“Vừa qua giàu lên nhờ đất rất nhiều, tù tội về đất cũng rất nhiều, kỷ luật đảng cũng rất nhiều. Cho nên, yêu cầu đặt ra là chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Sử dụng hiệu quả, dành cho thế hệ sau
Ngày 29/10, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra và thảo luận tại tổ về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Phát biểu tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quy hoạch sử dụng đất rất quan trọng. Việt Nam là một trong những nước có bình quân đất đai thấp vì vậy phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả để dành đất cho thế hệ sau. Đây là yêu cầu rất lớn và lâu dài.
Chủ tịch nước cũng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đã thu hồi lại đất cảng Quy Nhơn, sân bay… Xã hội hóa, tư nhân hóa, nhưng cái gì nhà nước cần quản lý thì chúng ta phải giữ, chứ không phải “vô nguyên tắc” trong cổ phần hóa đất đai. “Vừa qua giàu lên nhờ đất rất nhiều, tù tội về đất cũng rất nhiều, kỷ luật đảng cũng rất nhiều. Cho nên, yêu cầu đặt ra là chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bên cạnh dành đất cho phát triển kinh tế, Chủ tịch nước cũng lưu ý phải quan tâm đến môi trường sống của người dân. “Công trình văn hóa quan trọng với người dân không? Cây xanh quan trọng với người dân không? Những hồ chứa nước điều hòa không khí quan trọng với người dân không?... Những vấn đề rất quan trọng với đời sống người dân, chúng ta phải biết để quy hoạch đồng bộ”, Chủ tịch nước lưu ý.
Tán thành giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa, theo Chủ tịch nước, vấn đề này còn có nhiều ý kiến khác nhau, song ông vẫn bảo vệ quan điểm “giữ đất lúa ổn định”, bởi đất lúa có đặc điểm riêng mà chỉ Việt Nam và một số nước có. Nhưng điều quan trọng phải tạo ra chính sách sử dụng đất trồng lúa linh hoạt, chặt chẽ…
“Chúng ta phải sử dụng đất hiệu quả, đặc biệt là có chính sách cho vùng sản xuất lúa rất quan trọng. Đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ phải quan tâm hơn để phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống của người dân”, Chủ tịch nước nhấn mạnh. Với đất kém hiệu quả, vùng đồi, vùng không trồng lúa 2 vụ trở lên được, theo Chủ tịch nước, nên quy hoạch để làm công nghiệp, dịch vụ.
Về giải pháp thực hiện, Chủ tịch nước đề nghị, ngoài chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý sử dụng đất đai cần phải cải cách hành chính. Theo Chủ tịch nước, điều này rất quan trọng bởi lĩnh vực đất đai thủ tục còn phiền hà, phức tạp. Bên cạnh đó cần áp dụng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
"Quy hoạch treo" lãng phí lớn
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình), việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất rất quan trọng, vì có tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân. Song việc làm này còn hình thức, kém hiệu quả, chủ yếu chỉ đăng tải trên cổng thông tin, khó theo dõi và đóng góp ý kiến. Ông Cường đề nghị đánh giá, tìm ra giải pháp, làm sao để việc lấy ý kiến nhân dân phải hiệu quả, thực chất, tránh hình thức.
Đại biểu đoàn Quảng Bình cũng đánh giá, quy hoạch sử dụng đất thời gian qua còn nhiều bất cập, không chỉ chậm, mà chất lượng quy hoạch cũng không cao, lại điều chỉnh nhiều lần, đặc biệt tình trạng “quy hoạch treo” gây lãng phí rất nghiêm trọng. Lần quy hoạch này có khắc phục được bất cập, hạn chế thời gian qua không? Ông Cường cũng băn khoăn, khi quy hoạch sử dụng đất 5 năm chỉ thấy cấp vùng nhưng lại thiếu bóng dáng cấp tỉnh.
Lưu ý công tác quy hoạch phải dựa vào Luật Quy hoạch và Luật Đất đai, đại biểu Cường cũng đề nghị làm rõ hơn đến chỉ tiêu đất trồng lúa.
“Diện tích đất trồng lúa đáp ứng yêu cầu, bảo đảm an ninh quốc phòng, nhưng diện tích cũng chỉ là một vấn đề, điều quan trọng là vị trí nằm ở đâu, nếu không thuận lợi cho trồng lúa sẽ bất cập. Đất lúa tăng chỗ nào, giảm ở đâu, phải hết sức tính toán”, ông Cường nói.
Theo tienphong.vn
Nguồn bài viết: https://tienphong.vn/chong-tham-nhung-tieu-cuc-trong-quan-ly-dat-dai-post1388882.tpo