Chiều 2/4, tại trụ sở UBND tỉnh Kiên Giang, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã chủ trì công bố quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường của tỉnh Kiên Giang.
Tham gia buổi công bố có Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng, lãnh đạo các Sở ngành, huyện thị có liên quan, cùng các thành viên Đoàn Thanh tra, Tổ Giám sát của Thanh tra Chính phủ.
Đúng kế hoạch, đúng chỉ đạo
Theo Quyết định Thanh tra số 106/QĐ-TTCP ngày 28/3/2018 của Thanh tra Chính phủ thì Đoàn Thanh tra gồm 9 thành viên, do ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng Phòng Nghiệp vụ 4 – Cục III làm Trưởng đoàn.
Nội dung thanh tra là việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Thời kỳ thanh tra là từ 01/01/20111 đến 31/12/2017, trường hợp cần thiết có thể xem xét trước và sau thời kỳ thanh tra. Thời gian thanh tra là 70 ngày, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra, không kể ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định.
Để bảo đảm chất lượng và tiến độ thanh tra, Tổ Giám sát cũng được thành lập theo Quyết định số 108/QĐ-TTCP do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam ký ngày 30/3/2018, gồm 2 thành viên, do ông Ngô Khánh Luận, Trưởng phòng 3 - Vụ Giám sát thẩm định và xử lý sau thanh tra làm Tổ trưởng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi công bố Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn khẳng định: Hôm nay, Đoàn Thanh tra đã công bố đúng quy định pháp luật, đồng thời phổ biến quyền, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra. Vì thời gian thanh tra ngắn, khối lượng công việc nhiều nên Đoàn Thanh tra cần thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đúng kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt.
Định hướng sâu hơn về nhiệm vụ cần triển khai, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn yêu cầu phải thanh tra làm rõ các sai phạm, thiếu sót trong quản lý sử dụng đất, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường. Từ thực tế thanh tra sẽ kiến nghị xử lý đúng quy định các tổ chức, cá nhân sai phạm, cũng như bổ sung cơ chế, sửa đổi chính sách để bịt kín các kẽ hở của các lĩnh vực này.
Đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường phải được chú ý là môi trường nước, xử lý chất thải rắn, trong đó có chất lượng nước của sông Dương Đông tại đảo Phú Quốc, hiện trạng xử lý chất thải rắn tại các đô thị.
Lĩnh vực khoáng sản chủ yếu thanh tra hoạt động khai thác đá vôi tại Hòn Chông, huyện Kiên Lương của Cty TNHH xi măng Hà Tiên, mà cụ thể là đánh giá trữ lượng, thực tế khai thác, nghĩa vụ tài chính.
Công tâm, khách quan
Để bảo đảm chất lượng và tiến độ thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản chỉ đạo, phân công đầu mối cụ thể để cung cấp thông tin đúng thẩm quyền cho Đoàn Thanh tra.
Các thành viên Đoàn Thanh tra, Tổ Giám sát cần hoạt động đúng quy định, quy chế, giữ gìn hình ảnh người cán bộ thanh tra, giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, bảo mật thông tin.
Những vấn đề cần thanh tra mở rộng ngoài kế hoạch đã được phê duyệt thì Trưởng Đoàn Thanh tra phải có văn bản xin ý kiến của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ.
Những kết quả của Đoàn Thanh tra sẽ là căn cứ quan trọng để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh Kiên Giang điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy định về đất đai, khoáng sản, môi trường phù hợp thực tiễn của địa phương.
Quan điểm của Thanh tra Chính phủ là thực hiện đúng tiến độ thanh tra, không kéo dài, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của địa phương, cũng như hạn chế chồng chéo với hoạt động kiểm toán, hoạt động thanh tra của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thay mặt lãnh đạo địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã tiếp thu toàn bộ quyết định thanh tra và mong muốn Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra công tâm, khách quan.
Ngay sau buổi công bố này, UBND tỉnh Kiên Giang sẽ giao Thanh tra tỉnh Kiên Giang làm đầu mối làm viêc với Đoàn Thanh tra, có sự phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang.
Lãnh đạo các Sở ngành, Chủ tịch UBND các huyện thị phải chịu trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin, số liệu cho Đoàn Thanh tra, cũng như phải chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu chính cho UBND tỉnh Kiên Giang về công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường nên lãnh đạo của đơn vị này cần kiểm tra lại toàn bộ các quy định trong thời gian 7 năm qua. Thời gian này có nhiều biến động, nhiều giai đoạn với các quy định khác nhau về các lĩnh vực thanh tra nên cần có sự đánh giá sát hợp, khách quan, công tâm, đúng bản chất để bảo đảm sự điều hành và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang, là địa phương đang thực hiện các thủ tục cho đặc khu kinh tế Phú Quốc.
Theo Congly