi ích khác của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam).

Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam thế chấp quyền sử dụng đất TT14 đến TT20, TT23, TT26, TT41, TT42, CC4, CC6 dự án KĐTM C2 phường Yên Sở và Trần Phú (quận Hoàng Mai).

Công ty Cổ phần tập đoàn Hoành Sơn (là đại diện liên danh giữa Công ty TNHH MTV Bạch Đằng và Công ty Cổ phần tập đoàn Hoành Sơn) thế chấp dự án xây dựng chung cư nhà ở xã hội cán bộ chiến sỹ Bộ Công An tại số 282 Nguyễn Huy Tưởng, (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân).

Liên danh Công ty Cổ phần Contrexim số 1 và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Thái Hà thế chấp dự án xây dựng nhà ở tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm; Công ty Cổ phần Tập đoàn Tecco thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (gồm 700 căn hộ để ở, 09 căn dịch vụ và 01 căn nhà trẻ) thuộc dự án tòa nhà hỗn hợp thương mại và nhà ở chung cư Tecco, tại khu đất đấu giá quyền sử dụng đất, xã Ngũ Hiệp và xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì)….

Chủ đầu tư có được bán căn hộ chung cư, nhà thấp tầng… thuộc dự án đang thế chấp ngân hàng?

Bộ Luật dân sự 2015 quy định về thế chấp, cầm cố tài sản và thanh lý tài sản thế chấp bao gồm 11 Điều từ Điều 317 đến Điều 327: Thế chấp tài sản, được hiểu (bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (bên nhận thế chấp), tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ.

Trong trường hợp tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp. Theo quy định tại Khoản 8 Điều 320 Bộ luật Dân sự 2015 về nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản: Bên thế chấp không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp được bên nhận thế chấp đồng ý.

Như vậy, chủ đầu tư muốn bán dự án thế chấp ngân hàng, phải đáp ứng điều kiện là: giải chấp khoản nợ, dùng một tài sản khác để thay thế cho dự án đang thế chấp hoặc thỏa thuận của ngân hàng bằng văn bản.

Vì vậy, khi có nhu cầu mua căn hộ chung cư, nhà thấp tầng… người mua cần kiểm tra kỹ những vấn đề pháp lý nêu trên để tránh “tiền mất, tật mang”./.

Tùng Lâm

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin