Chính sách BHXH, BHYT lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

Chính sách BHXH, BHYT là hai chính sách nhân văn, giữ vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội (ASXH) quốc gia. Hướng tới mục tiêu bảo đảm mọi công dân đều được thụ hưởng các quyền lợi an sinh xã hội (các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí…) và được khám chữa bệnh (KCB), hưởng quyền lợi các dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc… do quỹ BHYT chi trả, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
1-1683191788.jpg

Lương hưu - nguồn thu nhập ổn định cho người lao động khi về già

BHXH - Vì mục tiêu An sinh xã hội

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cơ chế, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện, đồng bộ theo hướng gia tăng quyền, lợi ích của người tham gia, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và thông lệ quốc tế, góp phần bảo đảm tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân trước những biến cố, rủi ro, giúp bảo đảm ASXH. Với ý nghĩa đó, Luật BHXH đang tiếp tục được sửa đổi theo hướng mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút NLĐ tham gia BHXH; hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Hiện nay, chính sách BHXH được thực hiện với hai loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Trong đó, chính sách BHXH bắt buộc có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ với NLĐ mà còn cả với doanh nghiệp (DN). Ngoài việc giúp NLĐ ổn định cuộc sống ngay khi đang làm việc, chính sách BHXH còn trợ giúp NLĐ khi không còn khả năng lao động thông qua thụ hưởng 5 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Với DN, việc NLĐ được tham gia chính sách BHXH, BHYT đầy đủ sẽ có thêm động lực giúp DN phát triển sản xuất, kinh doanh mà không phải lo lắng về nguồn lao động. Mặt khác, thực tế nhiều DN khi tuyển dụng lao động thì tiêu thức được tham gia BHXH, BHYT cũng là một quyền lợi quan trọng để thu hút được NLĐ vào làm việc.

Cùng chung mục tiêu với BHXH bắt buộc để ngày càng có nhiều người được bảo đảm ASXH sau khi hết tuổi lao động, chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi NLĐ ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện đã đem lại lợi ích rất rõ, giúp tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được chính sách hưu trí và được cấp thẻ BHYT miễn phí khi hết tuổi lao động.

Chế độ hưu trí trong chính sách BHXH đang được thiết kế rất có lợi cho NLĐ với mức hưởng đang cao hơn nhiều so với mức đóng góp. Mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống. Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu và trong các năm qua dù tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 01/01/2022.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, chính sách BHXH, BHYT đã thực sự phát huy hiệu quả tích cực giúp hàng triệu người dân, NLĐ ổn định cuộc sống, DN phục hồi sản xuất, kinh doanh. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn từ quỹ BHXH, BHTN được Quốc hội, Chính phủ ban hành. Kết quả, các gói hỗ trợ từ các quỹ này với tổng số tiền trên 47,2 nghìn tỷ đồng đã được ngành BHXH Việt Nam chi trả từ quỹ BHXH, BHTN, hỗ trợ nhanh gọn, chính xác đến tận tay người hưởng. Quỹ BHYT đã cùng ngân sách nhà nước góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả và phòng chống dịch Covid-19, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

BHYT nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Cùng với chính sách BHXH, BHYT là chính sách ASXH ưu việt, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn… Luật BHYT quy định tất cả người dân đều có quyền tham gia BHYT và có phạm vi hưởng BHYT như nhau. Người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán số tiền KCB không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm. Ngoài ra, người tham gia sẽ được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ các chi phí KCB BHYT theo quy định, không bị giới hạn về tuổi tác, số ngày điều trị và tổng chi phí KCB BHYT. Qua đó, BHYT đã giúp nhiều người có thẻ BHYT vượt qua những khó khăn về kinh tế khi không may bị ốm đau bệnh tật. Không chỉ là giá trị vật chất, BHYT còn là điểm tựa tinh thần giúp nhiều người có động lực, niềm tin để chiến thắng bệnh tật.

Hiện nay, danh mục thuốc được quỹ BHYT thanh toán đáp ứng nhu cầu KCB của người có thẻ BHYT với hơn 1.000 hoạt chất, sinh phẩm tân dược và hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu. Trong đó, có nhiều thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc điều trị bệnh máu không đông, thuốc tim mạch đa dạng… người bệnh được chỉ định sử dụng dài ngày, có thuốc dùng suốt đời cho quá trình điều trị bệnh.

picture1-1706501456.png

Người dân tham gia khám chữa bệnh BHYT tại Trung tâm Y tế huyện Hòa An (Cao Bằng)

Ngoài các chi phí về thuốc, người tham gia BHYT còn được quỹ BHYT chi trả các chi phí dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế. Trong đó có các phẫu thuật, thủ thuật cao, chi phí lớn như: Phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật thay khớp, thay đãi đệm cột sống, đặt máy tạo nhịp tim… Đáng chú ý, một số loại vật tư y tế được quỹ BHYT thanh toán có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

Trong đó, đáng lưu ý, hiện nay, quỹ BHYT thực hiện chi trả chi phí điều trị cho tất cả các bệnh hiểm nghèo như nhóm bệnh về: Tim mạch, ung thư, bệnh hiếm… Đây là các nhóm bệnh sẽ phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời, có chi phí điều trị lớn. Thời gian qua, nhiều người có thẻ BHYT bị mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng đã được quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng chi phí KCB BHYT, nhờ đó giúp nhiều người bệnh có thêm động lực, niềm tin tiếp tục điều trị bệnh, giúp nhiều gia đình không bị tái nghèo do không phải chi trả các khoản chi phí “khổng lồ” của việc KCB cho người thân.

Trong năm 2022 và quý I/2023 quỹ BHYT chi trả cho người bệnh với chi phí cao cụ thể như: (1) Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao nhất 4,1 tỷ đồng: mã thẻ TE1262621XXXXXX, sinh năm 2018, địa chỉ: thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, chẩn đoán bệnh chính là “Rối loạn khác của chuyển hóa carbohydrat”. (2) Người bệnh được quỹ BHYT chi trả thứ 2 trên 3,5 tỷ đồng: mã thẻ TE1424217XXXXXX, sinh năm 2017, địa chỉ: xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, chẩn đoán bệnh chính là “Rối loạn chuyển hóa tyrosine”. (3) Người bệnh được quỹ BHYT chi trả thứ 3 gần 3,5 tỷ đồng: mã thẻ TE1343422XXXXXX, sinh năm 2017, địa chỉ tổ 15, phường Đề Thám, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình, chẩn đoán bệnh chính là “Rối loạn chuyển hoá Glycogen typ 2 (Bệnh Pompe)”. (4) Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 4 gần 3,1 tỷ đồng: mã thẻ TE1242422XXXXXX, sinh năm 2018, địa chỉ: thôn Bình An, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích luỹ glycogen”.

Có thể khẳng định, chính sách BHXH, BHYT là chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Quỹ BHXH, BHYT được Nhà nước bảo hộ và đã trở thành các quỹ an sinh lớn nhất, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng quản lý BHXH. Với vai trò quan trọng, quỹ BHXH, BHYT được đảm bảo ổn định, cân bằng, bền vững, nhờ đó NLĐ và Nhân dân ngày càng yên tâm, tin tưởng khi tham gia BHXH, BHYT.

Với phương châm "Lấy người dân, DN làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực và đạt được những thành tựu đáng kể, toàn diện nhằm đảm bảo quyền lợi đầy đủ, kịp thời đảm bảo an sinh xã hội và chăm sóc sức sức khỏe cho người tham gia và thụ hưởng chính sách.

Thành Chung

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin